Căng thẳng ở Ukraine chi phối cuộc điện đàm đầu tiên Putin-Scholz

Nguyễn Phương (Theo AFP/Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong cuộc điện đàm lần đầu tiên hôm 21/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tập trung thảo luận về căng thẳng leo thang ở Ukraine.

 Cuộc điện đàm đầu tiên giữa Thủ tướng Đức Olaf Scholz (bên trái) và Tổng thốngVladimir Putin diễn ra sau khi Đức và Nga trục xuất một số nhà ngoại giao của nhau.
Những lo ngại về an ninh và căng thẳng ở biên giới Ukraine-Nga luôn nằm trong danh sách ưu tiên của các nhà lãnh đạo Đức và Nga. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên của Tổng thống Nga Vladimir Putin với Thủ tướng Đức Olaf Scholz kể từ khi tân Thủ tướng Đức nhậm chức.
Cuộc điện đàm diễn ra gần hai tuần sau khi ông Scholz tiếp quản vị trí của bà Angela Merkel làm Thủ tướng Đức và diễn ra vào thời điểm quan hệ căng thẳng giữa Moscow và Berlin. Cuộc điện đàm đầu tiên giữa Thủ tướng Scholz và Tổng thống Putin diễn ra sau khi Đức và Nga trục xuất một số nhà ngoại giao của nhau.
Theo thông báo của Văn phòng chính phủ Đức, Thủ tướng Scholz và Tổng thống Putin đã thảo luận về các vấn đề an ninh, trong đó tập trung vào vấn đề căng thẳng leo thang ở Ukraine, việc Nga tăng cường hiện diện quân sự gần Ukraine. Ông Scholz "bày tỏ quan ngại về tình hình và nhu cầu khẩn cấp về việc giảm leo thang" trong khu vực.
Theo một tuyên bố từ Điện Kremlin, Tổng thống Putin kêu gọi tiến hành "các cuộc đàm phán nghiêm túc" về các đề xuất an ninh mà Mỹ và NATO đưa ra.
Không rõ hai nhà lãnh đạo Nga và Đức có thảo luận về việc trục xuất các nhà ngoại giao của hai bên gần đây hay không. Động thái này lần đầu tiên được Berlin khởi xướng sau khi một tòa án Đức hôm 15/12 ra phán quyết rằng Nga đứng sau một vụ ám sát phần tử ly khai Chechnya Zelimkhan Khangoshvili bị giết ở Berlin năm 2019. Ngày 20/12, Moscow đã trục xuất hai nhà ngoại giao của Đức nhằm đáp trả quyết định trục xuất hai nhà ngoại giao Nga trước đó.
Căng thẳng ở biên giới Ukraine-Nga đã leo thang trong những tuần gần đây, khi phương Tây khẳng định ước tính khoảng 100.000 binh sĩ Nga hiện đang ở biên giới với miền đông Ukraine.
Mỹ đã cảnh báo rằng Nga có thể đang lên kế hoạch tấn công Ukraine, nhưng Moscow phủ nhận. Liên minh châu Âu cũng đe dọa sẽ áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới “mạnh chưa từng có” nếu Nga tấn công quân sự Ukraine.
Một điểm đòn bẩy chính có thể là dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 đưa khí đốt từ Nga đến Đức, mặc dù Thủ tướng Scholz gần đây đã cảnh báo không liên kết dự án với các lệnh trừng phạt kinh tế, gọi tuyến đường ống khí đốt này là một "dự án khu vực tư nhân".