[Cảnh giác với lừa đảo thời 4.0] Bài 2: Những cú điện thoại tiền tỷ

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không dừng lại ở việc giả danh cơ quan công an để lừa nạn nhân “chuyển tiền chạy tội” như trước, những kẻ lừa đảo còn áp dụng các phương pháp tinh vi hơn như cài đặt phần mềm theo dõi, giả danh số điện thoại nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Theo thông tin từ Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an TP Hà Nội, trong những năm trở lại đây, đơn vị này đã nhận được nhiều đơn trình báo của các bị hại về việc mình là nạn nhân của các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Nổi bật là những chiêu bài giả danh "Bộ Công an" hoặc "cơ quan điều tra", mặc dù vẫn áp dụng những thủ đoạn đã cũ nhưng cách thức thực hiện tại tinh vi hơn nên đã khiến không ít nạn nhân dính bẫy.
 Ảnh minh họa.
Điển hình là trường hợp của chị T.T.H (Thanh Xuân, Hà Nội) đã bị kẻ lừa đảo chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng trong đúng 2 ngày. Cụ thể, vào trung tuần tháng 6/2019, chị H nhận được một bưu phẩm có thông báo mình đã mở một thẻ tín dụng của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank).
Ngay sau đó, có người tự nhận là nhân viên Bộ phận tư vấn và Chăm sóc khách hàng của Bưu cục Hoàn Kiếm thông báo cho chị H biết chị đã sử dụng số tiền gần 34 triệu đồng từ thẻ tín dụng trên.
Sau khi chị H phủ nhận mình mở thẻ tín dụng, nhân viên tư vấn cho rằng rất có thể thông tin cá nhân của chị đã bị đánh cắp và kẻ gian sử dụng những thông tin đó để thực hiện hành vi phạm tội. Đồng thời cũng chính nhân viên này cũng gợi ý sẽ kết nối sang Công an TP Hồ Chí Minh để giúp chị H làm sáng tỏ vụ việc.
Tới chiều cùng ngày, một người đàn ông tự xưng là công tác tại Công an TP Hồ Chí Minh đã liên lạc với chị H. Người đàn ông khẳng định thông tin cá nhân của chị H đã bị sử dụng vào một đường dây lừa đảo lớn, đồng thời một đối tượng bị bắt đã khai ra chị H cũng được hưởng lợi từ hoạt động này. Khi chị H kêu oan, đối tượng tỏ ra cảm thông, nói sẽ trình bày cấp trên về trường hợp của chị đồng thời yêu cầu giữ bí mật vì đây là một vụ án lớn đang được điều tra.

"Trong trường hợp nếu nghi ngờ một số điện thoại là lừa đảo, để chắc chắn hơn, người dùng có thể tra cứu số này trên Google, bởi có nhiều số điện thoại dạng này được đưa lên mạng để cảnh báo người khác không bị mắc bẫy. " - Giám đốc Công ty An ninh mạng Athena Võ Đỗ Thắng

Tới ngày hôm sau, người đàn ông nói trên đã gửi cho chị H một đường link để tải và cài đặt ứng dụng mang tên "Bộ Công An" lên điện thoại. Sau đó đối tượng yêu cầu chị H mở một tài khoản Ngân hàng Eximbank và chuyển toàn bộ số tiền chị đang có vào tài khoản này thông qua ứng dụng nói trên.
Nghĩ rằng mình chuyển tiền vào tài khoản khác của mình sẽ không có vấn đề gì, chị H đã thực hiện chuyển số tiền hơn 2 tỷ đồng. Đến ngày hôm sau nữa, chị H liên lạc với người đàn ông tự nhận làm tại Công an TP Hồ Chí Minh nhưng không được. Đồng thời số tiền tại tài khoản Ngân hàng Eximbank mà chị mới chuyển tiền đã bị rút hết. Tới lúc này, chị H mới biết mình bị lừa và trình báo lên cơ quan công an.
Theo Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an TP Hà Nội, khi chị H cài đặt ứng dụng mang tên "Bộ Công An", kẻ gian đã có thể theo dõi, đọc trộm các tin nhắn trên điện thoại, từ đó lấy được mã OTP ngân hàng và thực hiện hành vi rút tiền.
Trường hợp như chị H ở Hà Nội không phải là hiếm, ở nhiều địa phương khác như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cần Thơ, Nghệ An… tình trạng bị chiếm đoạt tài sản theo phương thức công nghệ cao này cũng xuất hiện thường xuyên. Và số tiền bị chiếm đoạt cũng khá "khủng", từ hàng chục cho đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí có trường hợp lên tới hàng tỷ đồng.
Như vậy có thể thấy, mặc dù vẫn sử dụng những thủ đoạn cũ với các chiêu bài như tưởng tượng ra một hành vi phạm tội, đe dọa và tiến đến dụ dỗ nạn nhân, yêu cầu chuyển tiền để giải quyết... nhưng lại được kết hợp những phương thức tinh vi hơn như chuyển tiền qua ứng dụng, thực hiện lừa đảo với nhiều đối tượng giả mạo, sử dụng công nghệ cao sẽ khiến nạn nhân lơ là cảnh giác, từ đó sập vào chiếc bẫy đã được cài sẵn.
Thận trọng trước những cuộc điện thoại lạ
Trước tình trạng lừa đảo qua điện thoại có xu hướng bùng phát mạnh trong năm 2019, Công an TP Hà Nội đã đưa ra những cảnh báo dành cho người dân. Theo đó, thủ đoạn quen thuộc của những đối tượng lừa đảo này là thường giả danh nhân viên bưu điện, thông báo đang nợ tiền cước điện thoại, có bưu phẩm gửi ở các bưu điện lâu ngày không đến nhận... Hoặc công an thông báo thiếu nợ tiền ngân hàng do người khác lấy CMND đăng ký mở tài khoản ngân hàng hay liên quan đến các vụ án đang điều tra như buôn bán ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia…
Thủ đoạn khép tội thường xoay quanh các lý do như đã có lệnh bắt của công an, tòa án, viện kiểm sát, yêu cầu kê khai tài sản, tiền mặt hiện có, tiền trong các tài khoản ngân hàng. Tiếp đó, yêu cầu người bị hại phải nghe điện thoại, liên tục nói chuyện với nhiều người tự xưng là điều tra viên, cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án và không được kể cho người khác việc đang làm với cơ quan pháp luật.
Thậm chí, để tạo sự tin tưởng cho bị hại, các đối tượng sử dụng phần mềm, ứng dụng gọi điện thoại qua mạng internet giả mạo số gọi đến là số điện thoại của Công an TP Hà Nội hoặc các cơ quan của Nhà nước nên khi người bị hại kiểm tra qua tổng đài 1080, qua mạng internet… cũng không phát hiện được. Sau đó, các đối tượng vừa dùng lời lẽ đe dọa rồi yêu cầu, thúc ép bị hại chuyển tiền vào các tài khoản chỉ định với lý do xác minh nguồn tiền, phục vụ điều tra và chiếm đoạt.
Công an TP Hà Nội khuyến cáo đây là thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao, người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè các thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương và tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu tương tự như trên, người dân cần khẩn trương báo tin cho đơn vị công an nơi gần nhất.
Nói về việc giả danh số điện thoại công an hoặc cơ quan Nhà nước, Giám đốc Công ty An ninh mạng Athena Võ Đỗ Thắng cho biết, để thực hiện được không quá phức tạp. Theo đó, kẻ xấu sẽ sử dụng các dịch vụ thoại Voice over IP. Cách này sẽ giúp người gọi giấu số hoặc mạo danh một số điện thoại khác. Giá của dịch vụ này cũng tương đối rẻ, tầm dưới 1.000 đồng/phút thoại.
Để tránh bị lừa đảo, người dùng cần tập thói quen thận trọng với những cuộc điện thoại lạ, đặc biệt là đến từ những đối tượng tự xưng là cơ quan chức năng. Hạn chế đăng tải thông tin cá nhân, số tài khoản lên mạng xã hội bởi có khả năng chúng sẽ là công cụ để kẻ lừa đảo lợi dụng.
(Còn nữa)