Cầu Khe Leng (Quảng Nam) đã nghiệm thu nhưng vẫn chưa xong?

Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công trình cầu Khe Leng là một trong những hợp phần của Dự án đường giao thông nối xã Zuôih (huyện Nam Giang) với xã Lăng (huyện Tây Giang) tỉnh Quảng Nam.

Dự án đầu tư từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa được nối nhịp thông tuyến. Điều đáng nói là cây cầu này đã được nghiệm thu “khống” khối lượng và giải ngân hết từ tháng 10/2016.
PV Báo Kinh tế & Đô thị trao đổi với ông Thái Minh Hoàng - Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.
Nhiều lần điều chỉnh vốn vẫn không xong
Dự án đường giao thông nối xã Zuôih (huyện Nam Giang) với xã Lăng (huyện Tây Giang) được UBND tỉnh Quảng Nam được phê duyệt đầu tư xây dựng tại Quyết định 1556/QĐ-UBND, ngày 14/5/2010 với tổng mức đầu tư 370.510.000.000 đồng; trong đó, riêng cầu Khe Leng có tổng giá trị xây lắp theo hợp đồng ban đầu là 18.211.452.000 đồng. Tuy nhiên, qua các lần điều chỉnh cho đến nay, giá trị xây lắp theo phụ lục ký kết là 21.061.162.000 đồng.
Để tìm hiểu những vướng mắc của công trình này, PV Báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với ông Thái Minh Hoàng - Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA đầu tư xây dựng huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, trong quá trình triển khai xây dựng, do nhiều lần điều chỉnh về mặt địa chất, phải thay đổi biện pháp thi công và vướng một số khó khăn trong giải tỏa đền bù.
Đặc biệt, từ năm 2014 thủy điện Sông Bung 4 đắp đập tích nước, đã gây ngập sâu khu vực dự án, buộc nhà thầu phải ngừng thi công để thay đổi biện pháp thi công từ thi công cạn sang thi công trong điều kiện ngập nước (với độ ngập sâu hơn 10m). Cùng với đó, khu vực dự án là địa bàn miền núi, mùa mưa kéo dài, đường vào dự án (đường đất) phải băng qua hơn 10km đường đồi núi lầy lội, nên việc lưu thông, vận chuyển, tập kết vật liệu rất khó khăn. Đặc biệt, vào thời điểm từ tháng 10/2016 đến đầu 2017, mưa lớn kéo dài phải tạm ngừng thi công công trình.
 
“Với việc phải thay đổi biện pháp thi công từ thi công cạn sang thi công trong điều kiện ngập nước và do thời gian thi công bị mưa lớn làm ảnh hưởng, kéo dài đã phát sinh thêm nhiều chi phí, trong đó có chi phí giá cả leo thang sau năm 2010 nên nhà thầu công trình là Công ty CIT đã liên tục phản ánh, đề nghị thay đổi giá để bù lỗ. Đồng thời, nhà thầu chính cũng đề xuất tìm nhà thầu phụ đủ năng lực thi công dưới nước.
Trong các đề xuất này, đáng nói đơn giá chi phí của dự án đã được tính toán, phê duyệt của cơ quan chức năng tính theo thời điểm 2010 trúng thầu, do đó không thể thay đổi được. Vì vậy, nhà thầu đã không quyết liệt đẩy nhanh tiến độ dự án” - ông Thái Minh Hoàng chia sẻ.
 
Trước thực tế đó, nhiều lần Ban QLDA và UBND huyện Nam Giang có tờ trình gửi UBND tỉnh Quảng Nam xin điều chỉnh biện pháp thi công và giá cả để phù hợp với thực tế kéo dài thời gian. Trên cơ sở đề nghị của Ban QLDA và UBND huyện Nam Giang, ngày 30/3/2016, UBND tỉnh Quảng Nam đã đồng ý tại Quyết định số 457/QĐ-UBND để nhà thầu chính là Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Du lịch (Công ty CIT) bổ sung nhà thầu phụ là Công ty An Trung tiếp nhận khối lượng công trình còn lại đang dở dang trong điều kiện toàn bộ 3 trụ cầu đang xây dựng đều ngập nước với độ sâu từ 10 - 20m (trụ thứ 4 chưa xây dựng). Ban QLDA và UBND huyện Nam Giang đã liên tục làm việc, động viên nhà thầu và các đơn vị có liên quan tập trung nhân lực, thiết bị để đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình.
 
“Mặc dù có nhiều khó khăn do nước ngập sâu khiến việc đúc trụ dưới nước tốn kém nhiều và thời gian kéo dài trong điều kiện thời tiết có mưa lớn, nhất là từ cuối năm 2016 sang 2017, khiến đường đi lại, vận chuyển, tập kết nguyên vật liệu xây dựng rất khó khăn. Đặc biệt, giá hợp đồng thiết bị chuyên dụng cao nhưng nhà thầu phụ cũng đã có nhiều cố gắng hoàn thành được nhiều khối lượng cơ bản (đến nay đã hoàn thành 70% khối lượng công trình) như đúc xong toàn bộ 16 dầm, hoàn thành 2 mố cầu và 3 trụ đến cao trình gát dầm (hiện chỉ còn 4 dầm nhịp 4 chưa gát).
Để đôn đốc tiến độ dự án, Ban QLDA và UBND huyện Nam Giang đang yêu cầu nhà thầu tiếp tục tập trung hoàn thành khối lượng công trình còn lại như: Lao 4 dầm, thi công cơ bản mặt cầu nhịp 4, lan can tay vịn, kè 2 bên mố và đường dẫn vào cầu với giá trị còn lại hơn 2 tỷ đồng”- ông Thái Minh Hoàng cho biết thêm.
Thừa nhận có sai phạm
Trả lời câu hỏi của PV, vì sao mặc dù công trình chưa hoàn thành nhưng huyện vẫn cho tiến hành nghiệm thu, thanh toán số tiền hơn 2 tỷ đồng với nhà thầu? Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Nam Giang Thái Minh Hoàng cho biết: Việc nghiệm thu, thanh toán khi nhà thầu chưa hoàn thành công trình là không đúng, sai với quy định về công tác thanh toán vốn đầu tư. Tuy nhiên, việc này không vì mục đích nào khác ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi để nhà thầu chủ động trong việc triển khai hoàn thành khối lượng công trình nhanh hơn, đảm bảo tiến độ hoàn thành công trình là cuối quý 1/2019.
 
“Ban Quản lý dự án chúng tôi đã nhận sai sót này trước UBND huyện và đã báo cáo, nhận sai sót với UBND tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, nếu thanh tóan theo quy định thì vốn còn lại của năm 2016 (nguồn vốn chuyển từ năm 2015 sang) sẽ bị cắt mà cầu không hoàn thành thì trách nhiệm lại càng lớn hơn” - ông Thái Minh Hoàng thanh minh.
Cũng theo ông Thái Minh Hoàng, biện pháp mà huyện đang tiến hành là động viên, đốc thúc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ công trình đảm bảo hoàn thành vào cuối quý 1/2019. Hiện nhà thầu vẫn đang tiếp tục thi công và đang triển khai lao dầm nhịp 4 (nhịp cuối cùng của cầu), đồng thời tiến hành thi công các công trình phụ còn lại, dự kiến sẽ hoàn thành công trình trong quý 1/2019 như yêu cầu.
 
Chiều 31/10 vừa qua, chúng tôi vượt gần 70km đường núi từ trung tâm huyện Nam Giang vào Khe Leng (xã Zuôih) để trực tiếp “mục sở thị”. Khi đến nơi, trước mắt chúng tôi là quang cảnh công trường khá vắng lặng. Tại đây, bảo vệ công trình cho hay, các công nhân làm việc đã nghỉ từ hôm 30/10 để về tìm thêm người làm. Từ ngày 1/11 sẽ trở lại công trình để bắt lao dầm nhịp 4 và hoàn thành mặt cầu cũng như các công trình phụ trợ khác có liên quan.
Theo báo cáo của Ban QLDA và UBND huyện Nam Giang gửi UBND tỉnh Quảng Nam (ngày 29/10 vừa qua), công trình cầu Khe Leng lại tiếp tục gặp khó khăn mới mà nguyên nhân cũng xuất phát từ việc giá cả leo thang trong khi vẫn áp giá theo mức giá thầu của năm 2010. Cụ thể, từ đầu năm 2018, đơn vị cho thuê thiết bị lao dầm do khó khăn về đơn giá thấp và thời tiết mưa nhiều cuối năm 2017 nên đã rút thiết bị. Vì thế, nhà thầu chính là Công ty CIT đã phải tìm đơn vị cho thuê thiết bị lao dầm mới, đồng thời sửa chữa bảo đảm giao thông để vận chuyển thiết bị lao dầm phục vụ việc thi công nên dự án tiếp tục có nguy cơ kéo dài thêm.