Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều thách thức bảo mật an ninh mạng

Thu Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với chủ đề “Bảo đảm an ninh mạng, an ninh thông tin trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, Hội thảo - Triển lãm Quốc gia về An ninh bảo mật 2017 (Security World 2017) tổ chức ngày 4/4 tại Hà Nội đã đưa ra những cảnh báo về tình hình an ninh mạng ngày càng diễn biến phức tạp và tinh vi.

Theo báo cáo tổng quan về tình hình an ninh mạng của Cục An ninh mạng, Bộ Công an, hoạt động tấn công mạng vào các cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu ngày càng gia tăng về quy mô và tính chất nguy hiểm. Mỗi năm, có hàng nghìn trang mạng bị tấn công, chỉnh sửa, chèn nội dung, cài mã độc, trong đó có hàng trăm tên miền .gov.vn của các cơ quan nhà nước.
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Riêng năm 2016, có tới gần 7.000 trang, cổng thông tin điện tử của cả nước bị tấn công. Nhiều thiết bị kết nối Internet tồn tại trong lỗ hổng bảo mật dẫn đến nguy cơ tin tặc khai thác, chiếm đoạt sử dụng làm bàn đạp cho các cuộc tấn công mạng trên thế giới.
Đặc biệt, hệ thống thông tin trọng yếu, nhất là hàng không, ngân hàng, viễn thông có nguy cơ bị phá hoại nghiêm trọng bởi các cuộc tấn công mạng, điển hình là vụ tấn công mạng vào ngành hàng không Việt Nam năm 2016.
Cùng với đó, tội phạm sử dụng máy tính xảy ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, gia tăng cả về số vụ, tính chất, mức độ nghiêm trọng. Các hành vi tấn công mạng, trộm cắp thông tin thẻ tín dụng, chiếm đoạt tài sản thông qua các hoạt động thương mại điện tử, sử dụng dịch vụ internet, viễn thông, mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản ngày càng diễn biến phức tạp. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu bảo mật thiết yếu làm gia tăng nguy cơ bị tấn công mạng...
Thống kê của Cục cảnh sát phòng chống tội phạm và công nghệ cao, Bộ Công an cũng cho thấy: Tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm phạm an ninh, an toàn mạng Internet đang có nhiều diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn. Đối tượng phạm tội trong nước cấu kết với tội phạm nước ngoài tạo thành các đường dây, tổ chức tội phạm xuyên quốc gia và xâm phạm hầu hết các lĩnh vực trong xã hội. Trong lĩnh vực an ninh, an toàn mạng hiện nay có tình trạng hệ thống cơ sở dữ liệu quan trọng bị tấn công lấy cắp diễn ra phức tạp.
Năm 2016, lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao đã làm rõ nhiều vụ việc, phát hiện nhiều đối tượng tấn công chiếm quyền điều khiển máy tính, đánh cắp nhiều dữ liệu quan trọng của các doanh nghiệp, cơ quan viễn thông, điện lực, ngân hàng, báo điện tử trong và ngoài nước....
Thống kê từ Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) cũng cho thấy, đã có hơn 134.000 sự cố an ninh mạng đã xảy ra trong năm 2016 (bao gồm sự cố Phishing, Malware và Deface), tăng gấp bốn lần so với năm 2015. VNCERT cũng cảnh báo mức độ phát triển và lây lan nhanh chóng của mã độc mã hóa dữ liệu Ransomware trong năm qua.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là trong khi nguy cơ an ninh mạng ngày càng diễn biến phức tạp và tinh vi nhưng người dùng Việt vẫn chưa có ý thức và kiến thức đầy đủ để có thể tự bảo vệ mình.
Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự phát triển mạnh mẽ về khoa học công nghệ được dự báo sẽ tạo ra những cơ hội lớn cho Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tự động hoá các quy trình kinh doanh, tăng cường khả năng kết nối qua các thiết bị di động và tiếp cận với cơ sở dữ liệu lớn, đồng thời những tính năng xử lý thông tin sẽ được nhân lên bởi những đột phá công nghệ trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích và cơ hội, cuộc cách mạng này cũng đang đặt ra cho Việt Nam những hiểm họa khôn lường về an ninh mạng, an ninh thông tin, đặc biệt trong bối cảnh mà các cuộc tấn công mạng ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Thứ trưởng nhấn mạnh, thời gian qua tội phạm sử dụng công nghệ cao tấn công vào ngân hàng, viễn thông, giao thông… ngày càng trở nên nghiêm trọng; đặt vấn đề phòng chống tấn công mạng, chống khủng bố mạng… trở thành nhiệm vụ bảo vệ an ninh cấp thiết của mọi quốc gia.Thực tế này đang đòi hỏi mọi người dân, tổ chức... cần nâng cao nhận thức về an toàn thông tin, tìm kiếm các giải pháp an ninh mạng hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng an ninh mạng, các tập đoàn, quốc gia nước ngoài... để xử lý các nguy cơ, sự cố.
Theo bà Lương Thị Lệ Thủy, Tổng Giám đốc Cisco Systems Việt Nam, để có thể bảo vệ chính mình trong kỷ nguyên số hóa với rất nhiều mối đe dọa tấn công, các doanh nghiệp và tổ chức cần nâng cao năng lực an toàn thông tin ở ba yếu tố cơ bản: con người, quy trình, và giải pháp công nghệ. Đào tạo con người, nâng cao kiến thức, nhận thức về an toàn thông tin; xây dựng quy trình đảm bảo an toàn thông tin và xử lý khi có sự cố; rriển khai các giải pháp an toàn bảo mật một cách toàn diện.