Cấp, quản lý mã số vùng trồng: Tạo dựng uy tín nông sản Việt

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mã số vùng trồng là “hộ chiếu” giúp nông sản Việt Nam xuất khẩu theo đường chính ngạch. Yêu cầu này đòi hỏi ngành nông nghiệp và các địa phương cần rà soát, đánh giá đúng thực trạng quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, để có giải pháp giám sát, chấn chỉnh phù hợp.

6.500 vùng trồng được cấp mã số xuất khẩu

Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có tới 5 vùng sầu riêng được cấp mã số vùng trồng. Các vùng trồng đều đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy chuẩn xuất khẩu như: Canh tác theo hướng hữu cơ, ghi nhật ký canh tác, sử dụng hệ thống nước tưới, bón phân tự động.

Vùng trồng sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ảnh minh họa
Vùng trồng sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ảnh minh họa

Sau khi được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu, thời điểm hiện tại, sầu riêng của Bà Rịa – Vũng Tàu đã được doanh nghiệp và thương lái chủ động tìm đến hợp tác, thu mua với mức giá cao hơn so cùng kỳ năm trước. Trước sầu riêng, nhãn xuồng cơm vàng và bưởi da xanh của tỉnh này cũng được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.

Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu trái cây lớn của Việt Nam, hoạt động xuất khẩu trái cây chính ngạch qua Trung Quốc nhờ các nghị định thư được ký đã giúp nhiều loại trái cây này hút hàng, tăng giá, mang lại thu nhập tốt cho nhiều nông dân. Theo đó, việc bảo vệ mã số vùng trồng, đóng gói hay đầu tư vào chất lượng trở thành yêu cầu bắt buộc.

Thông tin từ Bộ NN&PTNT cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt gần 1,4 tỷ USD, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi rất nhiều thị trường xuất khẩu như Mỹ, EU sụt giảm, thị trường Trung Quốc lại đang tăng trưởng rất tốt. Hiện nay, để xuất khẩu vào Trung Quốc, nông sản phải được dán chứng nhận mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Vùng trồng khoai lang tím Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long) được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh minh họa
Vùng trồng khoai lang tím Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long) được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh minh họa

Đến nay, cả nước có gần 6.500 vùng trồng tại 53/63 tỉnh, thành phố và 1.600 cơ sở đóng gói tại 33 tỉnh, thành phố được cấp mã số xuất khẩu. Đồng thời, có 25 sản phẩm được cấp mã số xuất khẩu như: Thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, chanh, bưởi, măng cụt, dưa hấu, mít, khoai lang, sầu riêng… tập trung ở các thị trường: Trung Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Thái Lan, UAE, Malaysia...

Việc thiết lập vùng trồng để cấp mã số sẽ bao gồm xác định diện tích, sử dụng thống nhất một quy trình sản xuất trong vùng trồng, kiểm soát các sinh vật gây hại thuộc danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của các nước, có nhật ký canh tác, thực hành nông nghiệp tốt, tối thiểu là theo quy trình VietGAP.

Siết quản lý, giám sát để giảm thiểu rủi ro

Việc xây dựng mã số vùng trồng đã có những kết quả nhất định nhưng vẫn có tình trạng mã số vùng trồng bị gian lận hoặc bị thu hồi đang tăng cao. Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Hoàng Trung cho biết, có hơn 710 mã số vùng trồng đã bị thu hồi. Mã số vùng trồng trên cả nước bị thu hồi tập trung chủ yếu ở các tỉnh: Tiền Giang, Tây Ninh, Lâm Đồng, Bình Thuận…trong đó phần lớn là nông sản xuất khẩu đi Trung Quốc. Nguyên nhân chủ yếu là do không đạt yêu cầu về chất lượng kỹ thuật của nước nhập khẩu.

Bên cạnh đó là do nhiều địa phương chỉ chú ý đến các mã số cấp mới mà chưa quan tâm tới việc duy trì, giám sát các mã số đã cấp. Điều này dẫn đến các vùng trồng cũ không được giám sát nghiêm ngặt, không ghi chép đầy đủ nhật ký canh tác, thường xuyên thiếu nhiều thông tin hay thông tin không thống nhất trong hồ sơ hoặc thực tế kiểm tra. Đáng nói, nhiều mã vùng trồng cũng chưa áp dụng đúng các biện pháp quản lý sinh vật gây hại, chưa có biện pháp quản lý, giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...

Nói về giải pháp nâng cao hoạt động quản lý mã số vùng trồng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, song song với việc thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị sản phẩm từ vùng trồng đến đóng gói, xuất khẩu, Bộ đang tiếp tục phối hợp với địa phương triển khai hiệu quả việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân đăng ký mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để xuất khẩu chính ngạch, giảm dần xuất khẩu tiểu ngạch. Cùng với đó, tăng cường trao đổi thông tin với cơ quan có trách nhiệm của nước nhập khẩu nhằm kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, giảm thiểu rủi ro cho nông sản xuất khẩu.

Về phía doanh nghiệp, hợp tác xã cần có nhận thức đúng về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm và uy tín, thương hiệu trên thị trường. Từ đó chủ động liên kết với vùng trồng, bảo đảm nguồn nguyên liệu chất lượng cao; đồng thời kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất khẩu, không để tình trạng mạo danh mã số cũng như các hành vi vi phạm liên quan đến việc sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sản phẩm.

 

Bộ NN&PTNT vừa có Chỉ thị số 1838/CT-BNN-BVTV về tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu. Nội dung nêu rõ: Các hiệp hội ngành hàng tăng cường tuyên truyền quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, đặc biệt là kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu. Đồng thời, phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật và cơ quan đầu mối tại địa phương hỗ trợ kỹ thuật cho các thành viên tích cực tham gia phát triển mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói tại địa phương phục vụ xuất khẩu.