Cánh đồng cấy một giống gắn với tiêu thụ sản phẩm: Vơi nỗi lo được mùa mất giá

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mục đích tạo ra sản phẩm lúa – gạo hàng hóa có chất lượng, giá trị cao, từ đó nâng cao thu nhập cho người nông dân, vụ Xuân 2018, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội xây dựng mô hình cánh đồng cấy một giống gắn với tiêu thụ sản phẩm với quy mô 100ha tại các huyện ngoại thành.

 Mô hình trình diễn giống lúa mới LTH31 dự kiến cho năng suất cao. Ảnh: Ánh Ngọc
Giảm chi phí, tăng thu nhập
Vụ Xuân 2018 là vụ đầu tiên huyện Ứng Hòa thực hiện mô hình cánh đồng cấy một giống gắn với tiêu thụ sản phẩm. Mô hình có quy mô 20ha thí điểm trên giống lúa Đài thơm 8 tại xã Hòa Lâm. Thời điểm này, lúa đang giai đoạn vào chắc đỏ đuôi, dự kiến một tuần nữa sẽ cho thu hoạch. Bà Trần Thị Hiền, ở thôn Trạch Xá, xã Hòa Lâm chia sẻ: “Với 9 sào cấy lúa cấy giống Đài thơm 8, vụ này gia đình tôi cầm chắc thu hoạch trên 2 tấn thóc. Mừng nhất là giảm được chi phí sản xuất đáng kể nhờ giống lúa chống chịu sâu bệnh tốt, không cần dùng đến thuốc bảo vệ thực vật”.

Đội trưởng Đội sản xuất thôn Trạch Xá, xã Hòa Lâm Trần Văn Thủy cho hay: “Trạch Xá vốn là đất làng nghề cộng với những năm gần đây sản xuất lúa truyền thống cho thu nhập thấp nên không ít hộ dân địa phương bỏ ruộng hoang. Mô hình cánh đồng cấy một giống như “luồng gió mới” tiếp thêm động lực cho bà con, để họ mặn mà hơn với ruộng đồng, nhất là khi tận mắt chứng khiến cánh đồng lúa trĩu bông, hạt mẩy, đều tăm tắp sắp đến ngày thu hoạch”.

Đài thơm 8 là giống lúa thuần chất lượng, có thời gian sinh trưởng khoảng 125 - 130 ngày, cho năng suất cao đạt trung bình 7 - 8 tấn/ha. Với việc áp dụng đúng theo quy trình sản xuất “3 giảm, 3 tăng” (giảm về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tăng về năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế), mô hình thí điểm cánh đồng cấy một giống của thôn Trạch Xá, xã Hòa Lâm dự kiến cho lợi nhuận cao hơn 2,5 - 3 triệu đồng/ha so với canh tác lúa truyền thống.

Kết nối nông dân với doanh nghiệp

Theo Trưởng phòng Trồng trọt (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) Nguyễn Văn Hà, tham gia mô hình cánh đồng cấy một giống gắn với tiêu thụ sản phẩm, các hộ sản xuất được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ 100% giống, 30% chi phí vật tư, phân bón. Để mô hình đạt hiệu quả cao, Trung tâm cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên phối hợp với khuyến nông viên cơ sở bám sát ruộng đồng, tận tình hướng dẫn nông dân từ khâu ngâm ủ giống, gieo mạ, gieo cấy, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật.
“Cùng với năng suất cao, chất lượng đồng đều, ưu điểm lớn nhất của mô hình cánh đồng cấy một giống gắn với tiêu thụ sản phẩm là kết nối nông dân với DN. Theo đó, các DN cung ứng giống cam kết thu mua sản phẩm thóc sau thu hoạch cho nông dân với giá bằng hoặc cao hơn so với thị trường” - ông Hà nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Xí nghiệp giống Ba Vì (Công ty CP Giống cây trồng T.Ư) Nguyễn Văn Giang cho biết, theo hợp đồng đã thỏa thuận, công ty sẽ bao tiêu sản phẩm thóc khô cho nông dân với điều kiện giống được cấy trên diện tích tập trung và chất lượng thóc đồng đều. Thực tế, tiềm năng sản xuất lúa hàng hóa của Hà Nội rất lớn, song việc liên kết nhóm hộ sản xuất vẫn mang tính tự phát, mạnh ai người đó làm nên chưa tạo được vùng sản xuất lúa tập trung quy mô lớn.
Đây cũng là nguyên nhân khiến DN chưa mặn mà “bắt tay” với nông dân sản xuất – tiêu thụ sản phẩm lúa hàng hóa theo chuỗi liên kết. Do đó, việc xây dựng mô hình cánh đồng cấy một giống gắn với tiêu thụ sản phẩm là thực sự cần thiết bởi ngoài mục tiêu tăng giá trị cho sản phẩm lúa hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nông dân, mô hình đã giúp cơ quan quản lý Nhà nước chủ động trong chỉ đạo, thực hiện cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống.
Cánh đồng cấy một giống gắn với tiêu thụ sản phẩm không chỉ giúp người nông dân vơi nỗi lo được mùa mất giá mà còn thúc đẩy việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất lúa, là tiền đề để xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Do đó, Trung tâm sẽ đánh giá kỹ lưỡng về hiệu quả để nghiên cứu đề xuất nhân rộng mô hình trên địa bàn TP.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Ngô Đình Giang