Cải cách thể chế, môi trường kinh doanh trong dài hạn

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia cho rằng, mặc dù được đánh giá là một trong số ít các quốc gia thành công trong kiểm soát dịch bệnh, tạo tiền đề cho phục hồi và thúc đẩy sản xuất trong nước, tái mở cửa kinh tế một cách an toàn, song cũng cần xây dựng một kế hoạch dài hơi hơn.

Hội thảo Thúc đẩy phục hồi kinh tế và cải cách thể chế sau đại dịch Covid-19: Đề xuất cho Việt Nam, được Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 22/4

 Quang cảnh hội thảo

Viện trưởng CIEM, TS Nguyễn Thị Hồng Minh đánh giá, năm 2020 và quý I/2021 tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được các tổ chức quốc tế duy trì đánh giá tích cực. Đến nay, Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh, kinh tế vẫn giữ được ổn định vĩ mô, các mô hình kinh tế mới và tạo điều kiện cho DN thích ứng.

Chính phủ đã hỗ trợ để giảm khó khăn cho DN và người dân, khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội. Trong đó, các chính sách tài khoá hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí; hỗ trợ an sinh xã hội, giá dịch vụ. Về chính sách tiền tệ, lãi suất điều hành đã được giảm. Trong khi đó, Chính phủ cũng thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, dịch vụ số và các ngành sản xuất thuốc, hoá dược. Nhờ đó, tăng trưởng được duy trì ở mức tương đối cao so với khu vực.

Trong giai đoạn tiếp theo, bối cảnh thế giới còn nhiều biến động, dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn rủi ro. Cùng với những tiến bộ trong việc phát triển và phổ biến vaccine tại nhiều nước, chúng ta vẫn quan ngại khả năng xuất hiện các biến thể virus mới… Trong nước, thiên tai, biến đổi khí hậu phức tạp, DN còn nhiều khó khăn. Đánh giá dựa trên mô hình kinh tế của Viện CIEM dự báo 3 kịch bản tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2023.

Ở kịch bản 1 (bình thường): Tăng trưởng xuất khẩu 5,08%. Tốc độ tăng năng suất lao động 5,44%, đầu tư/GDP là 34,79% và tốc độ tăng GDP 6,35%. Lạm phát 3,30%.

Kịch bản 2 (trong điều kiện nới lỏng tài khoá và tiền tệ): Tăng trưởng xuất khẩu 5,76%. Tốc độ tăng năng suất 5,73%, đầu tư/GDP 35,46% và tốc độ tăng GDP là 6,69%. Lạm phát 4,04%

Kịch bản 3 (trong điều kiện nới lỏng tài khoá và tiền tệ đi kèm với cải cách thể chế): Tăng trưởng xuất khẩu 6,15%. Tốc độ tăng năng suất lao động 5,85%. Đầu tư tăng 35,14% và lúc này tăng trưởng GDP sẽ lên tới 6,76%, lạm phát 3,63%. 

CIEM cho hay, nếu chỉ nới lỏng tài khoá và tiền tệ, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn, song đi kèm với áp lực lạm phát lớn hơn. Còn nếu nới lỏng tài khoá và tiền tệ đúng trọng tâm, đúng thời điểm, song hành với đột phá trong chất lượng cải cách thể chế, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn và đi kèm với cải thiện đáng kể về năng suất. Đây cũng là cách để phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững hơn, ngay cả khi kinh tế thế giới còn nhiều bất định.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng thảo luận về hiệu quả triển khai các chương trình hỗ trợ của Chính phủ và địa phương giúp DN khôi phục sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19, và đưa ra những đề xuất nhằm tăng cường thực thi chính sách, giúp DN  vượt qua khó khăn do dịch bệnh.  

Theo CIEM, chương trình cải cách môi trường kinh doanh trong thời gian qua được ghi nhận bằng thứ hạng của Việt Nam trên các bảng xếp hạng quốc tế. Các chuyên gia khuyến nghị tiếp tục phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho DN và người lao động thực hiện các gói hỗ trợ đủ liều lượng, đúng thời gian và đúng đối tượng. Đồng thời kết hợp với cải cách thế chế kinh tế năm 2021.

Báo cáo "Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Góc nhìn từ doanh nghiệp" cho thấy, các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ DN vẫn được tiếp tục thực hiện, bất chấp bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và giai đoạn này trùng với thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ. Lĩnh vực thành lập DN và tiếp cận điện năng vẫn được đánh giá cao nhất (lần lượt là 72,5% và 65,9% DN đánh giá có sự chuyển biến tốt hoặc rất tốt), và xếp cuối cùng là lĩnh vực phá sản (44,4% DN đánh giá tốt hoặc rất tốt).

Tuy nhiên, xu hướng thay đổi của các lĩnh vực tương đối trái ngược: Các lĩnh vực có điểm số thấp (phá sản, bảo vệ nhà đầu tư và xuất nhập khẩu) tăng điểm, trong khi các lĩnh vực có điểm cao (thành lập DN, tiếp cận điện năng) lại giảm điểm.

Đáng chú ý, cùng liên quan đến tài chính DN trong khi tiếp cận tín dụng năm 2020 được cảm nhận khó khăn hơn so với năm 2019, thì thủ tục thuế lại trở nên dễ dàng hơn nhiều. Xét theo địa phương, các chỉ số vẫn thể hiện tích cực hơn so với năm 2019, nhưng tốc độ cải thiện đã chậm lại.

Theo các chuyên gia, Việt Nam nên kiên trì với những cải cách dài hơi hơn để cải thiện nền tảng vĩ mô và giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Tiếp tục phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN và người lao động kết hợp với cải cách thể chế kinh tế trong năm 2021. Những giải pháp mang tính dài hạn là chuyển đổi căn bản mô hình tăng trưởng, gia tăng chất lượng tăng trưởng. Theo đó, nền kinh tế mới có thể duy trì sản xuất trong đại dịch, hồi phục nhanh chóng sau đại dịch và tiến tới phát triển bền vững.

Cần đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào công nghệ - đổi mới sáng tạo, có tư duy chấp nhận rủi ro và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp. Các chuyên gia cũng khuyến nghị khẩn trương hoàn thiện thể chế, xây dựng Nhà nước kiến tạo, phát triển, liêm chính và hành động. Tôn trọng và bảo vệ sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, phát triển kinh tế tư nhân, tăng cường liên kết DN. Bên cạnh đó, để tiếp tục cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, cần tiếp tục đơn giản hóa, tạo sự minh bạch trong quy định, thủ tục, phát triển hệ thống dịch vụ công trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần