Cần nhiều bộ sách giáo khoa

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với một bộ sách giáo khoa (SGK) chính thống vẫn nên có vài bộ khác được sử dụng trong nhà trường phổ thông để tận dụng tiềm năng, chất xám, nguồn lực của xã hội đang có và muốn được cống hiến.

Tại sao lại lựa chọn một bộ sách giáo khoa?
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý cho Luật Giáo dục (sửa đổi), trong đó có nội dung về chương trình, SGK. Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội đã nêu rõ việc thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK; tuy nhiên, mới đây, trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số đại biểu lo lắng chất lượng của các bộ SGK không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến việc dạy học sinh.
Không những thế, ai cũng viết được SGK thì nhà trường khó lựa chọn, cạnh tranh phát hành không lành mạnh. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ việc có lộ trình thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK.
Chia sẻ về nội dung này, bà Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội Khóa XIII nêu quan điểm: Đa dạng hóa SGK ở mức độ, mục tiêu như nhau thì rất tốt để có thể cạnh tranh chọn ra những bộ sách tốt nhất sử dụng trong nhà trường phổ thông. Nhưng đối với Việt Nam, hiện chưa nên áp dụng mà cần có lộ trình để việc chuẩn bị thật kỹ mới có các bộ SGK chất lượng.
“Tôi đề nghị Chính phủ có chỉ đạo đến năm nào sẽ thực hiện nhiều bộ SGK, năm 2023 hay 2025? Bộ GD&ĐT có thể viết SGK và các đơn vị, tổ chức khác cũng làm sách, sau đó hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định. Bộ SGK của Bộ hay đơn vị, tổ chức nào đảm bảo yêu cầu, đạt tốt nhất thì được sử dụng trong nhà trường” - bà An nhấn mạnh.
Từ năm 1957, ngay tại miền Bắc Việt Nam đã thực hiện xã hội hóa SGK và ở miền Nam trước năm 1975 cũng có nhiều SGK cho một môn học. Từ năm 1993, trong nước cũng có 3 bộ SGK được lưu hành, tuy nhiên việc sử dụng không được trơn tru do trong một nhà trường, người thích bộ này, người muốn bộ kia. Chính vì thế, đến năm 2000, 3 bộ SGK đã bị gộp lại thành một để dùng thống nhất trong các trường. Lo lắng từ thực tiễn này, GS Vũ Tuấn - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội đề nghị ngay từ đầu nên chọn một bộ SGK tốt nhất làm chính trong nhà trường.
Các bộ sách khác khi hội đồng thẩm định đạt yêu cầu thì cho xuất bản, ai thích thì dùng. Đã có nhiều năm kinh nghiệm viết SGK Toán, GS Vũ Tuấn cũng lưu ý các đơn vị, tổ chức viết SGK phải thống nhất trước việc viết theo chương trình dọc hay ngang để tập hợp tác giả. Thành viên Hội đồng thẩm định SGK phải được lựa chọn cẩn thận về trình độ chuyên môn, văn hóa chung và có đạo đức.
Tận dụng chất xám, nguồn lực của các nhà khoa học
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới cho rằng việc thực hiện nhiều bộ SGK không nảy sinh điều gì phức tạp như lo lắng của đại biểu Quốc hội và một bộ phận cử tri. Nghị quyết của T.Ư về xây dựng chương trình mở, đa dạng hóa tài liệu dạy học là phù hợp với xu thế quốc tế. Qua đó để tạo ra nền giáo dục mở, có tính dân chủ cao, huy động được tài lực của xã hội để đóng góp cho giáo dục.
Theo ông Thuyết, thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK có những khó khăn nhất định, như có thể xảy ra tiêu cực trong vận động sử dụng SGK; cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức, cá nhân làm sách; khó thanh tra, kiểm tra hoạt động giáo dục... Tuy nhiên, các vấn đề này đã được bàn thảo ở kỳ họp Quốc hội Khóa 11. Bộ GD&ĐT đã đưa ra các giải pháp nên mới được Quốc hội thông qua Nghị quyết 88 một chương trình, nhiều bộ SGK.
Một vấn đề được ông Thuyết đưa ra, đó là sau khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, các nhóm, nhà xuất bản đã tập trung làm SGK. Bởi vì làm một cuốn SGK hết sức công phu, khó khăn nên phải bắt tay sớm mới kịp.
Bây giờ các nhóm đã làm SGK, đầu tư công sức, tiền của, sau đó lại đưa ra chủ trương không thực hiện một chương trình, nhiều bộ SGK thì không chỉ làm họ hẫng hụt, khó khăn về kinh phí, công sức...
Nhiều chuyên gia, quản lý trường phổ thông cũng cho rằng, thực hiện Nghị quyết 88 về một chương trình, nhiều bộ SGK là tận dụng được chất xám, công sức, nguồn lực của các tổ chức, nhà khoa học. “Chúng ta nên tận dụng các trung tâm, tổ chức khoa học bên ngoài viết SGK mà không đòi hỏi nhà nước đầu tư kinh phí.
Nếu Bộ GD&ĐT làm một bộ SGK thống nhất cuối cùng sẽ chưa tận dụng hết tiềm năng, chất xám, nguồn lực của xã hội đang muốn cống hiến thì rất lãng phí” - ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng trường THCS & THPT Lê Quý Đôn nêu ý kiến.
Trước tình hình hiện nay, nhiều ý kiến đề nghị cứ để các tổ chức, đơn vị tiếp tục làm SGK trọn bộ. Sau này, bộ SGK nào được hội đồng quốc gia thẩm định thông qua sẽ được phép phát hành. Còn việc nhà trường lựa chọn bộ SGK nào là quyền của họ. Suy cho cùng, SGK cũng chỉ là tài liệu để giáo viên tham khảo, khi có nhiều bộ sách sẽ giúp cho giáo viên sẽ lấy được những cái tốt, đặc sắc để dạy cho học sinh.

"Việc thực hiện nhiều bộ SGK không nảy sinh điều gì phức tạp như lo lắng của đại biểu Quốc hội và một bộ phận cử tri. Nghị quyết của T.Ư về xây dựng chương trình mở, đa dạng hóa tài liệu dạy học là phù hợp với xu thế quốc tế." - Tổng chủ biên chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới GS.TS Nguyễn Minh Thuyết