Cắt giảm điều kiện kinh doanh: Nhanh nhưng phải chất lượng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD) và thủ tục kiểm tra chuyên ngành (KTCN) được Chính phủ đặt trọng tâm cải cách trong năm 2018. Tới đây, Chính phủ sẽ thực hiện được mục tiêu cắt giảm ít nhất 50% và có thể tới trên 60% tổng số ĐKKD hiện hành để đáp ứng mong đợi của cộng đồng DN.

Doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở KH&ĐT Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Bước đầu hoàn thành chỉ tiêu về con số
Theo VPCP, tính đến hết 15/8, (hạn cuối cùng để các bộ, ngành thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng) về cơ bản các Bộ đã trình Nghị định về cắt giảm ĐKKD theo yêu cầu của Chính phủ. Trước đó, thời điểm phiên họp Chính phủ tháng 7, các bộ, ngành mới rà soát, cắt giảm được 738 điều kiện, chiếm 12,5%. Đến đầu tháng 8/2018, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 900/5.905 ĐKKD (chiếm 15,2%). “Các Bộ đang thực hiện rất nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ chậm nhất cũng đã trình dự thảo Nghị định cắt giảm ĐKKD trong ngày 16/8” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Sau khi trình Chính phủ phương án cắt giảm ĐKKD, các bộ, ngành liên quan cần gặp gỡ với các DN để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của các DN và phải nỗ lực cắt giảm ĐKKD mạnh mẽ hơn nữa. Đồng thời, cần phải có phương thức quản lý, giám sát tránh tối đa việc “cắt bỏ rồi lại mọc lên”. 
TS Lê Đăng Doanh
Trong đó, Bộ LĐTB&XH dự kiến cắt hơn 65% số điều kiện; Bộ Y tế cắt hơn 72% số điều kiện; Bộ VHTT&DL dự kiến cắt giảm 54%. Cá biệt, Bộ Xây dựng có đến 89,4% ĐKKD được đề nghị cắt giảm, đơn giản hoá. “Bộ NN&PTNT đề xuất loại 152 nhóm hàng hóa, sản phẩm khỏi Danh mục hàng hóa KTCN thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ (chiếm 60,6% tổng số nhóm hàng phải KTCN hiện nay): Nhóm kiểm dịch, lược bỏ 37/53 nhóm; nhóm kiểm tra chất lượng: Lược bỏ 87/104 nhóm; nhóm kiểm tra ATTP: Lược bỏ 44/94 nhóm… Còn một số vấn đề như một mặt hàng phải chịu sự kiểm tra của nhiều đơn vị sẽ được giao về một đầu mối kiểm tra” - Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), kết quả này ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của các bộ, ngành trong việc rốt ráo thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Tuy vậy, do các dự thảo vừa mới gửi lên, các bộ lại gửi dồn dập trong thời gian ngắn nên chưa có sự thẩm định của các bên liên quan. Sơ bộ, dự thảo các nghị định gửi về cho thấy, tỷ lệ cắt bỏ hẳn ĐKKD bất hợp lý dường như vẫn còn ít so với tỷ lệ sửa đổi.

Còn theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế (VCCI), việc cắt giảm về mặt con số theo mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP cũng như Chỉ thị số 20/CT-TTg là đã đạt được. Mặc dù vậy, đại diện VCCI vẫn cho rằng, kết quả này mới chỉ dừng ở bề mặt, chưa thực sự thay đổi về chất, bởi lẽ, trong quá trình rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, các bộ, ngành đang bỏ quên một số tiêu chí trọng yếu.
 Doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở KH&ĐT Hà Nội.
Đừng mang tính đối phó

Việc cắt giảm ĐKKD đã cho thấy các rào cản đang dần được gỡ bỏ, giúp giảm bớt gánh nặng hành chính, thúc đẩy cạnh tranh công bằng. Tuy nhiên, những con số thống kê này chưa hẳn là “màu hồng”.

Trong dự thảo Bộ Tài chính trình Chính phủ, đề xuất cắt giảm 51,4% tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, trong đó sửa đổi, bổ sung 16 Nghị định thuộc 6 lĩnh vực gồm: Kinh doanh bảo hiểm; kinh doanh chứng khoán; thẩm định giá; hải quan; kế toán, kiểm toán; kinh doanh dịch vụ đòi nợ, xổ số, trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, casino, dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, dịch vụ quản lý quỹ hưu trí tự nguyện. Đối với lĩnh vực kế toán, kiểm toán, dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa 14 ĐKKD…

Tuy nhiên, theo VCCI, dự thảo Nghị định không đưa ra phương án đơn giản hóa, cắt giảm các ĐKKD thuộc lĩnh vực “nóng” là thuế. Về ĐKKD trong lĩnh vực giá, Nghị định chỉ sửa đổi duy nhất một nội dung tại Khoản 1 Điều 18 Nghị định 89/2013/NĐ-CP quy định về tổng số góp vốn công ty thẩm định định giá, còn lại phần lớn các ĐKKD số lượng thẩm định viên về giá, quy trình thẩm định giá chưa được xem xét sửa, bãi bỏ... Bên cạnh đó, ĐKKD xếp hạng tín nhiệm còn bó hẹp.

Được coi là bộ có tốc độ cải cách mạnh mẽ nhất, mới đây, một loạt Sở Công Thương kiến nghị Bộ Công Thương về ĐKKD khí, gas là phải có tài liệu chứng minh đáp ứng các điều kiện về PCCC. Tuy nhiên, căn cứ vào Luật PCCC số 40/2013 và các Nghị định hướng dẫn Luật PCCC thì tài liệu chứng minh việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn PCCC lại quy định rất nhiều điều kiện. Ví như biển báo, sơ đồ, biển chỉ dẫn về PCCC, quy định phân công trách nhiệm PCCC, hệ thống điện, chống sét, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, nguồn nhiệt phải đảm bảo an toàn PCCC.

Rà soát của VCCI cho thấy, dù phần lớn bộ, ngành đã đưa ra phương án cắt giảm, với tỷ lệ sửa đổi, cắt giảm, có thể lên tới ít nhất 50%, nhưng vẫn có sự không giống nhau về góc nhìn, quan điểm ở cùng một vấn đề. Có bộ đồng ý bỏ can thiệp vào phương án kinh doanh của DN, có bộ không. Trong một bộ, có văn bản theo tư duy quản lý hậu kiểm, nhưng có đề xuất lại tư duy tiền kiểm…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPVP Mai Tiến Dũng cho rằng, việc đơn giản hóa TTHC và KTCN cần làm nhanh nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng DN phải đi lại nhiều lần, mất nhiều thời gian. Chính phủ tiếp tục có những chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát lại, đẩy mạnh thực hiện các cải cách. Cùng với đó, để minh bạch, công khai, các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ trong xây dựng chiến lược, các bước triển khai xây dựng và phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số.