Vấn nạn tung tin đồn về hoạt động của doanh nghiệp:

Cần xử lý hình sự mới có thể răn đe, ngăn chặn

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, liên tiếp những tin đồn nhảm xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội về tình hình hoạt động của một số DN, ngân hàng, người đứng đầu các đơn vị, gây hiệu ứng xấu trong xã hội.

Các chuyên gia pháp luật cho rằng, phải xử lý hình sự để răn đe mới có thể ngăn chặn được tình trạng tung tin đồn nhảm.

Liên tiếp các vụ việc tung tin đồn nhảm

Ngày 9/10 vừa qua, Bộ Công an thông tin, cơ quan công an đã triệu tập và làm việc với Nguyễn Kiên Quyết (sinh năm 1982, trú tại TP Phủ Lý, Hà Nam) để làm rõ những thông tin thất thiệt Quyết phát tán trên mạng khiến nhiều người dân nghe theo đi rút tiền tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB).

Lực lượng chức năng làm việc với đối tượng Nguyễn Kiên Quyết. Ảnh: Báo Hà Nam
Lực lượng chức năng làm việc với đối tượng Nguyễn Kiên Quyết. Ảnh: Báo Hà Nam

Qua buổi làm việc đã xác định đối tượng này đã sử dụng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội đăng tải, bình luận thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận, tạo tâm lý bất an về việc hàng loạt người dân đồng loạt rút tiền tại các ngân hàng. Từ đó, tác động xấu đến hoạt động của các ngân hàng và tình hình an ninh, trật tự xã hội trong ngày 8/10.

Vụ việc tương tự, ngày 10/10, chị N.T.H. (sinh năm 1995, trú tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An) đã đăng tin sai sự thật về việc Ngân hàng SCB vỡ nợ. Thông tin này nhanh chóng thu hút nhiều người bình luận, chia sẻ. Tại cơ quan công an, chị H. thừa nhận đã đăng tải thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng nói trên lên trang Facebook cá nhân để tăng lượt tương tác nhằm bán hàng online.

Liên quan đến tình hình người dân ồ ạt rút tiền tại Ngân hàng SCB, Ngân hàng Nhà nước khẳng định: “Người gửi tiền nên bình tĩnh vì việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi là tiền lãi của các khoản tiền gửi. Mọi quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền luôn được Nhà nước đảm bảo”.

Trước đó, ngày 11/7, Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội cho biết đã phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) xử phạt vi phạm hành chính đối với Tô Vĩ Hoàn (sinh năm 1984, trú tại phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm). Hoàn là người đã đăng tải thông tin sai sự thật, bôi nhọ hình ảnh thương hiệu của Tập đoàn Vingroup lên mạng xã hội.

Ngoài Tô Vĩ Hoàn, Bộ Công an cũng đã xác định được danh tính 9 đối tượng tại 7 tỉnh thành khác đưa thông tin thất thiệt về Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng bị cấm xuất cảnh. Sở TT&TT Hà Nội cũng khuyến cáo người dân không đăng tải, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng trên môi trường mạng.

Quy định của pháp luật trong việc xử lý

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Luân Thị Nương (Văn phòng Luật sư Kết Nối) cho biết, thời gian qua, có rất nhiều trường hợp lại đăng tin đồn nhảm, sai sự thật về tình hình của các ngân hàng, DN, thị trường chứng khoán… nhằm câu view, câu like cho tài khoản faceboook của mình.

Nếu xét bản chất, nguyên nhân sâu xa, người đăng tin giả, sai sự thật, xuyên tạc có thể xuất phát từ sự hiếu kỳ, được nhiều người quan tâm nhằm mục đích câu view, kinh doanh online.

Họ cho rằng, mình là chủ tài khoản facebook, được quyền phát ngôn, đăng tin, thậm chí nghĩ rằng, không có cơ quan nhà nước nào xử lý được mình và các tài khoản facebook chỉ là ảo. Chính vì sự hiểu biết pháp luật còn hạn chế mà nhiều người vẫn đăng tin sai sự thật, gây hoang mang, bức xúc trong xã hội.

“Căn cứ Nghị định 15/2020/NĐ-CP, mức xử phạt hành chính đối với hành vi tung tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội từ 10 - 20 triệu đồng. Việc xử phạt người đăng tin đồn thất thiệt, sai sự thật là cần thiết nhằm răn đe, giáo dục chung cho người vi phạm. Đồng thời, đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho người khác khi muốn đăng tin trên mạng” - luật sư Luân Thị Nương chia sẻ.

Trong khi đó, theo các chuyên gia luật, cần xử lý thật nghiêm đối với các hành vi tung tin đồn nhảm. Theo quy định của pháp luật hình sự, người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, sai sự thật gây ra hậu quả xấu có thể bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Hình phạt nặng nhất có thể bị áp dụng là 200 triệu đồng và 5 năm tù giam (Điều 288).

Ngoài ra, tùy vào mức độ xâm phạm của hành vi tung tin, người tung tin có thể phải gánh chịu các mức phạt vi phạm hành chính hoặc bồi thường thiệt hại khác theo quy định.

Qua các vụ việc, Bộ Công an khuyến cáo tất cả tổ chức, cá nhân nếu đăng tải, chia sẻ, phát tán hoặc bình luận đồng thuận với tin giả, tin sai sự thật, tin gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự đều sẽ bị xử lý. Bộ Công an đề nghị người dân không tin, không nghe, không lan truyền các thông tin thất thiệt. Chỉ tiếp nhận các thông tin chính thống từ cơ quan chức năng có thẩm quyền.