Cái bắt tay khiến cả Mỹ, Nga và Trung Quốc phải dõi theo

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai quốc gia giàu dầu mỏ ở Trung Đông như Iran và Iraq có thể là một điều tốt hoặc là nguy cơ, tùy thuộc vào góc nhìn của Mỹ, Nga hay Trung Quốc.

Đại diện Bộ Dầu mỏ Iran và Iraq trao đổi biên bản ký kết thành lập  ban quản lý năng lượng chung, ngày 27/12/2023
Đại diện Bộ Dầu mỏ Iran và Iraq trao đổi biên bản ký kết thành lập ban quản lý năng lượng chung, ngày 27/12/2023

Iran và Iraq mới đây đã nhất trí thành lập một loạt ủy ban điều hành nhằm tăng cường hợp tác trong tất cả các lĩnh vực năng lượng và hơn thế nữa. Vậy điều này có gì quan trọng, khi mà Mỹ hiện được cho là nhà sản xuất dầu thô, khí tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu thế giới?

Câu trả lời là thế giới không ngừng sử dụng năng lượng và hầu hết các nguồn năng lượng của thế giới vẫn nằm ở Trung Đông. Do đó, cuộc đấu tranh đang diễn ra hòng kiểm soát nguồn năng lượng ở khu vực này được tin vẫn là yếu tố then chốt quyết định cách thế giới vận hành về mặt chính trị, bao gồm cả Mỹ.

Sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai quốc gia giàu dầu mỏ như Iran và Iraq có thể là một điều tốt hoặc là nguy cơ, tùy thuộc vào góc nhìn của Mỹ, Nga hay Trung Quốc.

Một trong những lý do khiến Iran và Iraq trở thành hai cường quốc dầu mỏ quan trọng nhất ở Trung Đông là vì họ cùng nhau tạo nên một nguồn tài nguyên dầu khí lớn nhất trong khu vực cho đến nay.

Iran có trữ lượng dầu thô ước tính khoảng 157 tỷ thùng, chiếm gần 10% tổng trữ lượng của thế giới. Ngoài ra, Iran còn có tỷ lệ thành công cao trong thăm dò khí đốt tự nhiên, ước tính khoảng 80%, so với tỷ lệ thành công trung bình trên thế giới là 30-35%. Thời điểm trước khi chịu các lệnh trừng phạt lớn đang diễn ra, Iran sản xuất khoảng 3,4 triệu thùng dầu mỗi ngày (bpd) và hơn 1 tỷ mét khối khí đốt mỗi ngày (bcm/d). Trên thực tế, nước này còn có thể tăng sản lượng dầu lên 6 triệu thùng/ngày trong vòng tối đa 3 năm và lên 1,5 bcm/ngày trong cùng thời kỳ.

Ước tính trữ lượng dầu khí không chính thức của Iran cao hơn nhiều và có thể được chứng minh là chính xác theo thời gian. Điều này cũng đúng với Iraq, nhưng về mặt chính thức thì nước này vẫn có trữ lượng dầu thô đã được chứng minh là khoảng 145 tỷ thùng, chiếm khoảng 8% tổng trữ lượng của thế giới.

Với những ước tính tương tự như với Iran, trên thực tế, Iraq được cho có thể tăng sản lượng dầu lên 7 triệu thùng/ngày trong vòng tối đa ba năm, sau đó lên 9 triệu thùng/ngày và có thể lên 12 triệu thùng/ngày. Việc Iran và Iraq chia sẻ nhiều mỏ dầu lớn nhất cũng làm tăng sức mạnh và tầm quan trọng của liên minh giữa hai nước.

Một lý do nữa khiến hai nước trở thành cường quốc năng lượng quan trọng nhất ở Trung Đông là vì họ thực sự tạo thành trung tâm địa lý của toàn khu vực, đánh dấu cửa ngõ từ Viễn Đông vào châu Âu ở phía Tây Bắc và vào châu Phi ở phía Tây Nam. Điều này khiến chúng trở thành chìa khóa cho sự thành công của Sáng kiến ​​Vành đai - Con đường (BRI) của Trung Quốc, cũng như cho các tham vọng chính trị và quân sự của Nga dọc theo bờ biển phía đông Địa Trung Hải.

Một tham vọng lâu dài của cả Iran và Nga là tận dụng quan hệ Iran - Iraq để tạo ra một "cầu đất liền" vĩnh viễn từ Tehran đến Biển Địa Trung Hải, qua đó tăng quy mô và phạm vi vận chuyển vũ khí tới miền Nam Lebanon và khu vực Cao nguyên Golan của Syria. Những điều này sẽ có tác dụng nhân rộng lực lượng rất lớn đối với Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) của Iran ở Syria, cũng như các lực lượng Hezbollah ủy nhiệm của họ ở Lebanon và Hamas ở Palestine, phục vụ các cuộc tấn công vào Israel.

Nhìn chung, mục đích của Iran là đoàn kết các quốc gia Hồi giáo trên thế giới chống lại những gì họ tin là một cuộc chiến sinh tồn chống lại liên minh dân chủ Do Thái-Kitô giáo rộng rãi của phương Tây, với Mỹ là trung tâm.

Ảnh hưởng nặng nề của Iran và Iraq đối với khu vực Lưỡi liềm Shia cũng là lý do lớn góp phần giải thích tại sao họ là hai quốc gia quan trọng nhất trong khu vực. Với tư cách là cường quốc Shia chính trên thế giới, Iran nằm ở trung tâm của khu vực Lưỡi liềm này. Iran, với sự giúp đỡ của Iraq - không bị trừng phạt, đã ở vị trí thống trị ở 3 trong số các quốc gia chủ chốt tại Lưỡi liềm Shia - Lebanon, Syria và Yemen.

Iran hiện tiếp tục thúc đẩy thông điệp chính trị của mình, với sự hỗ trợ của Nga, tới các quốc gia ở rìa Lưỡi liềm mà nó đã trực tiếp hoặc gián tiếp có chỗ đứng. Những nước này bao gồm Azerbaijan (75% người Shia và một quốc gia thuộc Liên Xô cũ) và Thổ Nhĩ Kỳ (25% người Shia và là đồng minh ngày càng mạnh mẽ của Nga). 

Đối với Trung Quốc và Nga, việc gia tăng ảnh hưởng tại Iran, và từ đó là đối với cả Iraq, cũng đã mang lại vô số lợi thế địa chính trị, đặc biệt kể từ khi Mỹ nhìn chung đã rời khỏi khu vực hoàn toàn vào cuối năm 2021 khi kết thúc nhiệm vụ chiến đấu ở Iraq. Một biểu hiện của lợi thế này đang được nêu bật trong sự gián đoạn vận chuyển quanh Biển Đỏ hiện nay là họ có quyền kiểm soát các tuyến vận chuyển dầu và LNG quan trọng quanh Trung Đông.

Tất cả được cho xuất phát từ Thỏa thuận hợp tác toàn diện 25 năm Iran - Trung Quốc. Thỏa thuận kéo dài 25 năm với Iran đã mang lại cho Trung Quốc ảnh hưởng to lớn đối với eo biển Hormuz - nơi vận chuyển khoảng 30% lượng dầu mỏ của thế giới qua eo biển này. Thỏa thuận cũng mang lại cho Bắc Kinh quyền kiểm soát lớn đối với eo biển Bab el-Mandeb - vốn chịu kiểm soát ở phía Yemen bởi lực lượng Houthi do Iran hậu thuẫn, và ở phía bên kia là Djibouti và Eritrea - cả hai đều nợ tiền Bắc Kinh, liên quan đến các dự án BRI.

Hiện tại, Trung Quốc dường như cũng đang sử dụng ảnh hưởng này để giảm nguy cơ mở rộng đáng kể chiến tranh Israel - Hamas, nhưng điều này sẽ kéo dài bao lâu vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.