Cần truy cứu trách nhiệm hình sự người tung tin thất thiệt

Công Thọ - Võ Hồng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, nhiều tin đồn thất thiệt lan truyền trên mạng xã hội, gây hoang mang cho người dân, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch Covid-19. Các chuyên gia pháp luật cho rằng, phải truy cứu trách nhiệm hình sự để răn đe mới có thể ngăn chặn được tình trạng này.

Cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế làm việc với người đưa tin thất thiệt về dịch Covid - 19 trên mạng xã hội. Ảnh: Cao Tiến
Liên tiếp xuất hiện tin đồn thất thiệt
Chiều 28/3, một số tài khoản mạng xã hội đưa thông tin Việt Nam có một ca bệnh Covid-19 đầu tiên tử vong. Thông tin này khiến người dùng mạng xã hội hoang mang. Ngay lập tức, Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) Nguyễn Đình Anh - đầu mối cung cấp thông tin chính thống của Bộ Y tế về tình hình dịch bệnh Covid-19 cho biết, đây là tin đồn thất thiệt. "Bộ Y tế khẳng định đến chiều 28/3, 20 cơ sở y tế đang điều trị các ca bệnh Covid-19 không ghi nhận trường hợp nào tử vong" - ông Anh khẳng định. Đồng thời đề nghị người dân cần tỉnh táo khi đọc và chia sẻ thông tin, tránh bị kẻ gian lợi dụng.
Tin giả không chỉ có ở Việt Nam mà nó là hiện tượng khá phổ biến trên thế giới. Có người ví tin giả trong giai đoạn hiện nay có thể được xem là một loại dịch, nguy hiểm không kém dịch Covid-19 vì nó gieo rắc nỗi sợ hãi cho xã hội. Mục đích của những kẻ tung tin giả có thể là trục lợi về kinh tế, mưu đồ về chính trị, gây hoang mang lo lắng cho cộng đồng, câu like, câu view.
Luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hừng Đông
Cũng trong thời gian này, một số tin đồn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh bị phong tỏa và người dân từ 2 TP này cũng như các địa phương có dịch di chuyển đến nơi khác sẽ bị cách ly 14 ngày. Về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định: Thông tin phong tỏa một số TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là không chính xác. Dù dịch diễn biến phức tạp nhưng vẫn đang trong tầm kiểm soát.
Trước tin đồn Hà Nội bị phong tỏa, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung hai lần lên tiếng cho biết, hiện nay Ban Chỉ đạo quốc gia cũng như Ban Chỉ đạo TP Hà Nội về phòng chống, dịch Covid-19 hoàn toàn chưa có ý kiến liên quan đến việc phong tỏa Hà Nội.
Mới đây, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đã làm việc với Đ.N.Q (trú tại quận Thanh Xuân), là "KOL" (người nổi tiếng trên mạng xã hội) để làm rõ về hành vi đăng thông tin chưa được kiểm chứng, thất thiệt về dịch Covid-19 trên Facebook cá nhân. Từ tháng 2/2020 đến nay, tài khoản Facebook “Đ.N.Q” đã phát tán hơn 200 bài viết với nội dung thông tin chưa được kiểm chứng, liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19 tại nhiều địa phương trên cả nước. Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đang khẩn trương củng cố tài liệu để xử lý nghiêm hành vi vi phạm của Đ.N.Q và những người có liên quan, theo đúng quy định của pháp luật.
Sớm có chế tài xử lý nghiêm khắc
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hừng Đông (Hà Nội) cho rằng, chúng ta cần có chế tài xử lý thật nghiêm khắc các đối tượng tung tin giả làm hoang mang dư luận xã hội. Các cơ quan thực thi pháp luật cần nhanh chóng phát hiện tin giả và người tung tin giả để xử lý nghiêm khắc, kịp thời các đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó người dân cần tỉnh táo, cảnh giác, khi tiếp nhận một thông tin, phải kiểm tra thông tin đó có đúng không từ những nguồn tin chính thống của các cơ quan thông tấn, báo chí, cơ quan Nhà nước. Đồng thời, các nhà mạng, các công ty công nghệ đang sở hữu các mạng xã hội lớn như Zalo, Facebook, Google… cần phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước để rà soát, gỡ bỏ các tin giả. Áp dụng các biện pháp công nghệ để loại bỏ các tin giả, tin đồn thất thiệt.
Các chuyên gia pháp luật cho rằng, hiện có những đối tượng phản động, cơ hội chính trị không ngừng xuyên tạc, phát tán những thông tin sai lệch nhằm gây hoang mang dư luận xã hội, làm phân tâm tư tưởng của Nhân dân, vì vậy chúng ta phải tỉnh táo, cảnh giác. Lực lượng chức năng đã điều tra, xử lý hành chính, phạt tiền nghiêm khắc các trường hợp thông tin sai lệch. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, cần có biện pháp xử lý mạnh hơn đối với một số trường hợp. Đồng thời, phải truy cứu trách nhiệm hình sự để răn đe, phòng ngừa giáo dục chung mới có thể ngăn chặn được tình trạng thiếu trách nhiệm, thiếu ý thức, thiếu hiểu biết đã tiếp tay cho thế lực xấu để phá hoại sự ổn định của đất nước.