Cải thiện đời sống nhờ có nghề

Bài, ảnh: Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đã làm tăng thu nhập và nâng cao chất lượng sống cho người dân huyện Mỹ Đức.

Tỉ lệ có việc làm cao

Thông tin về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2017, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Mỹ Đức Trần Ngọc Nghìn cho hay, từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức 7 lớp nghề chăn nuôi và trồng trọt. Hiện các lớp đào tạo nghề vẫn được duy trì đảm bảo tiến độ và hiệu quả.

Tuần qua, đoàn cán bộ TP Hà Nội đã khảo sát và kiểm tra đột xuất một lớp đào tạo nghề chăn nuôi thú y tại xã Hùng Tiến. Chị Đặng Thị Ngát - người dân thôn An Duyệt chia sẻ: “Tham gia lớp đào tạo nghề, tôi được mở mang kiến thức sản xuất, chăn nuôi, áp dụng và thấy hiệu quả”. Chị Ngát kỳ vọng, sau khi kết thúc khóa học, gia đình sẽ áp dụng những kỹ thuật mới về sản xuất, chăn nuôi vào mô hình trang trại để cho thu nhập cao hơn.

Bà con nông dân huyện Mỹ Đức đang học lớp Chăn nuôi thú y.

Kiểm tra xác suất các học viên đã được đào tạo nghề Kỹ thuật chế biến món ăn, May công nghiệp, Chăn nuôi thú y, Trồng lúa năm 2016 cho thấy, đa số đều có việc làm với mức thu nhập cao hơn trước. Đơn cử, chị Lê Thị Lan sau 3 tháng học nghề Kỹ thuật chế biến món ăn, nhờ nấu ăn ngon và đúng kỹ thuật nên thường xuyên nhận được đặt hàng nấu cỗ cho thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Chị Thân thuộc hộ nghèo, làm ruộng được 2 triệu đồng/tháng, nay nhờ áp dụng kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi cho thu nhập 2,4 triệu đồng. Đa số lao động đều khẳng định hiệu quả của công tác đào tạo nghề. Nhiều người còn mong muốn được học thêm các nghề khác để có cơ hội có thu nhập cao hơn. Chia sẻ về hiệu quả của dự án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ông Nghìn cho hay: Năm 2016, Mỹ Đức có 1.100 lao động được học nghề, tỉ lệ có việc làm đạt khoảng 85 – 90%. Lao động làm nông nghiệp có thu nhập trung bình tăng từ 2 triệu đồng lên 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.

Đề xuất kết nối DN, tăng vốn vay

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Mỹ Đức trong những năm qua đã góp phần lớn trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình của người dân trên địa bàn. Sau khi học xong, lao động có việc làm ổn định, thu nhập cao hơn trước, đưa tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều trong toàn huyện từ 9,5% giảm còn 3,5% và số hộ khá tăng lên.

Tuy nhiên, công tác này ở Mỹ Đức vẫn gặp khó. Do thời gian đào tạo ngắn nên một số nội dung đào tạo chưa sâu, khó đáp ứng yêu cầu hiện tại. Việc tổ chức đào tạo nhóm nghề nông nghiệp chưa thực sự gắn kết với các DN về bao tiêu sản phẩm. Bởi Mỹ Đức có tới hơn 60% lao động làm nông nghiệp, số DN không nhiều nên huyện chỉ có thể giới thiệu mô hình...

Để đào tạo cho từ 1.200 – 1.300 lao động nông thôn ở trình độ sơ cấp trong năm 2017, ông Nghìn cho biết, huyện sẽ tăng cường huy động, hợp tác với các cơ sở dạy nghề, DN trong hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn không có công việc ổn định. Đồng thời, ký cam kết với các DN trong tuyển dụng và đào tạo người lao động địa phương. Huyện cũng chú trọng dạy nghề phù hợp với nhu cầu của địa phương, đặc biệt là gắn với lao động sản xuất trực tiếp. Cùng với đó là nâng cao hiệu quả cho vay vốn giải quyết việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Mỹ Đức cũng đề xuất UBND TP bổ sung thêm nguồn vốn vay về giải quyết việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội và kéo dài thời gian trả nợ gốc từ 3 – 5 năm. Ông Nghìn cho biết, hiện nay số dư nợ khoảng 79 tỷ đồng mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu giải quyết việc làm của Hội Nông dân. Vì thế, khi TP tăng thêm nguồn vốn sẽ giúp bà con có cơ hội phát triển sản xuất nhằm cải thiện đời sống.