Cần đẩy mạnh nguồn nhân lực CNTT phục vụ cho sản xuất, dịch vụ thương hiệu Việt

Hạnh Nhung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 14/11, tại Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội Nghị kết nối sản phẩm, dịch vụ và nguồn nhân lực CNTT phục vụ sản xuất sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt 2018.

TS PhanTâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại hội nghị
Trong những năm gần đây, nhu cầu nhân lực cho ngành CNTT tăng đáng kể. Số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp CNTT (bao gồm ngành công nghiệp phần mềm, nội dung số, phần cứng điện tử và dịch vụ CNTT) năm 2017 tăng 16,01% so với năm 2016. Ước tính trong năm 2017, tổng số lao động của ngành công nghiệp CNTT khoảng 922.000 người (tăng 22,5% so với năm 2016). Việt Nam đã và đang là điểm đến của các công ty đa quốc gia lớn như Samsung, LG, Itel… đây là yếu tố đẩy ngành công nghiệp CNTT Việt Nam phát triển, tăng nhu cầu về nhân lực.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS Phan Tâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: “Chuyển đổi số quốc gia, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang được xem là cơ hội rút ngắn khoảng cách phát triển cho các nước phát triển trong đó có Việt Nam. Cách mạng công nghệ lần thứ 4 cũng mở ra cơ hội lớn cho chúng ta phát triển sản phẩm CNTT thương hiệu Việt, tạo lập được thị trường CNTT nội địa khi bám sát nhu cầu bản địa để sáng tạo ra các sản phẩm CNTT trong thời đại mới phù hợp với sự phát triển của Việt Nam, tạo nên thói quen sử dụng sản phẩm CNTT thương hiệu Việt ngay từ ban đầu.
Một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu là nắm bắt được thời cơ mà cuộc cách mạng chuyển đổi số, cách mạng 4.0 mang lại. Xây dựng thành công chính quyền điện tử, công dân điện tử, nguồn nhân lực CNTT phải sáng tạo, trí tuệ cao, đạt chuẩn quốc tế, có khát vọng.
Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận lại rằng, nguồn nhân lực CNTT Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội, nhu cầu cách mạng 4.0. Trong báo cáo mức độ sẵn sàng cho nên sản xuất trong tương lai do Diễn đàn kinh tế thế giới mới công bố, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia chưa sẵn sàng cho cách mạng 4.0, chỉ xếp thứ 70/100 về nguồn nhân lực và 81/100 có chuyên môn cao.
Điều đó đòi hỏi nguồn nhân lực phải được trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Từ phía doanh nghiệp cần đào tạo, nâng cao năng lực cho nhóm lao động đã qua đào tạo, đào tạo lại và trang bị kỹ năng, kiến thức cho nhóm lao động đào tạo nghề. Các cơ sở đào tạo, đào tạo nhân lực CNTT cần gắn kết chặt chẽ với ngành công nghiệp CNTT”.
Trình bày ý kiến tại hội nghị, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Tô Hồng Nam cho biết: “Theo ông, tình trạng nguồn nhân lực CNTT hiện nay vừa thừa vừa thiếu. Thiếu ở đây là thiếu sinh viên có ngoại ngữ, có kỹ năng, chuyên ngành AI, big data, nhân lực chất lượng cao nhưng lại thừa về số lượng, 72% sinh viên không có kỹ năng làm việc thực tế.
Về lợi thế, chúng ta có nguồn nhân lực dồi dào, nhiều sáng kiến về CNTT, nhiều cơ hội, lợi thế và đặc biệt là cuộc cách mạng 4.0. Tuy nhiên cũng gặp phải nhiều nguy cơ mà nguy cơ lớn nhất bây giờ chính là thiếu nguồn đầu tư. Hiện nay, Việt Nam cần tăng nhanh về số lượng, tăng đào tạo ứng dụng, tháo gỡ những chính sách, xã hội hóa, tập trung phát triển nhân lực CNTT...”.