[Cán bộ "đường lối" trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số] Bài 2: Cán bộ phụ nữ giúp dân làm kinh tế

Văn Chiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Về xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất, Hà Nội) hỏi thăm chị Nguyễn Thị Hường không ai không biết đến. Không chỉ là cán bộ năng nổ trong công tác Hội phụ nữ ở địa phương, chị còn là tấm gương sáng về nghị lực vượt khó, là "cánh chim đầu đàn" giúp hàng trăm phụ nữ quanh vùng có thu nhập ổn định, thoát nghèo...

Trong cái khó "ló" cái khôn
Trong một ngày giữa tháng 7/2019, chúng tôi được các cán bộ xã Tiến Xuân đưa đến thăm cơ sở mây tre giang đan của chị Nguyễn Thị Hường ở thôn Trại Mới 2. Xưởng sản xuất chính là khoảnh sân rộng trước nhà chị được lợp mái tôn cao, che nắng mưa rộng chừng hơn trăm mét vuông. Còn khu vực trước đây được gia đình chị sử dụng làm chuồng trại chăn nuôi cũng mới được cải tạo lại để chứa nguyên liệu và thành phẩm.
Chị Nguyễn Thị Hường đang thao tác các bước để đan đế của lồng đèn.
Mặc dù đã quá trưa nhưng các nữ công nhân của xưởng vẫn say mê làm việc. Những chiếc quạt công nghiệp chạy hết công suất để xua đi cái nắng nóng oi ả của mùa hè. Ai cũng tích cực với phần việc của mình để kịp tiến độ giao hàng. Những chiếc lồng đèn xuất khẩu đang được các bà, các chị trau chuốt ở công đoạn cuối cùng để bàn giao cho công ty nhập hàng.
Ở một góc khác của nhà xưởng, chị Hường thoăn thoắt thao tác các bước để đan đế của lồng đèn. Vừa làm, chị vừa kể: "Trước đây, tôi cũng chỉ làm nông nghiệp, chăn nuôi như bao hộ dân khác ở địa phương. Kinh tế chẳng lấy gì làm dư dả, cuộc sống bộn bề những khó khăn, thiếu thốn. Khi đó chồng tôi lại ốm đau, bệnh tật liên miên khiến gia cảnh càng thêm túng quẫn".
Không lâu sau đó, chồng chị qua đời. Một mình chị gồng gánh gia đình với các con thơ dại còn đang tuổi cắp sách đến trường. Không cam chịu sống mãi trong đói nghèo, chị mày mò, tìm hiểu và được biết đến Công ty Khang Thịnh (công ty thành viên của Công ty TNHH Ngọc Sơn) chuyên sản xuất và xuất khẩu hàng thủ công sử dụng nguyên liệu tự nhiên như mây, giang.
Chị nhận thấy đây là công việc phù hợp với phụ nữ nông thôn làm nông nghiệp nên xin được học nghề. Năm 2012, khi đã thành thạo các thao tác làm ra sản phẩm, chị Hường nhận hàng về nhà gia công để chủ động việc đồng áng, chăm sóc các con mà vẫn có thêm thu nhập.
"Nhận thấy nghề mây giang đan mang lại thu nhập tốt, phù hợp với chị em phụ nữ lúc nông nhàn, nhiều chị em cùng thôn, cùng xã cũng lấy hàng từ chỗ tôi về làm", chị Hường hồ hởi kể.
Thế nhưng, để có thể học được nghề, truyền nghề cho bà con làm theo mình là điều không hề đơn giản. Chị kiên trì điều khiển đôi bàn tay của mình mềm mại theo từng sợi nan, cần mẫn thức đêm thức hôm để tập làm mỗi khi có mẫu hàng mới. Cho đến nay, sau 7 năm gắn bó với nghề, chị Hường đã hoàn toàn chủ động được trong công việc. Chị không phải đợi công ty chở từng xe nguyên liệu đến khoán sản phẩm mà chủ động tìm nguồn nguyên liệu phù hợp, sơ chế nguyên liệu, cập nhật mẫu hàng mới công ty gửi về qua ứng dụng zalo để ra mẫu, sản xuất.
Các nữ công nhân tại cơ sở mây tre giang đan của chị Nguyễn Thị Hường say mê làm việc.

Tấm gương của bà con dân tộc Mường
"Niềm vui lớn nhất của tôi là tạo việc làm cho biết bao chị em phụ nữ ở địa phương lúc nông nhàn. Nếu chỉ trông vào nghề nông, cuộc sống thực sự sẽ rất khó khăn", chị Hường tâm sự.
Quả đúng là vậy, bộ mặt của Tiến Xuân đã có nhiều đổi thay khi bà con có thêm nghề phụ. Những căn nhà cao tầng khang trang mọc lên mỗi lúc một nhiều hơn. Khu chợ trung tâm nằm ngay gần ủy ban xã tấp nập cảnh buôn bán, giao thương như minh chứng cho đời sống kinh tế khấm khá của bà con nơi đây.
Đã gắn bó với cơ sở mây giang đan của chị Hường từ những ngày đầu mới thành lập, chị Đinh Thị Vân (thôn Trại Mới 2) chia sẻ: "Những ngày đầu mới học nghề, tôi cũng bỡ ngỡ, gặp nhiều khó khăn lắm nhưng được sự động viên, giúp đỡ tận tình của chị Hường nên nhanh chóng bắt quen với công việc. Tôi nhận nguyên liệu từ chị, về nhà gia công lúc nông nhàn, buổi tối khi đã hết việc gia đình. Tính trung bình, mỗi tháng tôi có thêm thu nhập từ nghề này khoảng trên 4 triệu đồng".
Không chỉ những chị em phụ nữ trong xã, nghề mây giang đan của chị Hường còn thu hút đông đảo bà con trong vùng. Từ các xã Yên Bình, Yên Trung (huyện Thạch Thất), Đông Xuân (huyện Quốc Oai)... đều có hàng trăm lao động khoán việc đến nhận hàng từ chị về để sản xuất.
Năm nay, đã 70 tuổi nhưng bà Tùy (thôn Thuống, xã Yên Bình) vẫn đạp xe 7 cây số đến giao sản phẩm, nhận thêm nguyên liệu mây giang đan. Bà cho biết: "Nghề này thật sự rất dễ làm nếu chăm chỉ, say mê, thu nhập cũng khá ổn định. Tôi già rồi, mắt cũng kém, chân tay thao tác không còn nhanh nhẹn như thanh niên nhưng cũng làm được 3 triệu đồng/tháng".
Chị Nguyễn Thị Hường giới thiệu sản phẩm lồng đèn đã hoàn thiện.

Không chỉ sáng tạo, năng nổ làm kinh tế, chị Hường còn tích cực với các hoạt động của địa phương. Chị là Chi hội phó Chi hội phụ nữ thôn Trại Mới 2. Ngày ngày tiếp xúc, gần gũi với chị em trong công việc, chị tích cực giúp đỡ, động viên, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nhìn vào tấm gương của chị, chị em trong vùng có thêm động lực cố gắng, thi đua làm kinh tế để tăng thu nhập cho bản thân và gia đình, góp phần xây dựng địa phương.
Ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của nữ cán bộ phụ nữ thôn Trại Mới 2, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tiến Xuân Quách Hữu Nghiệp chia sẻ: "Chị Hường là tấm gương tiêu biểu trong xây dựng và phát triển kinh tế tại địa phương, một cán bộ Hội chuyên cần, mẫu mực. Phải khẳng định rằng, ở một xã miền núi còn nhiều khó khăn như Tiến Xuân, với 79% bà con là đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Mường), việc phát triển nghề phụ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Từ cơ sở mây giang đan của chị Hường, hàng trăm gia đình có cuộc sống tốt hơn".
(còn nữa)