Các nước châu Á đón Tết Nguyên đán khác với Việt Nam như thế nào?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều quốc gia châu Á cũng đón Tết Nguyên đán giống như Việt Nam, nhưng lại có những phong tục thú vị và mang nét riêng, bên cạnh yếu tố quan trọng nhất là sự sum họp ấm áp bên gia đình.

Singapore
Do phần lớn dân số là người gốc Hoa nên Tết âm lịch ở Singapore khá giống tại Trung Quốc. Người dân Singapore đón Tết truyền thống cùng thời điểm với Tết Nguyên đán của người Việt Nam. Những ngày Tết ở Singapore thường diễn ra với Lễ hội mùa xuân với 3 sự kiện nổi bật: Lễ hội Hoa đăng, Lễ hội Singapore River Hongbao và Lễ hội đường phố Chingay, kéo dài từ mùng 1 tết cho đến 15 tháng Giêng âm lịch. Mỗi lễ hội đều mang đậm chất xuân, vui tươi và có rất đông người dân tham gia.
 
Người dân cũng thường tới chùa lễ thần, lễ Phật. Tết âm lịch ở Singapore là dịp bạn bè, họ hàng chúc tụng, đãi tiệc nhau. Vào dịp này, người Singapore thường ăn bánh tang yuan (bánh trôi tàu) với ý nghĩa đoàn viên, sum họp. Ngoài ra, mâm cỗ Tết nơi đây cũng không thể thiếu các món ăn khác như Yusheng (cá sống), Chang shou mian (mỳ trường thọ), Pencai (món ăn bao gồm thịt heo, thịt gà, nấm, hải sản, bà ngư, hải sâm, sò điệp),…
Cũng giống Việt Nam, tại Singapore, trong dịp Tết Nguyên đán, người thân sẽ dành tặng nhau những phong bao lì xì màu đỏ để cầu chúc may mắn.
Triều Tiên
Trước đây, người dân Triều Tiên đón tết vào tháng 10 và tháng 11. Tuy nhiên, hiện người dân Triều Tiên đã chuyển sang đón Tết Nguyên đán vào mùng 1 tháng Giêng như nhiều quốc gia châu Á. Tết của người dân Triều Tiên kéo dài hàng tuần với nhiều phong tục truyền thống không thể thiếu như dán hình động vật lên cửa để cầu may, xem bói, đón trăng mọc…
Vào đêm 30 Tết, mọi người trong gia đình cùng nhau quét dọn nhà cửa, treo câu đối, tranh Tết, làm cơm Tết và quây quần bên nhau để chuẩn bị đón thời khắc chuyển giao của đất và trời.
Sáng mùng 1, người lớn tuổi nhất trong gia đình sẽ đại diện làm lễ tạ ơn gia tiên. Trong mâm cỗ Tết của người Triều Tiên không thể thiếu món Ttok-kuk, một món ăn được chế biến từ bánh gạo, đậu xanh và nước cơm. Món ăn này được cho rằng có thể giúp mọi người sống lâu hơn.
Hàn Quốc
Cũng theo âm lịch, Tết Seollal của Hàn Quốc rơi vào ngày đầu tiên của năm mới. Ngày lễ diễn ra trong 3 ngày, là dịp để mọi người quây quần bên gia đình, cùng nhau đi cung điện hoàng gia và các làng nghề truyền thống.

 Tết Seollal của Hàn Quốc rơi vào ngày đầu tiên của năm mới.
Ở Hàn Quốc, người dân sẽ đốt các thanh tre trong nhà để xua đuổi tà ma vào đêm giao thừa. Tất cả các thành viên trong gia đình sẽ thức suốt đêm vì theo truyền thuyết, nếu ngủ thì lông mi, tóc sẽ bạc trắng, thể lực kém, tinh thần kém minh mẫn.
Trong những ngày Tết, mọi người thường mặc trang phục truyền thống Hanbok. Ngoài lì xì, họ cũng tặng nhau nhân sâm, mật ong, cá hồi hay những vật dụng hàng ngày như dầu gội, kem đánh răng.
Malaysia
Theo thống kê, 1/4 dân số Malaysia là người Trung Quốc, vì vậy Tết Nguyên đán là một dịp rất quan trọng với họ. Tết Nguyên đán cũng được coi là kỳ nghỉ chính thức tại quốc gia này với các phong tục như tặng lì xì, đoàn tụ gia đình, hay lễ hội múa lân - sư - rồng.
 Tết Nguyên đán cũng được coi là kỳ nghỉ chính thức tại Malaysia.
Giống như nhiều nước đón Tết Nguyên đán khác, đây cũng là dịp để người dân có dịp đoàn tụ, quây quần bên nhau.
 
Trung Quốc
Tết Nguyên đán ở Trung Quốc (hay còn gọi là Xuân Tiết) là ngày lễ âm lịch quan trọng nhất đối với người dân nước này, kéo dài 15 ngày bắt đầu từ ngày 1/1 âm lịch và kết thúc vào ngày tổ chức lễ hội đèn lồng 15/1 âm lịch. Tuy nhiên, bắt đầu từ 8/12 âm lịch, hầu hết người dân Trung Quốc sẽ lên đường về quê ăn Tết, đoàn tụ với gia đình.
Trong tiếng Hán, đón năm mới được gọi là “Guo Nian”. Tương truyền, từ “Nian” (年) ngoài có nghĩa là “năm” thì còn để gọi một con quái vật sợ màu đỏ, chuyên đi quấy phá dân làng. Cũng kể từ đó, người dân Trung Quốc rất ưa chuộng màu đỏ trong dịp lễ đặc biệt này với mong muốn có một năm mới an lành.
  Người dân Trung Quốc rất ưa chuộng màu đỏ trong dịp Tết Nguyên đán với mong muốn có một năm mới an lành.
Vào thời khắc giao thừa, các thành viên trong gia đình sẽ cùng sum họp và ăn bữa cơm để chào đón năm mới. Đối với người Trung Quốc, bữa cơm giao thừa rất quan trọng bởi nó thể hiện được sự hạnh phúc của mỗi gia đình. Đặc biệt, họ sẽ tránh ăn thịt con vật đại diện cho năm đó vào đầu năm.
Ở Trung Quốc, mọi người đón Tết theo truyền thống của từng địa phương. Các gia đình đều lau dọn nhà cửa sạch sẽ để quét đi những điều không may và chào đón các may mắn sắp tới. Cửa sổ, cửa ra vào đều được dán giấy đỏ với câu đối và những từ như “Phúc”, “Lộc” và “Thọ”. Vào đêm Trừ Tịch, bữa tối đoàn viên sẽ có các món truyền thống như gà, cá và sủi cảo. Đặc biệt, họ sẽ tránh ăn thịt con vật đại diện cho năm đó vào đầu năm.
Mông Cổ
Tết cổ truyền hay còn gọi là Tsagaan Sar (Tết Tháng Trắng) là một trong hai dịp lễ lớn nhất trong năm ở Mông Cổ. Đây không chỉ là thời khắc báo hiệu mùa đông giá lạnh đã kết thúc mà còn là dịp để gia đình sum vầy và thắt chặt mối quan hệ.
Người Mông Cổ sẽ đón năm mới trong 15 ngày. Họ sẽ quây quần bên gia đình, ăn thịt cừu, bánh kẹo, há cảo và airag (sữa ngựa lên men).
 Trong 3 ngày Tết, người Mông Cổ sẽ chỉ mặc trang phục dân tộc.
Nghi thức không thể thiếu trước đêm giao thừa của người Mông Cổ là rửa chén bát bằng sữa ngựa. Người lớn tuổi nhất trong nhà sẽ pha một ấm trà, rót chén đầu tiên và vẩy tứ phía với tâm lý xua tan mọi điều xấu, mang lại điều tốt đẹp cho năm mới.
Người Mông Cổ có tục uống trà vào đêm giao thừa và việc này được diễn ra theo một cách khá đặc biệt. Chén trà đầu tiên sẽ được đem ra trước sân vẩy đều khắp 4 hướng, chén thứ 2 dành cho gia chủ, cuối cùng mới tới lượt các thành viên trong nhà.
Trong 3 ngày Tết, người Mông Cổ sẽ chỉ mặc trang phục dân tộc. Mọi người thường tụ họp tại nhà của người già nhất trong vùng. Sau đó, họ cùng nhau trò truyện, vui đùa, trao đổi các món ăn và thưởng thức chúng.