Lỗ hổng chính sách
GS.TS Lê Vân Trình - Chủ tịch Hội An toàn và Vệ sinh lao động Việt Nam cho biết, ngay từ năm 2000, Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6706: 2001 - Chất thải nguy hại (CTNH) - Phân loại đã xếp amiăng thải (bụi và sợi) là CTNH với mã số của EU là A2050, mã số Basell là Y36, giới hạn nguy hại là tất cả. Năm 2009, Tiêu chuẩn nêu trên được thay thế bằng TCVN 6706:2009 đã bổ sung “Chất thải chứa amiăng từ quá trình sản xuất tấm lợp amiăng - xi măng (AC)” và “Vật liệu xây dựng thải chứa amiăng” là CTNH. Quy chuẩn Việt Nam QCVN 07:2009 về “Ngưỡng CTNH” nêu cụ thể là amiăng với hàm lượng 10.000 ppm (tức là hàm lượng 1%) là ngưỡng CTNH (trong khi hàm lượng amiăng trong tấm lợp AC dao động từ 10 - 12%).
“Tuy nhiên, đến năm 2015, tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT của Bộ TN&MT quy định về quản lý CTNH, trong phụ lục C, chất thải có amiăng được đưa vào CTNH (với Mã CTNH 06 03 01) nhưng lại không kể tấm lợp amiăng – xi măng. Theo Thông tư này thì hàng tỷ mét vuông tấm lợp chứa amiăng đã được sản xuất, sử dụng, phá dỡ, phân hủy, làm phát tán bụi và sợi amiăng ra môi trường, gây ra các bệnh liên quan đến amiăng là: Ung thư trung biểu mô, ung thư màng phổi, bệnh bụi phổi amiăng… sẽ không là CTNH như TCVN 6706: 2009 đã trích dẫn. Đây là một ví dụ về bất cập, không nhất quán của không chỉ Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT đã nêu mà còn ở các văn bản quy phạm pháp luật khác xung quanh việc phân loại, quản lý, xử lý CTNH ở nước ta” – GS.TS Lê Vân Trình phân tích.
Cần cụ thể hóa trong Luật
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong nhiều năm lại đây, lượng amiăng nhập vào vào khoảng trên dưới 60.000 tấn/năm. Amiăng trắng được sử dụng tại Việt Nam vào các lĩnh vực như sản xuất tấm lợp amiăng xi măng, vật liệu cách nhiệt, gioăng phớt chịu nhiệt, má phanh phương tiện giao thông... Riêng trong lĩnh vực tấm lợp, sản lượng sản xuất và tiêu thụ trung bình khoảng 75 - 80 triệu mét vuông/năm, khi những tấm lợp này hư hỏng hay bị thay thế thì việc xử lý nó để bảo đảm an toàn không hề đơn giản.
Trong khi đó, theo KS Nguyễn Văn Khuông - Hội An toàn và Vệ sinh lao động Việt Nam, việc phân loại chất thải rắn tại nguồn chưa có chế tài áp dụng và không đồng bộ cho các công đoạn thu gom, xử lý. Hiện còn khoảng 132 bãi chôn lấp đã được rà soát, thống kê là cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và cần phải xử lý ô nhiễm triệt để đến năm 2020 theo Quyết định 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. “Đáng lo ngại là chúng ta đang có khoảng 10 triệu tấn chất thải amiăng xi măng đã và đang trở thành chất thải. Nếu chúng ta không đưa vấn đề này vào Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi để trình Quốc hội trong kỳ họp tới đây thì rất nguy hiểm cho tương lai sức khỏe của người dân Việt Nam” - KS Nguyễn Văn Khuông nhận định.
Để quản lý và xử lý CTNH, trong đó có amiăng, các chuyên gia cho rằng, trước tiên chúng ta cần phải tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý, xử lý CTNH như tăng nặng chế tài xử phạt hành vi vi phạm; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật trong xử lý.