Cầu Giấy - hiệu quả trong đổi mới giáo dục

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, giáo dục quận Cầu Giấy đã có nhiều đổi thay.

Luôn trong top đầu của ngành giáo dục Thủ đô

Cầu Giấy là vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời, Nhân dân Cầu Giấy vốn có truyền thống hiếu học, trong đó làng Hạ Yên Quyết (thuộc phường Yên Hòa) với 11 tiến sĩ qua các triều đại, đã trở thành một trong 20 “Làng khoa bảng” của Việt Nam thời kỳ phong kiến và là một trong 5 “Làng khoa bảng” tiêu biểu của đất Kinh kỳ ngàn năm văn hiến. Nhằm phát huy truyền thống khoa bảng, cũng như thực hiện tốt Nghị quyết 29-NQ/TƯ, trong những năm qua, quận Cầu Giấy luôn quan tâm, ưu tiên đầu tư ngân sách cho công tác GD&ĐT. Cụ thể, hàng năm, ngân sách đầu tư cho GD&ĐT luôn duy trì từ 70 - 75% tổng mức đầu tư của quận.

Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh, tặng hoa, chúc mừng cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh Trường Tiểu học Yên Hòa nhân kịp khai giảng năm học mới 2023 – 2024. Ảnh: Công Trình
Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh, tặng hoa, chúc mừng cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh Trường Tiểu học Yên Hòa nhân kịp khai giảng năm học mới 2023 – 2024. Ảnh: Công Trình

Trong 10 năm trở lại đây, quận đã đầu tư xây dựng mới và xây dựng lại 14 trường học với tổng kinh phí là 2.527 tỷ đồng; đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng 6 trường học với tổng kinh phí là 652 tỷ đồng. Ngoài ra, quận Cầu Giấy đã đầu tư gần 57 tỷ đồng phục vụ mua sắm tài sản cho các trường. Đồng thời, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng trường học theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa, đạt chuẩn quốc gia và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho GD&ĐT; chú trọng xây dựng mạng lưới trường, lớp hợp lý, bảo đảm đủ trường lớp học cho tất cả học sinh các cấp học trên địa bàn...

Cũng trong giai đoạn này, quận đã tiếp nhận 208 giáo viên giỏi và 454 sinh viên tốt nghiệp giỏi, thủ khoa xuất sắc… về công tác tại quận. Đặc biệt, thực hiện Đề án vị trí việc làm của TP, trong năm 2016, toàn quận đã tiến hành rà soát vị trí việc làm, sắp xếp, tạo nguồn đội ngũ cán bộ quản lý, tránh tình trạng thừa, thiếu cục bộ. Thực hiện việc chuyển ngạch, lương sang chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức theo đúng các văn bản hướng dẫn. Khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên được đi đào tạo sau đại học để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; cử 10 cán bộ quản lý, giáo viên đi học sau đại học bằng nguồn ngân sách của TP với tổng kinh phí gần 600 triệu đồng...

 

Tại thời điểm năm 2013 – thời điểm Nghị quyết 29-NQ/TƯ có hiệu lực, quận Cầu Giấy mới chỉ có 69 trường học với 43.343 học sinh và 2.465 giáo viên thì đến nay, toàn quận đã có 102 trường học với 79.540 học sinh, 4.737 cán bộ quản lý, giáo viên.


Nhờ đó, trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ, chất lượng giáo dục toàn diện của quận luôn ở vị trí dẫn đầu của TP với kết quả 14 năm liên tiếp dẫn đầu TP về kết quả thi vào lớp 10 THPT, nhiều năm dẫn đầu TP về kết quả thi học sinh giỏi lớp 9; chất lượng giáo dục mũi nhọn đạt được thành tích đáng tự hào.

Ngoài ra, các hoạt động, phong trào thi đua trong các trường học được tổ chức sôi nổi, thiết thực, ý nghĩa; nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả được triển khai sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Việc xây dựng xã hội học tập, công tác khuyến học, khuyến tài được chú trọng; quan tâm đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác quốc tế trong GD&ĐT đồng thời chú trọng công tác truyền thông, lan tỏa những tấm gương nhà giáo, học sinh tiêu biểu trong quá trình thực hiện công tác giáo dục.

Ưu tiên nguồn lực cho phát triển giáo dục, đào tạo

Theo Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND quận Cầu Giấy Nguyễn Văn Chiến, trong những năm tới, đầu tư cho GD&ĐT, phát triển nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ luôn là nhiệm vụ được quận Cầu Giấy quan tâm chỉ đạo, thực hiện.

Cụ thể, quận Cầu Giấy sẽ tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp đồng bộ giữa MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các phòng ban ngành đối với công tác giáo dục. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân về giáo dục. Quan tâm xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo mẫu mực, tâm huyết, trách nhiệm, thực sự là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo...

Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tăng cường giáo dục cho học sinh; tăng cường giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, giáo dục văn hóa giao thông; quan tâm hơn nữa tới giáo dục thể chất cho học sinh. Tiếp tục đổi mới phương pháp giáo dục theo hướng hiện đại nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chú trọng mũi nhọn và lợi thế của quận trong việc bồi dưỡng học sinh giỏi ở các cấp học. Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về GD&ĐT nhằm tranh thủ các nguồn lực, vận dụng có chọn lọc và sáng tạo kinh nghiệm các mô hình giáo dục tiên tiến.

Cùng với đó, quận sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới trường học và các cơ sở GD&ĐT trên địa bàn quận. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị giáo dục và đổi mới phương pháp dạy học. Tăng cường đổi mới phương pháp dạy học gắn với triển khai chương trình, sách giáo khoa mới. Tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động của ngành giáo dục. Đẩy mạnh xã hội hóa và tăng cường tự chủ trong các cơ sở giáo dục...

Đặc biệt, để các nhà giáo yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp trồng người, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Cầu Giấy Nguyễn Văn Chiến kiến nghị Bộ GD&ĐT điều chỉnh chế độ lương và xếp lương theo bằng cấp đào tạo, có chính sách nhằm thu hút học sinh giỏi vào học trong các trường sư phạm. Có cơ chế bảo lưu chế độ cho nhà giáo khi được điều động công tác về các cơ quan quản lý giáo dục. Đồng thời, nghiên cứu lại một số tiêu chí đánh giá để bảo đảm phù hợp hơn với thực tế như tiêu chí quy định về sĩ số học sinh/lớp.