Căng thẳng ở Trung Đông đẩy giá dầu thế giới chạm đỉnh trong 2 tuần

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu thế giới giao sau đạt mức cao nhất trong 2 tuần trong phiên giao dịch ngày 19/2 trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại nguồn cung bị gián đoạn do căng thẳng ở Trung Đông và nỗ lực cắt giảm sản lượng khai thác của các nước.

Trong phiên giao dịch ngày 19/2, giá “vàng đen” đạt mức đỉnh trong gần 2 tuần qua do căng thẳng ở Trung Đông, bất chấp những lo ngại về sản lượng dầu gia tăng của Mỹ đã hạn chế đà tăng giá của dầu.
Cụ thể, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 89 xu Mỹ, giao dịch ở mức 65,73 USD/thùng sau khi đạt mức cao nhất trong 11 ngày qua là 65,75 USD/thùng trong phiên trước đó.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao trong tháng 3 tăng 82 xu Mỹ, lên 62,50 USD/thùng. Đầu phiên giao dịch, giá dầu WTI tăng 1,4% lên ngưỡng cao nhất kể từ 7/2.
 Căng thẳng ở Trung Đông đẩy giá dầu tăng mạnh, đạt mức cao nhất trong 2 tuần qua.
Giá dầu tăng mạnh trong bối cảnh giới đầu tư đang lo ngại nguồn cung sẽ bị gián đoạn do tình hình địa chính trị tại Trung Đông gia tăng căng thẳng. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm Chủ nhật đã tuyên bố nếu cần thiết Israel sẽ có hành động chống lại Iran chứ không chỉ các đồng minh của Iran tại Trung Đông, sau khi một thiết bị đã phát nổ tại khu vực biên giới giữa Israel và Palestine đã khiến 4 binh sĩ Israel bị thương. Đây là một trong những vụ bạo lực nghiêm trọng nhất xảy ra tại khu vực này kể từ khi xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel bùng nổ vào năm 2014. 
Một yếu tố khác cũng hỗ trợ giá dầu là tuyên bố của Bộ trưởng năng lượng các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất Suhail al-Mazroui. Ông al-Mazroui cho biết các nước khai thác dầu khí dẫn đầu là Ả Rập Saudi và Nga cuối năm nay sẽ soạn bản dự thảo hợp tác lâu dài trong việc cắt giảm sản lượng.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu trong phiên này bị hạn chế khi báo cáo tuần của Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho thấy số lượng giàn khoan của Mỹ đã tăng thêm 7 giàn lên 798 giàn, con số cao nhất kể từ tháng 4/2015. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 6/2017 các công ty năng lượng Mỹ gia tăng số lượng giàn khoan bốn tuần liên tiếp.
Việc Mỹ liên tục gia tăng sản lượng khai thác dầu khiến nhà đầu tư lo lắng sẽ phá vỡ nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và 10 quốc gia khác. 
Các thành viên trong và ngoài OPEC đã nhất trí gia hạn thực hiện thỏa thuận cắt giảm khoảng 1,8 triệu thùng dầu/ngày đến hết năm 2018 để hạn chế nguồn cung nhằm cân bằng thị trường dầu toàn cầu.
Nếu số liệu trong tuần này cho thấy cả sản lượng và tồn kho dầu Mỹ tăng, giá dầu sẽ đi xuống, theo nhận định của các chuyên gia phân tích.