Cần trừng trị nghiêm khắc hành vi đầu độc cây rừng

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dư luận gần đây hết sức bất bình khi nắm được thông tin hơn 200 cây rừng tự nhiên ở xã Phước Đại, huyện Bác Ái, Ninh Thuận, bị khoan lỗ, đổ hóa chất đầu độc.

Tại hiện trường, lực lượng bảo vệ rừng thu được những vỏ chai thuốc trừ cỏ. Trong số hơn 200 cây rừng (đường kính từ 10 - 20cm) có 7 cây đã khô lá, héo và chết khô. Khu rừng tự nhiên bị đầu độc này có các loại: thành ngạnh, cà nhí, cóc rừng, mà na, sắn ổi, cà gằng, căm xe...

Công an tỉnh Ninh Thuận đã vào cuộc điều tra thủ phạm đầu độc cây rừng. Người dân mong rằng, cơ quan công an mau chóng tìm ra thủ phạm, những kẻ đầu độc cây rừng phải bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc nhất có thể.

Trước đó, tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, cũng đã diễn ra một vụ đầu độc cây rừng để trồng thanh long. Theo đó, khu rừng gần núi Đất thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú ở thôn Hiệp Nhơn, xã Tân Thuận bỗng dưng chết bất thường. Hàng loạt cây gỗ đường kính 15 - 40cm trên diện tích hơn 2.000m2 đã rụng hết lá, chết khô, vỏ bong tróc. Trên cây có dấu đục ở gốc và dấu khoan vào thân đã cũ. Hàng chục cây đã bị cưa lìa khỏi gốc, nằm ngã xuống...

Việc đầu độc cây rừng chủ yếu để lấy đất canh tác không mới, diễn ra ở một số địa phương có rừng, dù thủ phạm đã bị trừng trị nhưng vấn nạn này vẫn tiếp diễn. Điều đó cho thấy các biện pháp chế tài chưa đủ nghiêm khắc với những kẻ phá rừng, đầu độc cây.

Rừng là tài nguyên vô cùng quý của mỗi quốc gia. Rừng cũng cực kỳ khó gây dựng, phải trải qua hàng trăm năm (với điều kiện không có tác động gây hại) rừng tự nhiên mới hình thành.

Rừng đáng quý, lại càng đáng quý với nhưng nơi khô hạn nhiều như Ninh Thuận, Bình Thuận... Vì ở những địa phương ít mưa nhiều nắng đó, rừng vừa điều hòa khí hậu, vừa ngăn chặn lũ lụt, vừa giữ lại nguồn nước ngầm cần thiết...

Dư luận gần đây vẫn hết sức băn khoăn khi Bình Thuận lấy hàng trăm héc ta rừng, trong đó có hơn 160ha rừng đặc dụng, để làm hồ nước. Bình Thuận cho rằng sẽ trồng gấp 3 lần số rừng bị hủy diệt để bù lại.

Vậy chúng ta vẫn có thể trồng rừng mà không cần phá rừng hay không? Hơn nữa, như đã nói “rừng trồng” và “rừng tự nhiên”, nhất là rừng giàu, là hai khái niệm hoàn toàn khác xa nhau, vai trò, công dụng rất khác nhau.

Nhân loại đang phải trả giá cho việc tàn phá thiên nhiên của mình.

Mới đây, phát biểu trong Hội nghị Thượng đỉnh Khát vọng Khí hậu (Climate Ambition Summit) 2023, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc António Guterres đã đưa ra cảnh báo trước các nhà lãnh đạo thế giới tham dự hội nghị: “Nhân loại đã mở cánh cổng địa ngục”.

Ông nói thêm: “Sức nóng khủng khiếp đang gây ra những ảnh hưởng kinh hoàng. Người nông dân đau khổ nhìn mùa màng bị lũ cuốn trôi. Nhiệt độ ngột ngạt sinh ra bệnh tật”.

Thực tế, mỗi cây rừng góp lại làm nên cánh rừng, nhiều cánh rừng là đại ngàn... Những hành động phá, đầu độc từng cây rừng chính là việc đang đẩy con người xuống địa ngục như vị đứng đầu Liên Hợp quốc nói.