Catalonia đòi tách khỏi Tây Ban Nha: Châu Âu cũng nín thở

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau “cú shock” Brexit, việc Catalonia đòi độc lập tiếp tục là đòn giáng mạnh đến tính thống nhất của Liên minh châu Âu (EU).

Vừa qua, Thủ hiến vùng Catalonia Carles Puigdemont đã quyết định lùi phiên họp dự kiến tuyên bố độc lập sang ngày 10/10. Quyết định chính thức hiện vẫn còn phải chờ đợi nhưng những hậu quả kinh tế để lại cho cả Tây Ban Nha, Liên minh châu Âu (EU) và xứ Catalonia đã nhãn tiền.
 Người ủng hộ Catalonia độc lập biểu tình kín đường phố.
Ngày 1/10 vừa qua, bất chấp sự phản đối của chính quyền trung ương Tây Ban Nha, các nhà lãnh đạo vùng Catalonia đã tổ chức cuộc trưng cầu ý dân đòi tách ra khỏi Tây Ban Nha, đẩy nước này vào một cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Bất chấp việc Chính phủ Tây Ban Nha và Tòa án Tòa án Hiến pháp khẳng định cuộc trưng cầu ý dân này là hành động vi hiến, Thủ hiến Puigdemont cho biết ông sẽ đơn phương tuyên bố độc lập cho Catalonia sau phiên họp của cơ quan lập pháp vùng Catalonia.
Đóng góp tới 1/5 tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 1/4 tổng lượng xuất khẩu và hơn 1/2 giá trị đầu tư doanh nghiệp khởi nghiệp trong năm 2016, việc Catalonia tách khỏi Tây Ban Nha sẽ khiến tài chính quốc gia này đi xuống và gia tăng bất ổn.
Nếu Catalonia đơn phương tuyên bố độc lập, khu vực này có thể từ chối chịu trách nhiệm với phần nợ quốc gia đang gánh. "Dù kinh tế Tây Ban Nha đến nay chưa chịu ảnh hưởng lớn, niềm tin tiêu dùng và doanh nghiệp cũng sẽ suy giảm nếu Catalonia tách ra", Stephen Brown - nhà kinh tế học tại Capital Economics nhận xét.
 Một người biểu tình trước trụ sở của EU tại Brussels, Bỉ.
Dù vậy, nếu "ra riêng", khu vực này cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, mà trước tiên là việc mất quyền thành viên trong Liên minh châu Âu (EU). Nếu Catalonia tự nộp đơn vào EU, họ sẽ phải thuyết phục được các thành viên hiện tại đồng ý, trong đó có Tây Ban Nha. "Sẽ không có nhiều khả năng Catalonia tách thành nước độc lập mà vẫn là thành viên EU như phần lớn người ủng hộ mong muốn", các nhà kinh tế học tại Berenberg Bank nhận xét. Bên cạnh đó, rời khỏi khối này cũng có thể khiến chi phí xuất khẩu của Catalonia sang các nước khác cao hơn. Rời khỏi khối cũng đồng nghĩa với việc Catalonia nằm trong nhóm nước nhỏ không thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tức là phải đối mặt với nhiều rào cản thương mại hơn hiện tại. Động thái này cũng sẽ làm tăng giá hàng nhập khẩu vào Catalonia và gây ra mất việc làm, ông Stephen Brown nói thêm.
Gần đây nhất, nhiều công ty và ngân hàng lớn đã quyết định dời trụ sở tại Bacerlona do lo ngại ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng. Caixabank, ngân hàng lớn thứ 3 Tây Ban Nha, đã quyết định chuyển trụ sở sang thành phố Valencia. Cùng ngày, công ty Gas Natural - một trong 3 "ông lớn" trong lĩnh vực khí đốt và điện của Tây Ban Nha cũng tuyên bố sẽ di dời trụ sở từ Barcelona tới Madrid. Đại diện Gas Natural khẳng định, trụ sở của công ty sẽ tiếp tục đặt tại Madrid chừng nào tình trạng “không chắc chắn về pháp lý” tiếp diễn.
Còn về tầm châu lục, sau “cú shock” Brexit, việc Catalonia đòi độc lập cũng là một đòn giáng mạnh đến tính thống nhất của EU. Mục tiêu hội nhập, tiêu chống lại chủ nghĩa phi tự do và chủ nghĩa dân tộc mà EU đặt ra và nỗ lực giữ vững đang gặp khó khăn, nhà bình luận người Pháp Natalie Nougayrede nhận định. Những tưởng sau chiến thắng của Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Macron, 2 nhà lãnh đạo ủng hộ hội nhập, chủ nghĩa dân tộc có phần lắng xuống thì nay châu Âu lại phải đối mặt với ý định đòi ly khai từ Tây Ban Nha. "Đối với châu Âu và cả nền dân chủ Tây Ban Nha, ngày 10/10 tới đây sẽ là một bài kiểm tra quan trọng", ông Nougayrede nói.