Các trường đại học đua nhau mở ngành mới

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa tuyển sinh 2018, các trường đại học (ĐH) mở thêm nhiều ngành đào tạo mới để thu hút thí sinh, cũng như đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Đồng loạt mở ngành
Trong số các trường ĐH top trên, năm nay ĐH Quốc gia Hà Nội mở thêm ngành Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng, Kỹ thuật robot, Công nghệ Hàng không Vũ trụ, Khoa học Thông tin Địa không gian, Sư phạm tiếng Đức, Quản trị trường học, Đông Nam Á… ĐH Kinh tế quốc dân cũng mở tới 11 mã ngành đào tạo mới. PGS.TS Nguyễn Đức Triệu – Trưởng phòng Quản lý đào tạo của trường cho hay: Trường có nhiều chuyên ngành được đào tạo 30 – 40 năm, vì thế, khi Bộ GD&ĐT có danh mục mã ngành cấp 4 mới, đã có 7 chuyên ngành tách ra thành ngành độc lập: Kinh tế phát triển, Quản lý tài nguyên và môi trường, Quản lý công, Khoa học quản lý…
Giảng viên tại Trung tâm nghiên cứu công nghệ cao tại Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Nhà trường cũng mở một số ngành mới hoàn toàn như Logictics và quản lý chuỗi cung ứng, Thương mại điện tử. Và một số chương trình đào tạo bằng tiếng Anh như Quản trị khởi nghiệp, Định phí bảo hiểm và quản trị rủi ro. ĐH Ngoại thương cũng mở ngành mới Logictics và quản lý chuỗi cung ứng để đáp ứng nhu cầu nhân lực về vận chuyển và bảo quản hàng hóa.

Nhiều trường ĐH top thấp hơn mở ngành mới một phần vì đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, nhưng điều không kém phần quan trọng là thu hút thí sinh đăng ký xét tuyển, nhất là khi Bộ GD&ĐT xóa bỏ điểm sàn thì cạnh tranh nguồn tuyển vô cùng gay gắt. Vì thế, từ cuối năm 2017, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam đã thông tin mở 3 ngành mới để thí sinh tìm hiểu, ĐH Thủy lợi mở 4 ngành mới, ĐH Công nghệ Giao thông vận tải có thêm 3 ngành… Chia sẻ lý do về việc sẽ mở thêm ngành, TS Đỗ Hồng Cường – Phó Hiệu trưởng ĐH Thủ đô Hà Nội cho biết, trường đang có 22 ngành đào tạo trình độ ĐH, thời gian tới sẽ phát triển 5 ngành nữa, trong đó tập trung vào một số mã ngành mang tính đặc thù của Hà Nội hiện giờ chưa có trong danh mục của Bộ GD&ĐT.

Ngành mới, hướng đi riêng

Mở thêm nhiều ngành mới, nhưng tổng chỉ tiêu của các trường tăng không nhiều, số lượng tuyển của từng ngành mới cũng rất ít, chỉ từ 40 – 80 chỉ tiêu/ngành (1 đến 2 lớp). Phó Trưởng phòng Đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐH Thủy lợi Trần Khắc Thạc thông tin: 4 ngành mới mở (Công nghệ sinh học, Công nghệ chế tạo máy, Kỹ thuật cơ điện tử, Kỹ thuật điều khiển và tự động hoá) hiện nay đang có nhu cầu nhân lực rất cao, nhất là các khu công nghiệp, tập đoàn đang đầu tư vào Việt Nam. Để ngành mới mang nét khác biệt riêng, ĐH Thủy lợi đã tham khảo chương trình chuẩn của các trường trong nước và các nước phát triển như Mỹ, Hà Lan. Nhà trường cũng cập nhật thông tin chương trình đào tạo, môn học mới của các nước phát triển, vì thế sẽ có một số môn học khác so với ngành học cùng tên ở trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông.

Đi sâu vào chương trình đào tạo của các ngành mới mở, TS Phạm Mạnh Hà – Phụ trách tuyển sinh của Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam cho hay, nét đặc sắc của học viện là đào tạo gắn với thực hành nghề và đào tạo chuyên môn sâu, đặc biệt là những lĩnh vực về chính trị, xã hội. Đơn cử, ngành Quản lý nhà nước, Học viện tập trung nhiều vào kỹ năng, nghiệp vụ văn phòng, trang bị cho sinh viên những kiến thức nền tảng về luật pháp và các hiểu biết về chính sách, pháp luật. Ngoài việc được thực tập ở hệ thống các tổ chức đoàn, sinh viên ngành Quản lý nhà nước còn được tham gia những khóa tập huấn mang màu sắc của thành niên. Qua đó, khi ra trường, bên cạnh kiến thức được đào tạo, sinh viên có thêm kỹ năng, sức trẻ, nhiệt huyết để hòa nhập ngay vào môi trường nghề nghiệp.

Trước những băn khoăn của thí sinh về việc chọn trường, ngành mới mở hay ngành hot nhưng điểm trúng tuyển sẽ rất cao, PGS Bùi Đức Triệu khuyên: Thí sinh nên chọn trường phù hợp với năng lực và sở thích, niềm đam mê với trường, với ngành đào tạo đó.