Cai nghiện mua sắm ngày lễ, tết

TS. Thu Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại sao bộ não của chúng ta thích mua sắm? Không có gì ngạc nhiên khi việc mua sắm mang lại cảm giác dễ chịu - nó nuôi dưỡng “hệ thống khen thưởng” (rewards systems) trong não của chúng ta.

Nói thêm, “hệ thống khen thưởng” một nhóm cấu trúc thần kinh đảm nhiệm chức năng tạo ra sự khích lệ, cũng như tiếp nhận những kiến thức thông qua liên tưởng, và sinh ra cảm xúc vui sướng.

Tiến sĩ Ann-Christine Duhaime, giáo sư phẫu thuật thần kinh nổi tiếng tại Trường Y Harvard và Massachusetts, cho biết: “Hệ thống khen thưởng” là một hệ thống được xây dựng cách đây hàng triệu năm, để dạy chúng ta những gì cần để tồn tại”.

Thêm nữa, việc mua sắm đồ đạc khiến não bị ảnh hưởng bởi chất hóa học dopamine. Dopamine thường được gọi là chất dẫn truyền thần kinh mang lại cảm giác dễ chịu.

Đó là những lý do khiến người tiêu dùng thích mua sắm và có cảm giác như bị nghiện. Các nhà bán lẻ biết rất rõ tâm lý này của người tiêu dùng và tìm cách giúp họ thỏa mãn trong việc mua sắm.

Tuy nhiên, sau niềm vui mua sắm, chúng ta có khi rơi vào trạng thái thất vọng, nhất là khi chi tiêu quá mức thu nhập và khi mua nhưng món đồ chưa thật sự cần thiết cho cuộc sống. Việc mua sắm quá mức đối với nhiều người khiến họ rơi vào túng thiếu và nợ nần.

Vậy làm thế nào để cắt giảm việc mua sắm, nhất là dịp lễ, tết? Một kỳ nghỉ ý nghĩa hơn, ít mua sắm hơn nghe có vẻ hay nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng đạt mục tiêu.

Các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng hãy bắt đầu bằng cách nhận ra rằng phần lớn áp lực mua sắm dịp lễ, tết bắt đầu từ việc nhà bán lẻ cố gắng kiếm tiền từ khách hàng bằng những chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Tiếp theo, chúng ta cần tránh các trung tâm thương mại hoặc cửa hàng lớn, hạn chế sử dụng thẻ tín dụng; tránh đề tài mua sắm thứ này, thứ nọ khi nói chuyện với những người thân quen.

Trước khi mua sắm thứ gì, chúng ta cần cân nhắc xem món đồ đó có cần thiết không. Theo nghiên cứu, sau khoảng 3 ngày trì hoãn việc mua sắm món đồ nào đó, có đến 70% số người từ bỏ hẳn việc mua món đồ đó. Trên thực tế, rất nhiều món đồ chúng ta mua rất ít khi được dùng đến, nó chỉ đơn thuần khiến bản thân thỏa mãn nhất thời vì đã kích hoạt “hệ thống khen thưởng” trong não bộ như đã nói mà thôi.

Các chuyên gia khuyến cáo, như việc từ bỏ rượu, khách hàng nên dành 1 tháng trong năm để “thải độc”, cai nghiện mua sắm. Đó có thể là một tháng không chi tiêu hoặc một khoảng thời gian nghỉ ngơi nhẹ nhàng hơn là để tất bật đi siêu thị hay một trung tâm thương mại, cửa hàng nào đó để mua sắm.

Trong những thời gian khác, khi chuẩn bị mua sắm thứ gì đó, chúng ta tập trung suy nghĩ vào việc tiết kiệm tiền cho một mục tiêu lớn hơn.

Chứng nghiện và hành vi gây nghiện được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố - bao gồm di truyền, môi trường và kinh nghiệm - vì vậy có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Do đó, các liệu pháp hành vi nhận thức là một trong những cách tốt nhất để thực sự giải quyết vấn đề này. Người có cảm giác bị nghiện mua sắm nên đến chuyên gia tâm lý để được tư vấn và giúp đỡ.