Cam kết của mùa Xuân

Nguyễn Sĩ Đại
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

Ngày 25/10/2018, Ban Chấp hành (BCH) T.Ư Đảng ra Quy định 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH T.Ư. Với những quy định rất cụ thể, một lần nữa khẳng định việc nêu gương là trách nhiệm, bổn phận và đạo lý của người cán bộ.
Điểm lại lịch sử Việt Nam từ năm 1930 đến nay, Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi. Vì Đảng và mỗi đảng viên, tiêu biểu là lãnh tụ của Đảng là kết tinh của những giá trị tốt đẹp nhất, tiên tiến nhất, mà trước hết và quyết định nhất là tấm lòng vì dân vì nước.
Ảnh: Thanh Hải
Mùa Xuân năm 1946, mùa Xuân độc lập đầu tiên sau gần 100 năm đô hộ của thực dân Pháp, Bác Hồ đã trả lời một nhà báo nước ngoài, có thể nói, đó là tâm nguyện riêng của Người, đồng thời là cam kết của mỗi cán bộ, của cả Đảng và Nhà nước trước Nhân dân, trước toàn thể thế giới: “Tôi tuyệt nhiên không ham công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành" (theo báo Cứu quốc, 21/1/1946).

Trong nhiều văn kiện cũng như trong Điều lệ, Hiến pháp, Đảng ta khẳng định bản chất của mình là “Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc”. Đó là định nghĩa về bản chất của Đảng, là một cam kết bằng máu huyết của Đảng trước toàn dân tộc.

Nguyên tắc cao nhất của Đảng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng ta không có lợi ích gì khác... Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là tính Đảng” (tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc").

Đã có bao nhiêu máu đào của đảng viên đã đổ để Đảng có một thanh danh, để Đảng có quan hệ máu thịt với Nhân dân, thu phục được niềm tin của Nhân dân. Nhưng sau khi kháng chiến thành công, nhiều kẻ cơ hội đã chui vào Đảng, lọt vào đội ngũ lãnh đạo, để mưu cầu lợi ích riêng, hoàn toàn trái với nguyên tắc của Đảng. Nhiều người trung kiên trong kháng chiến cũng bị cám dỗ bởi “bả vinh hoa phú quý”, không chỉ tự chuyển hóa mà còn làm tha hóa đồng chí mình, tổ chức mình. Danh dự của Đảng vì thế cũng bị ảnh hưởng ít nhiều, lòng dân vì thế mà bất an.

Nhưng Đảng ta là một Đảng vĩ đại, một Đảng anh hùng. Tấm gương của những Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ... còn treo cao. Chí khí chiến đấu được giữ vững để chiến thắng mọi kẻ thù, kể cả kẻ thù khó khăn nhất từ phía bên trong mình. Đảng đã mở cuộc chiến chống tham nhũng, Đảng quyết giữ thanh danh. Còn nhớ, trước khi bị xử bắn, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã viết bài thơ tuyệt mệnh nhắn gửi nữ đồng chí Hoàng Ngân và các đồng chí của mình: “Việc nước xưa nay có bại thành/Miễn sao giữ trọn được thanh danh/Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành/Trước sau xin giữ tấm lòng thành”. Không biết bao nhiêu đảng viên trong cấp ủy hiện nay thuộc và biết xúc động, biết phấn đấu theo tinh thần ấy?

Điểm lại trong lịch sử, ngày 2/10/1967, khi nói chuyện với cán bộ tỉnh Hà Tây, Bác Hồ khuyến cáo: “Gọi là đảng viên thì phải nhận rõ, phải biết rõ Đảng ta phải làm gì, vào Đảng để làm gì... Vào Đảng là để phục vụ Nhân dân, phục vụ giai cấp, phục vụ cách mạng... Đảng không bắt buộc ai vào Đảng cả. Vào thì có nhiệm vụ, có trách nhiệm của đảng viên, nếu sợ không phục vụ được Nhân dân, phục vụ được cách mạng thì đừng vào hay là khoan hãy vào” (theo báo Nhân Dân, 5/3/1967).

Ngày 20/5/1924, trong bức thư gửi đồng chí Pê-tơ-rốp - Tổng Thư ký Đông Phương bộ, Bác Hồ đã viết: “… Các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng sự nêu gương theo tinh thần phương Đông nhưng cũng đề cao sự nghiêm minh và thượng tôn của pháp luật. Vào thời kỳ đầu của Nhà nước cách mạng, Người đã ký Quốc lệnh khép tội tham ô, trộm cắp của công vào tội tử hình. Ngày 31/10/1946, Người nói trước Kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa I: “Chính phủ đã hết sức làm gương và nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết” (Tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh, ký hiệu H25C15/52).

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lý tưởng của Đảng mãi sáng tỏ và tràn đầy năng lượng như ánh sáng mặt trời. Không ai làm lu mờ được ánh sáng mặt trời cũng như không ai có thể làm hoen ố thanh danh của Đảng, hoen ố dân tộc.

Trong những năm qua, việc xử lý, thi hành kỷ luật những đảng viên vi phạm, kể cả Ủy viên T.Ư, Ủy viên Bộ Chính trị, những người từng giữ cương vị lãnh đạo cao trong bộ máy của Đảng và Nhà nước đã tạo ra một không khí trong lành trong toàn xã hội. Những mầm xuân cường tráng vươn lên mạnh mẽ khi một số sâu đục thân được diệt bỏ! Với những kết quả đó, trong tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta cũng có thể tự hào: Đảng ta vĩ đại thật!

Ngày 25/10/2018, BCH T.Ư tiếp tục ra Quy định 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH T.Ư. Trong đó có những quy định rất cụ thể như phải gương mẫu đi đầu trong việc tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Đảng Cộng sản Việt Nam; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, không làm bất cứ việc gì có hại cho Đảng, cho đất nước và Nhân dân. Đặc biệt, trong đạo đức lối sống, tác phong làm việc, thái độ ứng xử, Quy định yêu cầu tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm; công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, trọng dụng người có đức, có tài, khát khao cống hiến. Thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi, chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ… Các quy định chống chạy hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, vụ lợi cũng được nhấn mạnh.

Có thể nói rằng, đây là bản cam kết mùa Xuân, là lời thề nhật nguyệt của Bộ Chính trị và BCH T.Ư trước toàn Đảng, toàn dân. Đây là sự trở về tính Đảng. Đây là nội dung học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh và là sự trở lại mục tiêu, lý tưởng của Đảng.