Cắt xén diện tích công trình công cộng: Chủ đầu tư “bỏ quên” trách nhiệm

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng sai phạm quy hoạch, cắt xén diện tích xây dựng công trình tiện ích công cộng tại các dự án đô thị mới, nhà chung cư cao tầng xảy ra phổ biến, đặc biệt là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải có chế tài xử lý mạnh tay đối với những chủ đầu tư và cán bộ cơ quan quản lý Nhà nước.

Các dự án nhà chung cư thường bị chủ đầu tư cắt xén phần diện tích xây dựng công trình công cộng. Ảnh: Doãn Thành
Tranh chấp thường xuyên xảy ra
Anh Nguyễn Cường – cư dân dự án Eco Lakeview (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, từ khi dự án đi vào hoạt động, những tranh chấp thường xuyên xảy ra giữa chủ đầu tư với cư dân. “Thời gian đầu đi vào vận hành, chủ đầu tư tự ý đưa ra mức phí một số dịch vụ cao hơn thỏa thuận hợp đồng và mặt bằng chung tại khu vực. Cùng với đó, chủ đầu tư tự ý cắt bớt diện tích khu vui chơi trẻ em trong khuôn viên tòa nhà” – anh Cường cho hay.
Tương tự, Trưởng ban Quản trị tòa nhà A1 (chung cư 54 Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) Nguyễn Đức Tiến cho biết, thời gian qua, người dân nơi đây vô cùng bức xúc về việc chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết đối với cư dân dự án. Từ việc xây dựng các công trình nhà ở không đúng mật độ, cho đến việc cắt xén diện tích xây dựng các công trình tiện ích công cộng. “Chúng tôi đã nhiều lần đấu tranh về việc diện tích nhà sinh hoạt cộng đồng bị chủ đầu tư tự ý thay đổi vị trí và cắt xén bớt diện tích, tuy nhiên, sự việc vẫn chưa có hồi kết” – ông Tiến nói.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp chủ đầu tư các dự án nhà chung cư cao tầng, khu đô thị mới đã cố tình bỏ quên trách nhiệm của mình đối với cư dân, khiến cho những căng thẳng, tranh chấp diễn ra một cách thường xuyên, ảnh hưởng đến tâm lý người dân và gây ra nguy cơ mất an ninh, trật tự.
Xử lý nghiêm cán bộ sai phạm
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua, trên địa bàn Thủ đô xảy ra nhiều vụ việc tranh chấp tại các dự án nhà chung cư, nổi cộm lên có liên quan đến vấn đề: Quỹ bảo trì (2%), tranh chấp sở hữu chung – sở hữu riêng. Trong đó, phần sở hữu chung bao gồm cả diện tích xây dựng các công trình tiện ích công cộng, như khu vui chơi, khuôn viên cây xanh, nhà sinh hoạt cộng đồng... “Những tranh chấp này xảy đến từ việc một số chủ đầu tư xây dựng dự án không đúng quy hoạch, giấy phép thiết kế... dẫn đến việc thiếu diện tích công trình công cộng. Khi cơ quan chức năng tiến hành thẩm định thì rất khó để chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ. Vì vậy, một số công trình đã đi vào hoạt động nhiều năm mà chủ đầu tư vẫn không thể bàn giao được sổ đỏ cho cư dân” – ông Dũng cho hay.
Ở khía cạnh khác, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam, KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, để ngăn chặn vấn nạn vi phạm quy hoạch, xây dựng sai thiết kế thì cần phải xử lý tận gốc của vấn đề. Vì thực tế, các DN rất sợ pháp luật nên nếu làm sai có thể do có sự “bật đèn xanh” của một số cán bộ, lãnh đạo. “Cần phải xử lý nghiêm một số cán bộ, lãnh đạo trong cơ quan Nhà nước khi để xảy ra những vi phạm trên của DN. Từ việc điều chỉnh quy hoạch một cách vô tội vạ, cho đến việc buông lỏng quản lý để DN sai phạm gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân” – ông Tùng nhận định.
Số liệu từ Bộ Xây dựng, tính đến hết quý II/2020 cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1 - 6 lần, có dự án tới 9 lần. Trong đó phần lớn là cơi nới tầng, chia nhỏ diện tích căn hộ, giảm diện tích cây xanh hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần