Cao tốc Bắc - Nam: Còn dư địa khai thác tiềm lực kinh tế tư nhân

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 1/6 vừa qua, ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ GTVT thay mặt Chính phủ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (lần 2) về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Cao tốc Bắc - Nam sẽ được đẩy nhanh tiến độ sau khi chuyển 3 dự án PPP sang đầu tư công. Ảnh: Hòa Thắng
Chốt phương án phù hợp
Trước đó, Chính phủ đã xây dựng 3 phương án để điều chỉnh hình thức đầu tư theo thứ tự ưu tiên. Phương án thứ nhất là chuyển đổi sang đầu tư công toàn bộ 8 dự án. Tổng mức đầu tư khoảng 99.493 tỷ đồng, trong đó đã bố trí kế hoạch 2016 - 2020 là 55.000 tỷ đồng, cần bổ sung thêm vốn ngân sách 44.493 tỷ đồng.
Phương án thứ 2, chuyển đổi sang đầu tư công 5 dự án, gồm: 4 dự án cấp bách (đoạn Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu và Phan Thiết - Dầu Giây) và 1 dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết); 3 dự án thành phần còn lại tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP. Tổng mức đầu tư khoảng 100.250 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách khoảng 88.059 tỷ đồng (đã bố trí kế hoạch 2016 - 2020 là 55.000 tỷ đồng, cần bổ sung 33.056 tỷ đồng), vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 12.194 tỷ đồng.
Phương án thứ 3, chuyển đổi sang đầu tư công 3 dự án, gồm: 2 dự án cấp bách (đoạn Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây) và 1 dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết); 5 dự án thành phần còn lại tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP. Tổng mức đầu tư khoảng 100.816 tỷ đồng; trong đó vốn NSNN khoảng 78.461 tỷ đồng (đã bố trí kế hoạch 2016 - 2020 là 55.000 tỷ đồng, cần bổ sung thêm 23.461 tỷ đồng), vốn huy động ngoài ngân sách khoảng 22.355 tỷ đồng.
Thách thức đối với các nhà đầu tư trong nước khi tham gia dự án cao tốc Bắc - Nam là vấn đề huy động vốn tín dụng. Hệ thống ngân hàng thương mại nhiều lần lên tiếng không ưu tiên cho vay dài hạn. Họ cũng phát đi thông điệp rằng hạn mức cho vay trong lĩnh vực BOT đã chạm ngưỡng tối thiểu về hệ số an toàn vốn.
Như vậy, nếu không có mô hình đa dạng trong việc huy động vốn, bài toán huy động vốn để triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam đang là thách thức mấu chốt nhất.
Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, PGS.TS Trần Chủng
Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất lựa chọn chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án cao tốc Bắc - Nam từ PPP sang đầu tư công theo phương án 3 của Chính phủ. Đây là phương án nhận được sự đồng thuận cao. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Bộ Chính trị đã có ý kiến xem xét chuyển đổi một số dự án cao tốc Bắc - Nam từ PPP sang đầu tư công nhưng không chuyển hết cả 8 dự án.
“Trong 3 phương án chuyển đổi hình thức đầu tư của Chính phủ đề xuất, tôi cho rằng phương án 3 là phù hợp nhất” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng cho rằng “chọn phương án chuyển dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây từ PPP sang đầu tư công là hợp lý để đẩy nhanh tiến độ thực hiện”.
Với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chuyển 3 dự án PPP của cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công, nút thắt về chủ trương và hình thức đầu tư coi như đã được gỡ bỏ khi vẫn còn tới 5 dự án thành phần khác vẫn sẽ tiếp tục đầu tư theo hình thức PPP. Điều này đồng nghĩa với việc ngân sách Nhà nước vẫn đóng vai trò quan trọng trong tổng mức đầu tư 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam (khoảng 78.461 tỷ đồng trong tổng số 100.816 tỷ đồng). Còn lại khoảng 22.355 tỷ đồng sẽ là nguồn vốn huy động ngoài ngân sách.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nguồn vốn ngoài ngân sách này vẫn phần lớn tập trung ở các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất để huy động vốn lúc này là làm sao để các ngân hàng thương mại thấy rõ được hiệu quả kinh tế - xã hội và hiệu quả tài chính của dự án. Có một điều chắc chắn, cao tốc Bắc - Nam là dự án trọng điểm quốc gia cộng với việc các dự án đầu tư công, hoặc đối tác công - tư ở nước ta trong những năm gần đây đều được thẩm định khá chặt chẽ nên khả năng an toàn vốn tại cao tốc Bắc - Nam đương nhiên được đánh giá cao.
Cơ hội để huy động nguồn lực từ kinh tế tư nhân
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Lê Đăng Doanh - Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế T.Ư cho rằng, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ lựa chọn chuyển đổi 3 trong số 8 dự án PPP sang đầu tư công là rất chuẩn xác trong bối cảnh nền kinh tế nước ta hiện nay. Trong số 3 dự án được lựa chọn thì dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết bắt buộc phải chuyển đổi với không có nhà đầu tư. Hai dự án còn lại đều rất cấp thiết phải thực hiện. Với việc làm đầu tư công, việc huy động vốn để thực hiện dự án cũng như thu hồi vốn sau khi dự án hoàn thành sẽ nhanh hơn.
“Hiện nay, ngân sách Nhà nước đang gặp khó khăn nên nếu dựa hoàn toàn vào đó để làm cao tốc Bắc - Nam sẽ càng làm tăng thêm gánh nặng cho Nhà nước. Kể cả phát hành trái phiếu Chính phủ hay vay nợ thêm đều phải cân nhắc thật kỹ, bởi khi đó sẽ phải tính tất cả vào chi phí của công trình đầu tư. Do đó, phương án tài chính và hình thức huy động vốn đầu tư đều phải được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng” - TS Lê Đăng Doanh nói.
Chuyên gia kinh tế này cho biết thêm, với phán quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn còn 5 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam được đầu tư bằng hình thức PPP. Đây là cơ hội để chúng ta huy động nguồn lực từ kinh tế tư nhân vào làm cao tốc Bắc - Nam.
“Tôi cho rằng, tốt nhất vẫn là huy động được năng lực từ kinh tế tư nhân, từ các nguồn đầu tư ngoài xã hội thay vì trông chờ hoàn toàn vào ngân sách Nhà nước. Hiện nay, kinh tế tư nhân có những tập đoàn lớn có thể tham gia được. Hơn nữa, thời gian qua đã chứng minh kinh tế tư nhân đã và đang tham gia có hiệu quả tại rất nhiều công trình quan trọng của quốc gia. Kinh tế tư nhân sẽ bổ sung hiệu quả cho nền kinh tế quốc gia” - TS Lê Đăng Doanh nói.
Trong khi đó, chuyên gia Kinh tế Lê Xuân Nghĩa - hành viên Hội đồng Tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, những vấn đề gặp phải với các dự án BOT thời gian qua, trong đó có vấn đề tài chính đã ít nhiều tác động đến các tổ chức tín dụng trong việc lựa chọn đầu tư vào các dự án đầu tư hạ tầng giao thông. Cao tốc Bắc - Nam đương nhiên sẽ không tránh khỏi sự dè dặt này. Điều dễ nhận thấy, những năm trở lại đây, các tổ chức tín dụng có xu hướng quản lý rủi ro khá chặt đối với các dự án BOT giao thông để tránh những vấn đề xấu có thể vướng phải.
"Tuy nhiên, đây là dự án trọng điểm quốc gia và được đánh giá là có tỷ lệ rủi ro rất thấp nên cơ hội vay vốn từ các tổ chức tín dụng vẫn còn rộng mở" - ông Nghĩa nhận định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần