Cần tăng cường chế độ chính sách cho cán bộ chiến sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc

Khang Nhi - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, chiều 24/10, Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung làm việc.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nêu rõ, Ủy ban cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, quy định của Hiến pháp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Việc Lực lượng vũ trang nhân dân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc là thể hiện truyền thống yêu chuộng hòa bình, trách nhiệm với cộng đồng thế giới của Việt Nam, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; là cơ hội để mở rộng hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực của Lực lượng vũ trang nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành việc trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua Nghị quyết này tại Kỳ họp thứ 10 theo quy trình một kỳ họp.
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc tại Kỳ họp thứ 10, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn tỉnh Kon Tum) cho ý kiến về sự cần thiết ban hành Nghị quyết.
Theo đại biểu Tô Văn Tám, ban hành Nghị quyết lực lượng, tham gia giữ gìn hòa bình của Liên Hợp quốc là hiện thực hóa đường lối hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng của Đảng và Nhà nước ta, qua đó khẳng định vai trò, trách nhiệm, uy tín, vị thế của nước ta trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn đinh của khu vực và trên thế giới, góp phần bảo vệ hòa bình, bền vững cho đất nước. Kể từ khi nước ta cử những sĩ quan đầu tiên đến làm việc tại Phái bộ Giữ gìn hòa bình của Liên Hợp quốc, đến nay chúng ta đã cử 176 lượt cán bộ, sĩ quan giữ gìn hòa bình Liên Hợp quốc được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao về hiệu quả hoạt động của các sĩ quan.
Theo Hiến pháp năm 2013, tại khoản 2 Điều 9 Hội đồng Quốc phòng và An ninh được phép đưa lực lượng vũ trang tham gia các hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới. Từ những cơ sở chính trị pháp lý và thực tiễn nêu trên, đại biểu cho rằng việc tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình Liên Hợp quốc nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này là đúng đắn và cần thiết. Đại biểu tán thành Nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ 10 này theo quy trình một kỳ họp như Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh.
 Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn tỉnh Ninh Thuận) phát biểu tại phiên thảo luận. 
Cũng cho ý kiến về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, Trần Văn Tiến (Đoàn tỉnh Vĩnh Phúc) đồng tình với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về sự cần thiết ban hành Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc, bởi phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Mặt khác, hiện nay Việt Nam đã và đang cử lực lượng tham gia làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc nên việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc là cần thiết.
Quan tâm đến nội dung về hồ sơ của Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn tỉnh Lâm Đồng) chỉ ra rằng, qua thực tiễn tham gia của lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc của Việt Nam trong thời gian vừa qua ở Nam Sudan thuộc phái bộ Nam Sudan từ năm 2014 đến nay, đề nghị Chính phủ chỉ đạo có đánh giá, tổng kết để báo cáo với Quốc hội nhằm cho đại biểu Quốc hội có thêm thông tin tình hình tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc, từ đó có cái nhìn tổng thể hơn khi thông qua Nghị quyết quan trọng này.
Bên cạnh đó, qua dự thảo, đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng Nghị quyết đã được các cơ quan chức năng của Chính phủ soạn thảo, chuẩn bị rất kỹ, chặt chẽ và rõ ràng. Căn cứ vào Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Nguyễn Tạo bày tỏ sự đồng ý, thống nhất cao, đề nghị Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình thông qua tại kỳ họp lần này, quy trình một kỳ họp.
Cũng cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (Đoàn tỉnh An Giang) đánh giá, Hồ sơ Nghị quyết được chuẩn bị đầy đủ theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự thảo về cơ bản đã tiếp thu ý kiến của các cơ quan và chúng tôi thấy chỉ còn một số câu chữ như ý kiến của đại biểu Tạo ở Lâm Đồng. Tuy nhiên, để hoàn thiện, đề nghị nghiên cứu Điều 6 xử lý vi phạm, khiếu nại theo hướng là khi quân của chúng ta tham gia lực lượng này là chúng ta nhân danh Liên Hợp quốc cho nên mọi trường hợp vi phạm pháp luật thì việc đối xử hay xử lý phải theo nguyên tắc ngoại giao, đặc biệt trong trường hợp nếu phạm tội thì thẩm quyền xét xử phải thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án Việt Nam, bởi 2 lý do: Lý do thứ nhất, các nước chúng mà Ủy ban Quốc phòng và An ninh nghiên cứu thì họ đều đưa người của mình về để họ xét xử. Lý do thứ hai, Việt Nam chưa tham gia Công ước Rome về Tòa án Hình sự quốc tế.
 Đại biểu Nguyễn Văn Khánh cho ý kiến
Cho ý kiến tại Phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Khánh (Đoàn tỉnh Bình Dương) quan tâm về nguyên tắc quy định tại Điều 4 của Nghị quyết. Đại biểu Nguyễn Văn Khánh đồng tình với ý kiến thẩm định của Ủy ban Quốc phòng và An ninh như quy định Hội đồng Quốc phòng và An ninh thành 1 khoản để thể hiện đúng vai trò, vị trí, quyền hạn của Hội đồng Quốc phòng và An ninh, của Chủ tịch nước, của Chính phủ. Đây là Nghị quyết cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc của Việt Nam ở nước ngoài.
Đại biểu Nguyễn Văn Khánh cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu 4 nguyên tắc được rút ra qua hơn 70 năm hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc, như: Nguyên tắc hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc cần đạt được sự ủng hộ của Hội đồng bảo an dưới dạng thông qua một Nghị quyết. Nguyên tắc triển khai hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc cần giành được sự nhất trí của các bên tham chiến, tức là không có sự áp đặt hay can thiệp vào công việc nội bộ của lực lượng Liên Hợp quốc. Nguyên tắc trung lập, vô tư, sử dụng vũ lực chỉ để phòng vệ và là biện pháp cuối cùng, vì lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc không phải là một đạo quân can thiệp mà là lực lượng giúp các bên xung đột gìn giữ, xây dựng hòa bình. Nguyên tắc đóng góp lực lượng tự nguyện cả về con người, tài chính, phương tiện.
 Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung làm việc. 
Theo đại biểu, bốn nguyên tắc trên sẽ chi phối trong suốt quá trình chuẩn bị tổ chức thực hiện và kết thúc nhiệm vụ hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc của Việt Nam. Nếu không quy định những nguyên tắc trên vào Nghị quyết thì chúng ta sẽ khó khăn trong việc thực hiện mục đích của lực lượng hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn tỉnh Ninh Thuận) cho rằng, khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua thì có thể được coi là một minh chứng rõ ràng nhất về thực hiện quan điểm của Đảng ta về hội nhập quốc tế. Việt Nam không chỉ là một quốc gia thành viên tích cực tham gia các hoạt động Liên Hợp Quốc mà còn vai trò là thành viên không chính thức của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: “Cần tăng cường chế độ chính sách cho cán bộ chiến sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Bởi thực tế, lực lượng này phải hoạt động trên các địa bàn rất khó khăn, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, ngoài những chế độ chính sách các cán bộ chiến sỹ được hưởng, tôi nghĩ rằng cần có thêm những chế độ chính sách khác”.

Kết luận một số nội dung của Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được Ban thư ký ghi âm, ghi chép, tổng hợp đầy đủ. Ngay sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp theo quy trình./.