Cấp dưới khai gì về ông Đinh La Thăng tại phiên tòa?

Đạt Lê - Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 8/1, tiếp tục phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng cùng đồng phạm. Tại tòa, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn khai, chỉ đạo của ông Đinh La Thăng rất mạnh mẽ, lúc đó bị cáo cho rằng hợp đồng chưa đúng quy định của pháp luật, do không biết nên mới vô tình thực hiện.

Cách ly ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh
Trong phiên xử chiều 8/1, HĐXX công bố phần còn lại của cáo trạng; Đại diện Viện KSND trình bày ý kiến bổ sung về việc đính chính cáo trạng ngày 25/12/2017. Cáo trạng bổ sung thông tin ông Đinh La Thăng và Nguyễn Quốc Khánh là ĐBQH khóa XIV, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra quyết định tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu Quốc hội với ông Đinh La Thăng và Nguyễn Quốc Khánh. Sau khi công bố cáo trạng, bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh bị đưa từ phòng xử án vào khu vực cách ly.
Ông Đinh La Thăng tại phiên xét xử. Ảnh: TTXVN

HĐXX bước vào phần xét hỏi các bị cáo để làm rõ hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng…
Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng giám đốc PVC) cho hay, hợp đồng EPC số 33 được ký khi còn thiếu nhiều điều kiện. Sở dĩ khi đó bị cáo Thuận ký vào hợp đồng số 33 dù biết hợp đồng đó chưa đủ thủ tục nhằm để tạo công ăn việc làm cho người lao động. Lúc này PVC có khó khăn về tài chính nên bị cáo đã ký để có tiền trả nợ ngân hàng và đối tác.
Bị cáo Thuận khai, thời điểm 2010 - 2011, năng lực tài chính của PVC vô cùng khó khăn khi tổng mức đầu tư tài chính của PVC vượt gần 1.000 tỷ đồng so với vốn điều lệ, làm mất cân đối dòng tiền đầu tư của PVC. PVC rất khó khăn về tài chính, áp lực trả tiền ngân hàng và rót vào các dự án khác. Về mặt năng lực chuyên môn, tại thời điểm đó PVC chưa đủ kinh nghiệm để nhận lại dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Bị cáo Nguyễn Ngọc Quý (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT PVC) khai, không được biết, không được thảo luận về hợp đồng số 33. Nhưng dựa vào ý kiến của những người khác, bị cáo đã thống nhất cùng Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận ký hợp đồng EPC số 33. Và việc tạm ứng tiền từ hợp đồng 33 như vậy là sai.
Khai trước tòa, bị cáo Phạm Tiến Đạt (nguyên là kế toán trưởng của PVC) khai, nhận thức của bị cáo khi đó là tiêu trước, hoàn trả sau. Khi đó, PVC đứng trước áp lực phải trả nợ ngân hàng là hơn 700 tỷ. Còn lại là đầu tư góp vốn vào các đơn vị hơn 200 tỷ. Số còn lại gần 100 tỷ là hỗ trợ vốn lưu động cho các công trình đang cần vốn. Việc sử dụng tiền tạm ứng như vậy theo nhận thức ban đầu của bị cáo đơn giản chỉ là việc thu xếp nguồn tiền nhàn rỗi, chắc là sẽ không gây hậu quả gì. Sau này khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo nhận thức là đã vi phạm.
3 bị cáo Nguyễn Ngọc Quý, Vũ Đức Thuận, Nguyễn Mạnh Tiến tại phiên tòa. Ảnh: Đạt Lê.

Thực hiện “mệnh lệnh” nên vô tình vi phạm?
Bị cáo Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó TGĐ PVN), phụ trách tài chính kế toán của dự án. Bị cáo được TGĐ phân công theo dõi việc thực hiện dự án, HĐTV của PVN có Nghị quyết ngày 21/2/2011 phê duyệt đấu thầu dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, lựa chọn nhà thầu để đàm phán và ký kết. “Anh Đinh La Thăng ký Nghị quyết lựa chọn nhà thầu, bị cáo chỉ đôn đốc tiến độ việc ký kết với nhà thầu”, bị cáo Khánh khai.
Theo bị cáo Khánh, hợp đồng số 33 đã ký, sau này kiểm tra lại mới thấy thiếu các căn cứ, chưa được HĐTV PV Power phê duyệt, nội dung hợp đồng rất sơ sài, không có điều khoản chi tiết về kỹ thuật, thương mại, và những điều khoản liên quan đến thanh toán, tạm ứng, do đó không có cơ sở để có thể tạm ứng được. 
Thời điểm ký báo cáo có đủ, sau đó Đinh La Thăng thành lập ban quản lý dự án và yêu cầu rà soát lại nội dung hợp đồng để ký lại hợp đồng này, sau khi rà soát, chủ đầu tư đẩy về PVN nên phải chuyển đổi chủ thể hợp đồng về cho PVN làm chủ đầu tư, các hợp đồng trước đây do PV Power ký chuyển về tập đoàn để ký lại, lúc đó mới có thể thực hiện được hợp đồng EPC. 
Việc rà soát lại hợp đồng số 33 để chuyển chủ đầu tư từ PV Power về PVN do Đinh La Thăng chủ trì, trong đó có yêu cầu rà soát và ký lại hợp đồng. Đến khi PV Power ký biên bản bàn giao, đã xác định hợp đồng thiếu những thủ tục pháp lý và nội dung cơ bản.
HĐXX hỏi nếu biết vậy tại sao khi ký hợp đồng 4194 để điều chỉnh vẫn không bổ sung những điều khoản còn thiếu, bị cáo Khánh cho biết: "Việc để xảy ra hợp đồng 33 là do cấp dưới làm liều, bị cáo ăn năn vì đã thiếu kiểm tra, giám sát. Hợp đồng 4194 về nguyên tắc không có gì thay đổi ngoại trừ chủ thể chủ đầu tư. Anh Đinh La Thăng và TGĐ Phùng Đình Thực có văn bản ủy quyền cho bị cáo ký hợp đồng 4194".
Vai trò của bị cáo là Phó TGĐ là giúp việc đôn đốc để kịp khởi công dự án. Bị cáo không chỉ đạo việc chuyển tiền tạm ứng, toàn bộ công tác liên quan đến tài chính do Phó TGĐ phụ trách tài chính chỉ đạo thực hiện. Bị cáo chỉ chỉ đạo công tác tạm ứng, thanh toán.
Khi ký chuyển đổi hợp đồng, ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo chuyển đổi chủ đầu tư từ PV Power về tập đoàn, sau đó HĐTV chỉ đạo chuyển đổi chủ thể từ PV Power về PVN.  Chỉ trong 4 ngày phê duyệt thiết kế cơ sở, là khoảng thời gian rất ngắn, dựa trên hợp đồng đó PVN chuyển tiền tạm ứng cho PVC để kịp khởi công. Việc dùng hợp đồng 33 làm cơ sở để tạm ứng là hoàn toàn không đúng.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn. Ảnh: Thiên Bình.

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Phó TGĐ PVN khai, ông Đinh La Thăng đề nghị tạm ứng cho nhà thầu 10% giá trị hợp đồng. Quá trình chuẩn bị ký kết hợp đồng chuyển giao về Tập đoàn, bị cáo hoàn toàn không được tham gia, sau khi đã chuyển về PVN, Chủ tịch yêu cầu dự án này là dự án trọng điểm quốc gia, được thực hiện cơ chế đặc thù nên cần đẩy nhanh tiến độ dự án, tạm ứng cho nhà thầu đủ số tiền theo hợp đồng đã ký.
Theo bị cáo Sơn, tại thời điểm đó bị cáo không nhận thức được rằng hợp đồng 33 không đủ điều kiện thực hiện. Bị cáo chỉ biết rằng đây là dự án lớn, việc thực hiện thẩm định, khảo sát, thiết kế có sự chỉ đạo và xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, có nghị quyết chuyển về Tập đoàn, nên bị cáo nghĩ hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật. Sau này khi VKS cho biết, bị cáo mới nghĩ rằng hợp đồng này vi phạm quy định của pháp luật và mình đã có những sai sót. Bị cáo thấy rằng mình có trách nhiệm quản lý tài chính của tập đoàn, còn trách nhiệm kiểm tra giám sát nhà thầu sử dụng tiền có đúng mục đích hay không là trách nhiệm của Trưởng ban quản lý dự án.
Cũng theo bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, mình thực hiện mệnh lệnh của bị cáo Đinh La Thăng. “Vì chỉ đạo của ông Đinh La Thăng rất mạnh mẽ. Lúc đó bị cáo cho rằng hợp đồng chưa đúng quy định của pháp luật, bị cáo không biết nên mới vô tình thực hiện”, bị cáo Sơn khai.
Theo cáo trạng, trong quá trình thực hiện Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV PVN, có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PV Power ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định. Ông Thăng sau đó chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban QLDA căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1,3 nghìn tỷ đồng cho PVC để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1,1 nghìn tỷ đồng sai mục đích, không đưa vào Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 120 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, giữ vai trò là Chủ tịch HĐQT PVC, Trịnh Xuân Thanh đã có hành vi chỉ đạo bị cáo Vũ Đức Thuận ký Hợp đồng EPC số 33 để PVC được nhận tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1,3 nghìn tỷ đồng.