Các phương pháp điều trị ung thư lan truyền trên mạng không có cơ sở

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 25/5, Giám đốc bệnh viện K, Viện trưởng Viện nghiên cứu phòng chống ung thư Trần Văn Thuấn đã chủ trì cuộc gặp gỡ báo chí đính chính thông tin đang lan truyền trên mạng cho rằng phác đồ điều trị ung thư bằng truyền hóa chất hiện nay quá lỗi thời và lạc hậu, không hiệu quả dẫn đến số bệnh nhân tử vong nhiều. Tuy nhiên, PGS.TS Trần Văn Thuấn khẳng định, đây là phát biểu không có khoa học.

TS Trần Văn Thuấn cho biết, các hướng dẫn của các tổ chức ung thư hàng đầu thế giới khẳng định hoá trị vẫn là một trong các phương pháp quan trọng điều trị ung thư. Bên cạnh có thể điều trị khỏi một số ung thư, hóa trị có thể ngăn chặn được tiến triển của ung thư, giúp cải thiện triệu chứng và kéo dài thời gian sống thêm cho người bệnh ung thư. Các độc tính của hoá trị hầu hết có thể kiểm soát được.
 TS.BS Nguyễn Tiến Quang khám cho bệnh nhân

Nếu chỉ định đúng, hợp lý, hoá trị sẽ mang lại hiệu quả điều trị và các tác dụng phụ có thể chấp nhận được hay nói cách chuyên môn là người bệnh dung nạp được điều trị. Theo TS Thuấn, hiện nay có thể chia các phương pháp điều trị ung thư thành 4 nhóm chính, Thứ nhất là điều trị phẫu thuật, được chỉ định cho ung thư giai đoạn khối u khu trú (giai đoạn sớm). Thứ hai là điều trị xạ trị là sử dụng tia bức xạ ion hóa để tiêu diệt tế bào ung thư. Thứ ba là điều trị hoá chất là sử dụng các thuốc gây độc tế bào nhằm tiêu diệt tế bào ung thư. Thứ tư là điều trị nhắm đích.
Đối với phương pháp kiềm hóa máu vào cơ thể để trị ung thư (ăn 100% thực phẩm thực phẩm tạo kiềm để pH = 8,5 thì tế bào ung thứ sẽ chết) hay dùng sodium bircarbonate để chữa ung thư vì rẻ tiền, dễ uống và không gây đau đớn đang lan truyền trên mạng, bác sĩ Thuấn khẳng định, điều này hoàn toàn không có cơ sở khoa học.
Cho đến nay chưa có bất kỳ nghiên cứu hay khuyến cáo nào cho thấy sử dụng các phương pháp nêu trên có tác dụng điều trị ung thư. Bác sĩ Thuấn cũng khẳng định, quan điểm điều trị ung thư bằng phương pháp thực dưỡng tức là không ăn thịt, đường, sữa để không nuôi tế bào ung thư phát triển được là không có cơ sở khoa học. Với bệnh nhân ung thư, các bác sĩ thường khuyên ăn chế độ đầy đủ chất dinh dưỡng bao gồm vitamin, nước, khoáng chất, đường, đạm, chất béo.
Ngoài ra cần giữ cân nặng hợp lý, hạn chế uống rượu, không hút thuốc lá và tập thể dục đều đặn. Một số khuyến cáo hướng dẫn nên ăn chủ yếu các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, chứ không phải hoàn toàn kiêng thịt, cắt bỏ hoàn toàn thịt trong khẩu phần ăn hàng ngày. Nếu người bệnh muốn chọn chế độ ăn chay, phải đảm bảo rằng đây là một chế độ ăn chay lành mạnh, đa dạng, phong phú và cung cấp đầy đủ năng lượng.