TỔNG THUẬT: Quốc hội chất vấn Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, sáng 6/6

Nhóm phóng viên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp tục phiên chất vấn chiều 5/6, đầu giờ sáng nay (6/6), Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện.

 Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện sẽ tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội các nội dung: Quản lý, bảo tồn và phát triển di sản văn hoá, quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh; công tác quản lý hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, phòng ngừa mê tín dị đoan; việc đầu tư, xây dựng và quản lý các công trình tâm linh; quản lý nguồn thu từ hoạt động tín ngưỡng, du lịch tâm linh; công tác quản lý và phát triển dịch vụ du lịch.

Lên án hành vi lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi trái phép

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về hiện tượng lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan như dịch vụ tâm linh, thầy bói, thầy tướng...

 Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, Hiến pháp đã quy định về quyền tự do tôn giáo. Tôn giáo, tín ngưỡng là nhu cầu tinh thần người dân. Bản chất của tôn giáo là tốt đẹp.

Tuy nhiên Bộ trưởng cho biết, vừa qua một số cá nhân đã lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan, vi phạm pháp luật và đã bị xử lý theo quy định; dư luận xã hội cũng lên án các vi phạm về đạo đức, văn hoá, thuần phong mỹ tục.

Về trường hợp bà Phạm Thị Yến, người tuyên truyền về "thỉnh vong", kêu gọi phật tử đến chùa "giải oan" ở chùa Ba Vàng, Bộ trưởng Thiện nói, TP Uông Bí đã xử phạt vi phạm hành chính mức cao nhất là 5 triệu đồng. "Ngoài ra, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành nghề mê tín dị đoan theo điều 320 của Bộ luật Hình sự 2015", ông nói.

Khắc phục hiện tượng trên, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, cơ quan này sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản về phòng ngừa mê tín dị đoan; lên án hành vi lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi trái phép.

Du lịch có phải ngôi sao cô đơn?

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về điểm nghẽn của ngành du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, hạ tầng giao thông, sân bay quá tải là điểm nghẽn đầu tiên. "Nhiều sân bay không có đủ chỗ đỗ máy bay, làm thủ tục rất lâu", ông Thiện nói.

Điểm nghẽn nữa là vấn đề thị thực.

Vấn đề xúc tiến quảng bá du lịch cũng là một điểm nghẽn khi mỗi năm Việt Nam chỉ đầu tư khoảng 2 triệu USD kinh phí, trong khi Thái Lan, Indonesia chi khoảng gần 100 triệu USD. Việt Nam gần như không có văn phòng đại diện ở nước ngoài để xúc tiến quảng bá du lịch, chủ yếu dựa vào các Đại sứ quán, trong khi Thái Lan có 28 văn phòng.

Theo Bộ trưởng VHTT&DL, nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành du lịch của Việt Nam cũng thiếu. Hiện để quản lý khách sạn 4-5 sao phải thuê người nước ngoài. Chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch cũng chưa cao.

"Hôm qua đại biểu hỏi du lịch có phải ngôi sao cô đơn? Câu trả lời là không. Du lịch muốn phát triển phải nhờ sự phối hợp của toàn xã hội", ông Thiện nói và cho biết, hiện Ban chỉ đạo nhà nước về du lịch do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đứng đầu đã và đang nỗ lực tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, kỳ vọng sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, hiện cả nước chia thành 7 vùng du lịch, trên cơ sở này các tỉnh, thành phát triển du lịch địa phương.  Bộ trưởng thừa nhận: "Đúng là liên kết các vùng du lịch, nhất là liên kết về hạ tầng, sản phẩm du lịch hiện còn yếu, hạn chế".

Giải pháp Bộ trưởng Thiện đưa ra là chính quyền địa phương phải nhận thức và làm tốt hơn trong liên kết về du lịch. Chẳng hạn, du khách tới khu vực miền Trung thì 3 địa phương là Huế, Quảng Bình, Quảng Trị... phải liên kết chặt chẽ để phát triển các sản phẩm du lịch đủ sức hấp dẫn.

Nghiên cứu sửa đổi Nghị định 103 về điều kiện kinh doanh karaoke, vũ trường

Chất vấn Tư lệnh ngành VHTT&DL, đại biểu Hà Thị Lan (đoàn Bắc Giang) nêu vấn đề các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường thường cải tạo công năng từ nhà ở không đảm bảo cách âm, không đảm bảo an toàn cháy nổ, tiếng ồn; một số trường hợp xảy ra cháy gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng con người. Có cơ sở hoạt động dính líu tới ma túy, mại dâm đã bị phát hiện và xử lý.

 Đại biểu Hà Thị Lan (đoàn Bắc Giang).

Đại biểu chất vấn: Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của ngành văn hóa và các ngành liên quan trong quản lý nhà nước để xảy ra tình trạng trên và biện pháp khắc phục?

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, hiện việc quản lý các quán karaoke, vũ trường được nêu tại Nghị định 103 năm 2009. Tuy nhiên, do sự phát triển của đời sống, các cơ sở này phát triển mạnh nên tồn tại hiện tượng như đại biểu nêu.

Bộ trưởng cho biết: "Với trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ VHTT&DL đã nghiên cứu sửa đổi Nghị định 103 trình Thủ tướng phê duyệt, trong đó quy định về đảm bảo an ninh trật tự, trách nhiệm xử lý việc tàng trữ, sử dụng ma tuý; bổ sung quy định về diện tích âm thanh ánh sáng, điều kiện kinh doanh và phân công rõ trách nhiệm Bộ ngành, địa phương trong quản lý”.

Phim Việt thưa trên sân nhà

Trả lời chất vấn về việc "phim ngoại đang lấn át phim Việt trên thị trường điện ảnh, Bộ trưởng VHTT&DL cho biết, mỗi năm có 240 bộ phim ngoại được nhập về Việt Nam, còn trong nước chỉ sản xuất được 40 phim.

Bộ trưởng Thiện cũng cho hay, luật hiện hành không có quy định hạn ngạch nhập khẩu phim, nên phim ngoại nhập ồ ạt.

Theo Bộ trưởng, giải pháp hiện nay là phải lập hàng rào kỹ thuật kiểm duyệt nội dung phim, trường hợp phim nhập khẩu không đạt nội dung thì không cấp phép; cùng với đó là quy định tỷ lệ phim Việt phải chiếm 20% tổng số buổi chiếu tại các rạp.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tăng cường sản xuất, quảng bá phim thông qua đặt hàng từ các nhà sản xuất; thu hút nhà đầu tư sản xuất phim...

Không có "loại hình chùa BOT"

Trước chất vấn của một số đại biểu về "loại hình chùa BOT", "xây dựng chùa có sự góp vốn của cá nhân để kinh doanh"..., Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định "không có hiện tượng này".

Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm cho biết, hiện các chùa đều do Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở Trung ương và địa phương cùng nhân dân xây dựng, quản lý. "Không có chùa nào nằm ngoài hệ thống này. Không chùa nào có sự góp vốn đầu tư xây dựng từ tập thể, cá nhân với mục đích kinh doanh mà đại biểu nêu dưới cụm từ mới là chùa BOT", Hoà thượng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông nói vẫn có hiện tượng "con sâu làm rầu nồi canh". Và những trường hợp nhà tu hành tại một số chùa có ứng xử chưa phù hợp với phật tử đều đã được Giáo hội Phật giáo Trung ương, Giáo hội Phật giáo địa phương nhắc nhở, xử lý theo quy định hiến chương của Giáo hội.

Ông nhấn mạnh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam không dung túng, bao che cho bất kỳ người tu hành nào, nhất là chức sắc khi vi phạm đạo đức, giáo luật.

Trong phiên chất vấn chiều 5/6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng khẳng định không có “loại hình chùa BOT”. Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu chịu trách nhiệm cả khi đặt câu hỏi.

Du lịch thể thao sẽ góp phần thu hút khách quốc tế

Trước ý kiến của đại biểu cho rằng, sản phẩm du lịch hiện nghèo nàn nên khó thu hút du khách, lượng khách quốc tế quay lại Việt Nam thấp..., Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói Việt Nam có 4 dòng sản phẩm du lịch, gồm du lịch biển, nghỉ dưỡng; du lịch văn hoá, du lịch sinh thái và du lịch độ thị.

Bộ trưởng thừa nhận: "Đúng là sản phẩm du lịch Việt Nam phải đa dạng, phong phú hơn".

Về sản phẩm du lịch của tương lai,Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện dự báo, sản phẩm du lịch thể thao. Dự kiến năm 2020 Việt Nam sẽ có giải đua F1, cùng với việc đăng cai một số giải thể thao tầm khu vực tạo thành dòng sản phẩm mới thu hút du khách quốc tế và trong nước.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, việc đa dạng các sản phẩm du lịch, trong đó phát triển sản phẩm du lịch mới như du lịch thể thao sẽ là một trong giải pháp để du khách quay lại Việt Nam nhiều hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần