Cảnh giác với các thủ đoạn bắt cóc trẻ em

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ bắt cóc trẻ em tạiLong Biên, Hà Nội vừa qua khiến không ít bậc phụ huynh hoang mang, lo lắng bởi phương thức, thủ đoạn của đối tượng ngày càng manh động, liều lĩnh.

Bắt cóc đòi 15 tỷ đồng kịch tính như phim hành động

Ngày 16/8, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Đức Trung (sinh năm 1992; ở Tam Dương, Vĩnh Phúc) để điều tra về tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Nguyễn Đức Trung là thủ phạm gây ra vụ bắt cóc cháu N.T.P (sinh năm 2016; ở phường Việt Hưng, quận Long Biên). Đáng lưu ý, gần 20 năm, từ năm 2004 đến nay, Hà Nội mới xuất hiện một vụ bắt cóc như vậy.

Trước đó, khoảng 19 giờ 40 ngày 14/8, Công an TP Hà Nội tiếp nhận đơn trình báo của chị Đ.T.H (SN 1987; nơi cư trú tại Khu đô thị Việt Hưng, phường Việt Hưng, quận Long Biên) về nội dung: chị H nhận được cuộc điện thoại từ số 0904.xxx.xxx báo con trai chị là cháu N.T.P (SN 2016) đã bị bắt cóc và yêu cầu gia đình nộp 15 tỷ đồng để chuộc con.

Ngay sau khi nhận được thông tin, sau gần 10 giờ, đến khoảng 5 giờ ngày 15/8, các đơn vị của Công an TP Hà Nội đã bắt giữ được đối tượng gây án là Nguyễn Đức Trung, giải cứu thành công cháu bé, trao trả về gia đình an toàn.

Tại cơ quan công an, đối tượng khai nhận, do vay nợ tiền của nhiều người, không có khả năng chi trả nên đã nảy sinh ý định đi trộm cắp tài sản của các nhà dân sinh sống ở các khu đô thị cao cấp tại Hà Nội.

Ngày 14/8, Trung sử dụng xe ô tô Kia Moring, mang theo 1 khẩu súng bắn đạn cao su xuống địa bàn Khu đô thị mới Việt Hưng. Không trộm cắp được tài sản, đối tượng nảy sinh ý định bắt cóc cháu N.T.P cho lên xe ô tô. Trung đã dùng dây buộc tay cháu bé và đưa cháu bé di chuyển qua nhiều địa bàn trên Hà Nội và liên tục gọi điện cho gia đình cháu bé để tống tiền (đòi gia đình cháu bé 15 tỷ đồng tiền chuộc).

Đối tượng Nguyễn Đức Trung (giữa) khi bị bắt. Ảnh: Công an cung cấp
Đối tượng Nguyễn Đức Trung (giữa) khi bị bắt. Ảnh: Công an cung cấp

Đến khoảng 5 giờ ngày 15/8, khi Trung đưa cháu bé đến đường gom Khu công nghiệp Đồng Văn (thị trấn Đồng Văn, tỉnh Hà Nam) thì bị lực lượng công an bắt giữ. Khi bị lực lượng công an vây bắt, Trung đã dùng súng chống trả khiến Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn (Công an quận Long Biên) bị thương ở đùi. Tuy nhiên sau đó, đối tượng đã bị khống chế và bé trai được giải cứu an toàn.

Sau sự việc trên, vấn đề đặt ra là nguy cơ trẻ em bị bắt cóc tống tiền đã hiện hữu, vậy công tác phòng ngừa tội phạm, bảo đảm an toàn cho trẻ em cần phải được tiến hành như thế nào?

Dạy trẻ kỹ năng sống để an toàn

Theo chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu, đối tượng xấu có ý định bắt cóc thường hành động khi trẻ đi một mình. Hậu quả của tội phạm bắt cóc trẻ em thường rất nặng nề, gây ra những tổn hại nghiêm trọng về thể chất, tâm lý của trẻ, nhất là để lại trong tiềm thức đứa trẻ sự mất niềm tin vào con người.

Những di chứng này có thể kéo dài trong suốt cuộc đời nạn nhân, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần, tâm lý của trẻ em.

Để phòng ngừa tội phạm bắt cóc trẻ em, cần dạy cho trẻ biết những người lạ có thể tin tưởng như thầy cô giáo, chú công an, chú bộ đội, bác bảo vệ cơ quan, nhà trường, nhân viên cửa hàng…

Bên cạnh đó, cần phải dạy trẻ nhớ thuộc lòng họ tên, số máy điện thoại của bố mẹ, địa chỉ nhà của mình, nghề nghiệp của bố mẹ, nhưng phải giữ bí mật những thông tin này, chỉ nói với những người lạ có thể tin tưởng.

Cần phải dạy trẻ không được nói chuyện, đi theo người lạ; tuyệt đối không ăn uống bất cứ thứ gì mà người lạ đưa cho; huấn luyện cho trẻ biết kêu gào, khóc thật to để gây sự chú ý cho những người xung quanh khi không may bị bắt giữ...

Trong khi đó, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, vụ bắt cóc tại Hà Nội vừa qua cho thấy nguy cơ mất an toàn của trẻ em có thể xảy ra bất kỳ nơi nào, bất kỳ nơi đâu, kể cả những đứa trẻ sống trong gia đình có điều kiện kinh tế, được bảo vệ an toàn cũng có thể trở thành đối tượng bị tấn công của tội phạm.

Theo đó, việc bảo đảm an toàn cho trẻ em cần phải được tăng cường ở nhiều phương diện, cần nâng cao trách nhiệm của cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương, của gia đình và nhà trường để trẻ em được thực hiện đầy đủ quyền của mình theo quy định của pháp luật, được bảo đảm an toàn, được quyền sống trong một xã hội, môi trường an toàn.

“Sau vụ việc này, các bậc phụ huynh cũng như các cơ sở giáo dục đào tạo nên có những chương trình tập huấn, hướng dẫn về kỹ năng thoát hiểm cho các cháu bé trong tình huống bị bắt cóc” - luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.