Cần phải thanh tra điểm thi THPT trên toàn quốc

Hà Nam (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc báo chí đưa thông tin con gái Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang có tên trong danh sách các em học sinh được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, một lần nữa “gây sóng gió” trên các diễn đàn mạng xã hội.

Xung quanh vấn đề chế định xử lý liên quan tới vụ việc đang “sốt” này, Báo Kinh tế và Đô thị có cuộc phỏng vấn nhanh với Luật sư Trần Đình Dũng (Trung tâm Tư vấn pháp luật TP Hồ Chí Minh – Trung ương Hội luật gia Việt Nam).
PV: Sự việc một Phó Trưởng phòng thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang sửa nâng điểm cho nhiều thí sinh trong đó có con giái Bí thư Tỉnh ủy tỉnh này tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã “gây sóng gió” trên truyền thông và các diễn đàn mạng xã hội, luật sư có nhận định như thế nào?
 Luật sư Trần Đình Dũng
Luật sư Trần Đình Dũng: Tôi nhận định như thế này, đây là một “sự cố” nữa bị lộ ra của ngành giáo dục vốn đã có quá nhiều điều tiếng. Sự việc lần này là rất nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm. Hành vi này vi phạm Bộ luật hình sự tại Điều 359 Tội giả mạo trong công tác, với trường hợp người có chức vụ sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu vì động cơ cá nhân. Hành vi cũng đã được một số chuyên gia phân tích trên báo chí mấy ngày qua. Vấn đề là cơ quan điều tra hữu trách cần nhanh chóng khởi tố vụ án nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Nhưng khó có thể xác định được người sửa điểm có vụ lợi trong việc này thì sao?
Đúng vậy, việc xác định người có hành vi sửa, nâng khống điểm vụ lợi (tức nhận tiền hoặc lợi ích khác) là không dễ. Tuy nhiên, chúng ta lưu ý điều luật hình sự liên quan (Điều 359 BLHS) nêu rõ “Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu…”.
Theo tinh thần điều luật, mặc dù không vụ lợi nhưng hành vi sửa chữa nâng điểm thi được xác định vì động cơ cá nhân, nên đã vi phạm pháp luật hình sự. Động cơ trong trường hợp này chỉ xảy ra hoặc vì cá nhân hoặc vì tập thể. Trường hợp vì tập thể xảy ra khi có các cuộc họp, có văn bản, biên bản, để chỉ đạo sửa điểm và sửa theo tiêu chí (như sửa cho con em gia đình chính sách…) thì mới là động cơ tập thể, không phải động cơ cá nhân. Còn lại, nó chỉ có thể là động cơ cá nhân.
Tôi cho rằng, nếu phát hiện có vụ lợi cá nhân, nhận tiền để thực hiện, thì trách nhiệm hình sự càng nặng hơn. Còn lại, rõ ràng như đăng tải trên báo chí thì ông Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng sửa nâng điểm cho học sinh là đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Như vậy kết quả thi vừa rồi ở Hà Giang cần bị hủy?
Tôi xin nhấn mạnh, không riêng gì địa phương Hà Giang mà Chính phủ cần phải có quyết định thanh tra điểm thi trên phạm vi toàn quốc, thậm chí nếu cần thì phải xem xét cả điểm thi năm trước. Việc thi tuyển lựa chọn cả thể hệ để vào học các ngành nghề là vấn đề hệ trọng của quốc gia chứ không phải chuyện nội bộ ngành giáo dục đào tạo. Tôi nhớ, trên tinh thần coi trọng sự nghiệp giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu”. Câu nói này đã được đưa vào sách giáo khóa để nhiều thế hệ học tập.
Trở lại câu hỏi về kết quả thi, thì rõ ràng phải hủy điểm khống để trở về điểm thực của Hội đồng thẩm định thôi. Riêng đối với các cháu học sinh “bị nâng điểm”, tôi cho rằng, đây là việc người lớn gây ra, việc xử lý liên quan đến các cháu chỉ là trả lại điểm thực học chứ không nên xử lý gây ảnh hưởng đến tinh thần các cháu.
Xin cảm ơn luật sư!