Các tỷ phú Trung Quốc và cuộc đua trí tuệ nhân tạo AI với Mỹ

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc có một nỗi ám ảnh mới: Cạnh tranh với những người khổng lồ của Mỹ như Google và Microsoft trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo toàn cầu.

Các doanh nhân tỷ phú, kỹ sư cấp trung và cựu nhân viên công nghệ từ các công ty nước ngoài giờ đây nuôi dưỡng một tham vọng chung: vượt qua đối thủ địa chính trị của Trung Quốc trong loại hình công nghệ có thể xác định quyền lực toàn cầu - AI. 

Mã QR tại một cửa hàng bán đồ ăn ở Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg. 
Mã QR tại một cửa hàng bán đồ ăn ở Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg. 

Trong số đó có ông trùm Internet Wang Xiaochuan, người tham gia "đường đua" sau khi ChatGPT của OpenAI ra mắt gây bão trên mạng xã hội vào tháng 11/2022. Ông gia nhập hàng ngũ các nhà khoa học, lập trình viên và nhà tài chính Trung Quốc — bao gồm cả cựu nhân viên của ByteDance, nền tảng thương mại điện tử JD.com và Google — dự kiến sẽ thúc đẩy khoảng 15 tỷ USD chi tiêu cho công nghệ AI trong năm nay.

Đối với tỷ phú Wang, người sáng lập công cụ tìm kiếm Sogou mà Tencent đã mua lại trong một thỏa thuận trị giá 3,5 tỷ USD cách đây chưa đầy hai năm, cơ hội đến rất nhanh.

Đến tháng 4, Wang đã thành lập công ty khởi nghiệp và huy động được 50 triệu USD. Ông đã liên hệ với các cấp dưới cũ tại Sogou. Đến tháng 6, công ty đã tung ra một mô hình ngôn ngữ lớn nguồn mở và đã được các nhà nghiên cứu tại hai trường đại học nổi tiếng nhất của Trung Quốc sử dụng.

“Tất cả chúng tôi đều nghe thấy tiếng súng đã nổ trong cuộc đua. Các công ty công nghệ, dù lớn hay nhỏ, đều ở trên cùng một vạch xuất phát,” Wang - người sáng lập công ty khởi nghiệp Baichuan - "Một trăm con sông", nói với Bloomberg News. “Trung Quốc vẫn chậm hơn Mỹ ba năm, nhưng chúng tôi có thể không cần ba năm để bắt kịp.”

Các tài năng và nguồn tài chính hàng đầu của Trung Quốc đang chảy mạnh mẽ vào AI - phản ánh một làn sóng sôi động ở Thung lũng Silicon, điều này có ý nghĩa sâu sắc đối với cuộc xung đột leo thang của Bắc Kinh với Washington. Các nhà phân tích và CEO tin rằng AI sẽ định hình các nhà lãnh đạo công nghệ trong tương lai, giống như internet và điện thoại thông minh tạo ra một nhóm những người khổng lồ toàn cầu. Hơn nữa, nó có thể thúc đẩy các ứng dụng từ siêu máy tính đến sức mạnh quân sự - có khả năng làm nghiêng cán cân địa chính trị.

Tuy nhiên, bối cảnh khác biệt ở Trung Quốc - với sự kiềm chế bởi các lệnh trừng phạt công nghệ của Mỹ, các yêu cầu kiểm duyệt và dữ liệu của cơ quan quản lý, cũng như sự ngờ vực của phương Tây đã hạn chế sự mở rộng ra quốc tế. Tất cả những điều đó sẽ khiến việc đuổi kịp Mỹ trở nên khó khăn hơn.

Các khoản đầu tư vào AI của Mỹ hiện thấp hơn của Trung Quốc, với tổng trị giá 26,6 tỷ USD trong năm tính đến giữa tháng 6 so với 4 tỷ USD của Trung Quốc, theo dữ liệu do công ty tư vấn Preqin đối chiếu.

Tuy nhiên, khoảng cách đó đang dần được thu hẹp, ít nhất là về dòng giao dịch. Số lượng các giao dịch mạo hiểm của Trung Quốc về lĩnh vực AI chiếm hơn 2/3 trong tổng số khoảng 447 của Mỹ trong năm tính đến giữa tháng 6, so với khoảng 50% trong hai năm trước. Theo Preqin, các giao dịch liên doanh AI có trụ sở tại Trung Quốc cũng vượt xa công nghệ tiêu dùng vào năm 2022 và đầu năm 2023.

Cựu chủ tịch Baidu Zhang Yaqin - trưởng Viện Nghiên cứu Công nghiệp AI của Đại học Thanh Hoa và là người giám sát một số dự án mới chớm nở, nói với truyền thông Trung Quốc vào tháng 3 rằng các nhà đầu tư tìm kiếm ông gần như hàng ngày trong tháng đó. Ông cũng ước tính có khoảng 50 công ty làm việc trên các mô hình ngôn ngữ lớn trên khắp Trung Quốc.

Wang Changhu, cựu trưởng nhóm nghiên cứu tại Microsoft Research trước khi gia nhập Bytedance vào năm 2017, cho biết hàng chục nhà đầu tư đã tiếp cận ông trên WeChat chỉ trong một ngày khi ông chuẩn bị thành lập công ty khởi nghiệp AI.

Wang nói với Bloomberg News: “Ít nhất đây là cơ hội ngàn năm có một, cơ hội cho các công ty khởi nghiệp tạo ra những công ty có thể sánh ngang với những gã khổng lồ”.

Tuy nhiên, các bản demo của Trung Quốc đến nay cho thấy rõ ràng rằng hầu hết đều còn một chặng đường dài phía trước. Grant Pan, giám đốc tài chính của Noah Holdings, công ty con Gopher đầu tư vào hơn 100 quỹ bao gồm Sequoia China (nay là HongShan) và ZhenFund ở Trung Quốc, cho biết: “Các nhà đầu tư đang theo đuổi khái niệm này".  “Tuy nhiên, việc sử dụng thương mại và tác động đến các chuỗi công nghiệp vẫn chưa rõ ràng.”

Bên cạnh đó còn có các quy định của Bắc Kinh về AI tổng quát, theo đó dự kiến trách nhiệm đào tạo các thuật toán và thực hiện kiểm duyệt sẽ thuộc về các nhà cung cấp nền tảng.

Đó là một thử thách quen thuộc với những người chơi công nghệ Trung Quốc.

Trong kỷ nguyên di động, một thế hệ các công ty khởi nghiệp do Tencent, Alibaba Group và ByteDance, chủ sở hữu của TikTok, đã xây dựng một ngành công nghiệp thực sự có thể cạnh tranh với Thung lũng Silicon.

Nó đã khiến Facebook, YouTube và WhatsApp bị loại khỏi thị trường đang bùng nổ 1,4 tỷ người. Có thời điểm trong năm 2018, vốn đầu tư mạo hiểm ở Trung Quốc thậm chí còn trên đà vượt qua Mỹ — cho đến khi chiến tranh thương mại làm trầm trọng suy thoái kinh tế. 

Xiaomeng Lu, giám đốc thực hành công nghệ địa lý của Eurasia Group cho biết: “Chế độ kiểm duyệt của Bắc Kinh sẽ khiến các ứng dụng giống như ChatGPT của Trung Quốc gặp bất lợi nghiêm trọng so với các ứng dụng tương tự ở Mỹ.

Những rào cản này đã không ngăn được tham vọng ở Trung Quốc, từ Baidu và iFlytek cho đến hàng loạt công ty khởi nghiệp mới, đặt mục tiêu bắt kịp và vượt qua Mỹ về AI.

Tỷ phú sáng lập Baidu Robin Li hồi tháng 3 đã đưa ra câu trả lời đầu tiên của Trung Quốc cho ChatGPT, cho biết cả Mỹ và Trung Quốc đều chiếm khoảng một phần ba sức mạnh công nghệ của thế giới. Nhưng chỉ điều đó thôi sẽ không tạo nên sự khác biệt bởi vì “sự đổi mới không phải là thứ bạn có thể mua được”.

“Tại sao mọi người không sẵn sàng đầu tư dài hạn và ước mơ lớn?” Wayne Shiong, một đối tác tại China Growth Capital, hỏi. “Bây giờ cuộc đua đã bắt đầu, và tôi tin rằng Trung Quốc sẽ có thể bắt kịp.”