Cách mạng công nghiệp 4.0 bắt đầu từ đổi mới giáo dục

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CM4.0) đã đến nhưng các yếu tố để chuẩn bị đón nhận của Việt Nam lại đang ở mức thấp. Vì thế, các chuyên gia cho rằng, một trong những giải pháp quyết định đối với các DN Việt Nam chính là đổi mới công nghệ.

Tại buổi tọa đàm “Cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động tới thị trường Việt Nam” do Công ty CP Sách Omega Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Trung tâm Nghiên cứu quốc tế SCIS tổ chức, ngày 27/3, ông Trần Chí Dũng – Văn phòng Giới chủ sử dụng lao động, VCCI cho biết, những yếu tố chuẩn bị cho CM 4.0 của Việt Nam đang ở mức rất thấp. Cụ thể, Việt Nam đứng thứ 90 trên 100 nước về công nghệ đổi mới, xếp thứ 92 về công nghệ, thứ 77 về năng lực sáng tạo, thứ 70 về nguồn lực con người. Xét về phía cung việc làm, 97% DN Việt Nam vừa và nhỏ, chủ yếu trong lĩnh vực gia công lắp ráp, đa phần là lao động phổ thông.
Thí sinh đang tìm hiểu ngành nghề để đăng ký xét tuyển vào trường đại học, cao đẳng.
Thống kê năm 2015 của Bộ KH&CN, 75% DN sử dụng máy móc lạc hậu từ 2 đến 3 thế hệ so với mức trung bình thế giới. Thực chất, phần nhiều DN Việt Nam đang trong giai đoạn dây chuyển sản xuất 2.0 và 3.0. Dù rằng có tới 95% DN sử dụng internet nhưng có tới 65% gặp khó khăn khi ứng dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Vì thế, để bắt kịp với CM4.0, dù muốn hay không, các DN cần phải số hóa sản xuất khi mô hình sản xuất kinh doanh truyền thống đều bị loại bỏ hoặc thay thế.
Ông Chí Dũng và nhiều chuyên gia cho rằng, cuộc CM4.0 sẽ tạo ra nhiều việc làm mới có hàm lượng công nghệ rất cao, thay thế cho những công việc giản đơn và năng suất thấp. Nhưng, với tình hình thực tế của chúng ta hiện nay, chỉ có 23,67% lao động có bằng cấp, phần lớn lao động trình độ 2.0 rất khó có thể đào tạo lên 3.0 và 4.0. Và, chỉ 5 năm nữa, khi robot hóa thì tỉ lệ rất lớn lao động trong các ngành dệt may, gia dày, lắp ráp điện tử… sẽ bị mất việc. Vì thế, để giải bài toán lao động tiếp cận CM4.0, cần phân ra thành nhiều lớp để giải. Đối với những nhóm đang và sẽ học trong các trường đại học có thể hướng tới 4.0 nhưng rất cần ngành GD&ĐT có những nội dung đào tạo tiếp cận sâu sát. Nhóm lao động thứ hai, số lượng không lớn đang phục vụ cho các ngành công nghiệp 3.0 có thể nâng cao trình độ để đáp ứng phần nào CM4.0. Nhóm thứ ba, lao động phổ thông 2.0 chiếm số lượng đông đảo khó có thể chuyển đổi sang 4.0. Vì thế, giải pháp cho nhóm 2.0 là chuyển sang những ngành kinh tế vừa tận dụng ưu thế và đặc thù của Việt Nam, đồng thời chịu ảnhh hưởng một phần về công nghệ.
Giải pháp đầu tiên cũng là quan trọng nhất để bắt kịp 4.0 được ông Dũng đề nghị chính là đổi mới giáo dục và đào tạo – việc làm vô cùng cần thiết. “Giáo dục cho tương lai – Một thế hệ trẻ sẵn sàng” đã được PGS.TS Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đưa ra tại tọa đàm này. Học sinh cũng cần phải biết cách học để có thể học tập được suốt đời; học cách hiểu và làm việc hợp tác với mọi người và giao tiếp có hiệu quả mới có thể mang đến thành công trong công việc. Trong khi ấy, đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTB&XH cho rằng, với cuộc CM4.0 như vũ bão hiện nay, người lao động cần được trang bị kỹ năng để làm việc. Hiện nay, Bộ LĐTB&XH cho phép các trường nghề được sáng tạo xây dựng các chương trình đào tạo thích ứng nhanh với sản xuất. Luật Giáo dục Nghề nghiệp quy định DN có trách nhiệm tham gia đào tạo nhưng mức độ đóng góp của DN vào xây dựng chương trình đào tạo vẫn còn hạn chế. Nhiều DN không muốn trường nghề đưa giáo viên và học sinh, sinh viên đến thực tập vì sợ ảnh hưởng đến dây chuyển sản xuất. DN cũng chưa cung cấp thông tin về nhu cầu, số lượng nhân lực theo ngành nghề, trình độ đào tạo dẫn đến hoạt động dạy nghề đang gặp khó khăn. Vì thế, đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, mong muốn VCCI có ý kiến để các DN tham gia tích cực hơn vào công tác đào tạo nghề trong nhà trường, tạo ra nguồn lợi cho mình và mang lại lợi ích cho quốc gia.