Trạm BOT Cai Lậy “vỡ trận”: Đối phó đến bao giờ?

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ khi tái thu phí, Trạm BOT Cai Lậy liên tục rơi vào tình trạng căng thẳng, buộc phải xả trạm nhiều lần. Nhiều chuyên gia đánh giá, cách làm hiện tại của đơn vị quản lý trạm thu phí này chỉ mang tính chất đối phó nhất thời và rất dễ dẫn tới diễn biến phức tạp hơn.

Ngày 30/11, sau 3 tháng tiến hành xả trạm vì vấp phải sự phản đối của tài xế và người dân, Trạm thu phí BOT Cai Lậy (thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) chính thức thu phí trở lại. Trước thời điểm quan trọng này, chủ đầu tư và chính quyền địa phương đã có sự chuẩn bị rất kỹ, nhằm bảo đảm cho hoạt động của trạm được diễn ra ổn định, thuận lợi. Chủ đầu tư cũng bố trí hẳn một khu vực riêng dành cho những lái xe mua vé bằng tiền lẻ. Còn chính quyền địa phương cũng huy động một lượng lớn cán bộ, lực lượng chức năng có mặt tại Trạm để sẵn sàng phân làn giao thông, chống ùn tắc và hỗ trợ DN trong công tác bán vé.

Điệp khúc “đóng – xả” không hồi kết

Tuy nhiên, chỉ sau vài tiếng hoạt động, làn sóng phản đối của những tài xế qua Trạm BOT Cai Lậy bắt đầu xuất hiện và ngày một gay gắt hơn. Ngoài phương thức dùng tiền lẻ mua vé, nhiều “chiêu thức” mới nhằm gây khó khăn cho công tác bán vé của trạm liên tục xuất hiện trong những ngày qua. Người thì dùng tiền mệnh giá lớn, người lại đếm từng tờ tiền lẻ một cách thong thả trước khi đưa cho nhân viên bán vé…
  Khu vực Trạm BOT Cai Lậy liên tục xảy ra ùn tắc giao thông

Có tài xế còn lấy lý do quên mang theo tiền, đề nghị trả tiền vé qua thẻ ATM. Thậm chí, nhiều người thẳng thừng từ chối trả phí, yêu cầu được "nói chuyện" với chủ đầu tư và đề nghị di dời Trạm BOT Cai Lậy đi nơi khác. Điều này khiến cho QL1, đoạn qua Trạm BOT Cai Lậy liên tục rơi vào tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Không còn cách nào khác, đơn vi quản lý buộc phải tiến hành xả trạm, nhưng chỉ sau một lúc đóng trạm để thu vé, tình trạng ùn tắc giao thông lại tái diễn. Và, điệp khúc “đóng – xả” trạm đó đã lặp đi lặp lại ở BOT Cai Lậy hàng chục lần chỉ trong vòng 4 ngày tái thu phí đầu tiên. Cách đối phó này không những không giải quyết được tận gốc vấn đề mà còn khiến cho nhiều người vô can khác bị “vạ lây”.

Nhìn vào hiện trạng đã và đang diễn ra tại BOT Cai Lậy có thể thấy sẽ còn rất lâu nữa điệp khúc “đóng – xả” trạm ở đây mới đến hồi kết thúc. Điều này càng có cơ sở khi trong những ngày qua, căng thẳng giữa các tài xế và đơn vị quản lý Trạm BOT Cai Lậy không những không giảm mà còn có dấu hiệu ngày một gay gắt hơn.

Trong khi đó, ngay từ ngày 1/12, trong phiên họp thường kỳ tháng 11/2017, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật khẳng định Dự án đầu tư BOT Cai Lậy không sai pháp luật. Điều này được rút ra trên cơ sở tổng hợp kết quả làm làm việc của 107 đoàn, kể cả đoàn Thanh tra Chính phủ và thanh tra các bộ, ngành chưa kể đoàn giám sát của Quốc hội, đoàn giám sát của Ủy ban Kiểm tra T.Ư liên quan tới lĩnh vực BOT đã làm việc với Bộ GTVT.
  Tài xế đánh xe ngay vào khu cabin thu tiền rồi tiến hành lau rửa xe

Còn về tình trạng ùn tắc giao thông tại Trạm BOT Cai Lậy từ khi tái thu phí, ông Nguyễn Nhật cho rằng, nguyên nhân do một số tài xế quá khích, không ủng hộ việc thu phí và có hành vi đánh xe đến giữa trạm thu phí rồi tắt máy bỏ xe đi chơi. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT, những trường hợp quá khích sẽ được Bộ đề nghị xử lý theo pháp luật còn để giải quyết tình trạng ùn tắc ở BOT Cai Lậy trước mắt vẫn là xả trạm để tránh ùn tắc. Bởi theo quy định trong thông tư của Bộ GTVT, với các trạm ách tắc kéo dài từ 500m thì phải xả trạm để lưu thông.

Cần một tổ chức độc lập

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Thị trường giá cả - Bộ Tài chính cho biết, cần phải xem xét gốc rễ vấn đề tại sao người dân lại phản ứng với Trạm BOT Cai Lậy như vậy. Khi đó mới đưa ra được giải pháp giải quyết hữu hiệu để tháo gỡ những khúc mắc hiện nay tại trạm thu phí này. Nếu cứ theo cách đang áp dụng tại đây là "tắc thì xả trạm, xả xong lại thu phí" sẽ chẳng bao giờ vấn đề được giải quyết. Thậm chí có thể dẫn tới những hệ quả nghiêm trọng hơn. “Bây giờ Bộ GTVT vẫn giữ quan điểm, việc đầu tư là đúng, vị trí đặt trạm là đúng. Thế tại sao đúng mà người dân vẫn không đồng tình? Người dân có cái lý của họ chứ nếu Trạm BOT không có vấn đề gì thì người ta cũng không bao giờ phản đối dữ dội như vậy” - PGS.TS Long đặt vấn đề.
 Nhiều người vô can bị “vạ lây” bởi câu chuyện đang diễn ra tại Trạm BOT Cai Lậy

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, hành động dùng tiền lẻ để mua vé của các tài xế không thể

 Cả nước có 8 trạm BOT đặt không đúng vị trí

“Cả nước không chỉ có Trạm BOT Cai Lậy mà có 7 trạm khác đặt không đúng vị trí. Nếu giải quyết không tốt sẽ tạo dư âm không tốt về đồng thuận trong xã hội, vì thế một phía phải lùi xuống. Hai bên cùng căng sẽ phải ra toà án, hợp đồng dân sự ký giữa Bộ GTGT và nhà đầu tư, nhưng người mua là người dân, người dân không chấp nhận mức phí đó phải xem xét lại. Đối thoại để giải quyết cơ bản cho dân đồng thuận”

Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội Ô tô vận tải Hà Nội

xem là hành vi gây rối, phá đám của một bộ phận người dân mà điều đó thể hiện sự không đồng thuận của những người sử dụng dịch vụ BOT. Họ phản ứng vì quyền lợi của họ bị xâm phạm. Do đó, để tháo gỡ được nút thắt này, các cơ quan liên quan, trong đó có Bộ GTVT cần phải đứng trên vị trí, lợi ích của người dân để giải quyết, sao cho phải hài hòa lợi ích cho cả Nhà nước, của DN và của người dân. “Bây giờ nếu Bộ GTVT cứ dựa vào kết quả đánh giá của cơ quan này, tổ chức kia cho rằng dự án đúng rồi kiên quyết bảo vệ ý kiến của mình mà không tìm hiểu xem gốc rễ nguyên nhân của phản ứng người dân là gì tình trạng như này (tình trạng ở Trạm BOT Cai Lậy hiện nay – PV) sẽ chẳng bao giờ giải quyết được” - PGS.TS Long nhận định và đánh giá, cách làm như vậy chẳng khác nào kiểu như “cố đấm ăn xôi”, “phóng lao phải theo lao”, nếu như cách làm này phá sản thì hậu quả sẽ rất lớn. Đầu tiên là phải bồi thường cho nhà đầu tư, sau đó có thể sẽ bị quy trách nhiệm.

Để giải quyết vấn đề đang tồn tại ở Trạm BOT Cai Lậy như hiện nay, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, nhất thiết cần phải có một “trọng tài” đứng ra giải quyết. Đó là một tổ chức độc lập, đứng ra xem xét, phân tích đánh giá toàn bộ về những vấn đề liên quan đến Dự án BOT Cai Lậy và chịu trách nhiệm về những đánh giá của mình. “Vấn đề hiện nay ở BOT Cai Lậy là câu chuyện giữa cơ quan nhà nước và người dân. Nếu để cơ quan nhà nước đứng ra đánh giá như bây giờ thì có khách quan không? Thế nên cần thiết phải có một tổ chức độc lập chịu trách nhiệm làm việc đó. Tổ chức này phải có thành phần do người dân cử ra” - PGS.TS Long đặt vấn đề.

Cứ ra khỏi nhà là mất tiền

Trả lời phóng viên Kinh tế & Đô thị, GS.Võ Đại Lược – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế T.Ư cũng cho rằng, việc người dân phản ứng với Trạm BOT Cai Lậy xuất phát từ lý do chính đáng chứ không phải vô duyên vô cớ mà gay gắt như vậy. GS. Võ Đại Lược đánh giá, Dự án BOT Cai Lậy, ngoài vấn đề vị trí đặt trạm thu phí bị người dân phản đối thì mức giá vé áp dụng tại đây quá cao cũng là một lý do khiến người dân không đồng thuận. “Gần đây, Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT và nhà đầu tư tiến hành giảm phí tại các Trạm BOT. Mức giảm cũng tương đối rồi nhưng vẫn chưa đủ mức người dân cảm thấy hợp lý. Theo tôi mức phí hiện nay vẫn cần phải giảm hơn nữa. Giờ vị trí đặt trạm không hợp lý, lại còn phí cao nữa thì làm sao người dân chịu nổi” - GS. Võ Đại Lược đánh giá.

Theo lý giải của GS. Võ Đại Lược, nguyên nhân sâu xa khiến người dân phản ứng gay gắt với việc thu phí BOT giao thông là do hiện nay chi phí logistics tại Việt Nam (chi phí vận tải, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác… - PV) đang ở mức quá cao. Chi phí logistics lớn đã tạo ra sức ép tài chính không nhỏ cho người dân. “Cách đây 3 năm, chi phí logistics ở Việt Nam mới chỉ là 21%GDP, giờ đã lên tới 25%GDP rồi. Mà chủ yếu trong đó là do các dự án BOT giao thông quá nhiều. Mọi nẻo đường đều có BOT thì người dân làm sao chịu được” - GS. Võ Đại Lược nhận định và cho biết thêm, ở các nước khác, các dự án BOT giao thông thu phí rất ít. Trong khi đó ở Việt Nam gần như cứ ra khỏi nhà là đường nào cũng thu tiền. “Về vấn đề tại BOT Cai Lậy cần có sự vào cuộc của Bộ GTVT. Đơn vị này phải đứng ra chủ trì, cùng với chính quyền địa phương, nhà đầu tư và người dân ngồi lại với nhau cùng trao đổi để đi đến một mức phí hợp lý nhất. Cần phải hỏi ý kiến người dân xem người ta có đồng tình hay không mới được quyết định chứ. Nếu như mức phí hợp lý thì không đời nào người dân gây khó dễ cho nhà đầu tư” - GS. Võ Đại Lược kết luận.