Cán bộ là công bộc của dân

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo tới công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Bác luôn xác định “cán bộ phải là công bộc của dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm”.

Thực tế hiện nay đặt ra vấn đề làm sao để quán triệt tư tưởng đó cho cán bộ, đảng viên để không rơi vào tình trạng suy thoái về đạo đức, lo cho lợi ích nhóm hay chủ nghĩa cá nhân.
Vì Nhân dân phục vụ
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, công bộc là phẩm chất đầu tiên, cần thiết nhất của người cán bộ (đó là người đại diện cho quyền lực của Nhà nước trên một lĩnh vực nhất định), nó chi phối, ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành các đức tính cần thiết khác của đạo đức người cách mạng. Điều này được thể hiện rõ nét thông qua suy nghĩ, thái độ và hành vi của họ, trong bất cứ hoàn cảnh nào đều biết đặt lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, Nhân dân lên trên lợi ích cá nhân của bản thân mình; biết hy sinh những những lợi ích vật chất, tinh thần của cá nhân, sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn, vất vả, thậm chí hy sinh cả bản thân vì lợi ích chung.
 Bác Hồ thăm Nhà máy diêm Thống Nhất những năm đầu khôi phục kinh tế (1956).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, viết và làm rất nhiều điều dựa trên tư tưởng đó. GS.TS Mạch Quang Thắng - Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh kể lại: "Chiều 2/9/1945, tại vườn hoa Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời, đọc bản tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhiều nhà báo, trong đó có nhà báo nước ngoài đều đặt nhiều câu hỏi về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tháng 2/1946, trong một lần trả lời các báo chí trong nước và nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu rằng: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh, phú quý một chút nào. Bây giờ, tôi phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác cho thì tôi phải gắng sức làm. Cũng giống như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận, bao giờ đồng bào cho tôi lui thì tôi vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm cái nhà nho nhỏ nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì đến vòng danh lợi”.
“Chúng ta thấy rằng, quan niệm về chức quyền của Bác là từ sự ủy thác của Nhân dân, nghĩa là làm phục vụ cho Nhân dân, làm công bộc cho Nhân dân. Cho nên có lúc, Bác nói rằng, lãnh đạo là làm đầy tớ cho dân. Quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân rất biện chứng” - GS Mạch Quang Thắng cho hay.
Lợi ích của Nhân dân bị xem nhẹ
Ngược lại với công bộc là “chủ nghĩa cá nhân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: Đối với người cán bộ, khi đã mang trong mình “căn bệnh chủ nghĩa cá nhân” thì nó rất nguy hại đến sự nghiệp cách mạng của Đảng cũng như của Nhân dân. Bản chất của “chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích của riêng mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. Khi đất nước giành được độc lập, Bác đã khẳng định rõ ràng mục tiêu của Nhà nước ta.
Cụ thể, trong Hiến pháp năm 1946, Người chỉ rõ: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể Nhân dân Việt Nam”. Đồng thời, Người còn nhấn mạnh: Đã là nước dân chủ thì “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, cho nên mỗi người cán bộ, đảng viên phải là “người đầy tớ thật sự trung thành của Nhân dân”, “người con hiếu thảo của Tổ quốc”.
Tuy nhiên, theo GS.TS Trần Văn Bính - nguyên Trưởng khoa Văn hóa Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trong tình hình hiện nay, một bộ phận nhỏ Nhân dân gặp khó khăn nhưng một số cán bộ, đảng viên không thấu hiểu và không gần dân; không am hiểu cụ thể những nhu cầu thực tiễn của Nhân dân nên hầu như họ bị bỏ rơi.
Nguyên nhân dẫn đến điều này là do cán bộ công chức sống xa dân, lo cho lợi ích bản thân, lợi ích nhóm. “Nếu cán bộ công chức, đảng viên không tự hạn chế được bản thân, để những nhu cầu vật chất lôi cuốn bản thân và gia đình thì sẽ không khác gì con thiêu thân, sẽ bị biến chất; thậm chí ăn cắp, bớt xén của dân để làm giàu cho bản thân” - GS. TS Trần Văn Bính chia sẻ.
GS Mạch Quang Thắng cũng cho rằng, hiện nay, vai trò của Nhân dân nhiều khi không được coi trọng, nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước không phù hợp, bám sát hơi thở cuộc sống. “Trong những năm gần đây có một số tiêu cực trong bộ máy, hệ thống chính trị từ Đảng, Nhà nước, đoàn thể hay nói chung là cán bộ công chức.
Nhiều khi lợi ích Nhân dân không được coi trọng mà lại phản ánh phảng phất lợi ích nhóm. Giữa DN với một số thành phần hư hỏng trong bộ máy Đảng, chính quyền cấu kết thành lợi ích nhóm. Đó là những hiện tượng không nằm trong bản chất của chế độ chính trị mới. Chính vì lẽ đó, Đảng và Nhà nước ta mới kiên quyết chống, khắc phục bằng các văn bản, nghị quyết, hành động thực tế và phong trào cách mạng”.
Cầm vàng chớ để vàng rơi
Trong giai đoạn hiện nay, khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, hơn bao giờ hết, các cán bộ, đảng viên phải là những người thực sự tiên phong, tiêu biểu trong việc học tập, tu dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng. Việc học tập và rèn luyện những phẩm chất đạo đức này đối với mỗi người không thể chung chung, trừu tượng mà cần được thể hiện trong suy nghĩ, thái độ và những hành vi đạo đức ngay trong cuộc sống đời thường, trong công việc, mối quan hệ với đồng chí, Nhân dân.
Đối với Nhà nước ta, trong suốt những năm qua luôn quán triệt sâu sắc các quan điểm của Bác, nhất là quan điểm cán bộ là công bộc của Nhân dân. Chính vì vậy, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng nhân cách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó; luôn được dân tin, dân phục, dân yêu, là chỗ dựa vững chắc trong mọi thời kỳ.
Lúc Bác còn sống, ngoài giờ làm việc, Bác tranh thủ đến với dân, đến những nơi khó khăn nhất, gia đình khó khăn nhất. Thông thường ngày 30, mồng Một Tết, Bác đến thăm những gia đình khó khăn nhất ở vùng ngoại ô. Nhân dân coi Bác là người cha già là vậy. Bài học đó còn có ý nghĩa với cán bộ đảng viên nữa hay không?
Vì vậy, Đảng chúng ta đã nhiều lần nói rằng, hãy bớt đi những tổ chức hội hè, những cuộc liên hoan lớn để tập trung hướng về cơ sở, hướng về đời sống của quần chúng Nhân dân. Công chức, đảng viên phải làm sao để gắn bó cuộc đời mình với nhu cầu thực tiễn của những người đang hướng về Đảng, hàng ngày, hàng giờ đang hướng về Đảng.
Niềm tin của dân vào chế độ chính trị, với Đảng, Nhà nước đó là tài sản vô cùng quý giá hoặc so sánh tuyệt đối là quý giá nhất trong mọi tài sản. Mất niềm tin là mất tất cả, nên có thể lấy ngạn ngữ “Cầm vàng chớ để vàng rơi” để suy ngẫm.

"Khi nào chống chủ nghĩa cá nhân được thì cán bộ, đảng viên mới liêm chính, công bằng, chính trực, vô tư. Bây giờ, nếu anh còn chủ nghĩa cá nhân thì làm sao vô tư được, đặt mình như người công bộc của dân được. Chủ nghĩa cá nhân sẽ luôn đòi hỏi anh đứng lên trên đầu dân, đó là tư tưởng đi sai đạo đức cách mạng." - GS.TS Trần Văn Bính


"Trong di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi viết về Đảng nêu rất rõ về trách nhiệm của Đảng, ngoài nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho dân còn nói cán bộ đảng viên phải thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, làm lãnh đạo và đầy tớ thật trung thành của Nhân dân." - GS.TS Mạch Quang Thắng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần