Cầu truyền hình đặc biệt "Hồn thiêng sông núi"

Tú Anh-Thủy Tiên-Văn Trọng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 22/7, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017), Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ TP Hà Nội phối hợp với Đài PT-TH Hà Nội thực hiện chương trình nghệ thuật, cầu truyền hình “Hồn thiêng sông núi”.

Đến dự chương trình tại điểm cầu Quảng trường Cách mạng Tháng Tám có Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn; Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng; Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Thuận; Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc; Chủ tịch MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh.
 Các đại biểu tham dự chương trình cầu truyền hình ''Hồn thiêng sông núi'' tối 22/7 tại Quảng trường Cách mạng Tháng 8.

Tại điểm cầu xã Hòa Xã, huyện Ứng Hòa có sự tham dự của Phó Chủ tịch Quốc Hội Đỗ Bá Tỵ; Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn; Các đồng chí là lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể TP; các lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, gia đình liệt sĩ tiêu biểu.

 
Cầu truyền hình “Hồn thiêng sông núi” được diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 22/7 tại 2 điểm cầu là Quảng trường Cách mạng Tháng Tám và xã Hòa Xá (Huyện Ứng Hòa – Hà Nội). Ban tổ chức cho biết chọn điểm cầu Quảng trường Cách mạng Tháng Tám là vì vào chiều ngày 28/5/1946, một cuộc họp quan trọng bàn về công tác giúp đỡ các chiến sĩ diễn ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới dự. Đến ngày 11/7/1946, tại Nhà hát Lớn đã tổ chức buổi quyên góp quần áo, giầy mũ cho các chiến sĩ ngoài chiến trường, mở đầu cuộc vận động “Mùa đông chiến sĩ”. Cũng tại đây, Hồ Chủ Tịch đã cởi chiếc áo rét đang mặc để tặng chiến sĩ. Và đó chính là tiền đề để 1 năm sau, Người ra chỉ thị lấy 27/7 làm Ngày Thương binh-Liệt sĩ.
 Hoạt cảnh về liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi.
Điểm cầu Hòa Xá (Ứng Hòa – Hà Nội) đây chính là nơi mà huyền thoại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước -“Chiếc gậy Trường Sơn” ra đời. Chính nơi đây trở thành biểu tượng cho lòng quyết tâm của một thế hệ thanh niên Việt Nam “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, "Vai đeo 25 cân, chân đi ngàn dặm, vượt suối băng ngàn, sẵn sàng nhập ngũ"...
Điểm nhấn của cầu truyền hình đặc biệt “Hồn thiêng sông núi” là ngoài các tiết mục nghệ thuật đặc sắc. Xen kẽ các câu chuyện là những phóng sự, những hoạt cảnh kể về những nhân vật anh hùng, liệt sĩ như bác sĩ Vũ Đình Tụng, vị Bộ trưởng bộ Thương binh cựu binh đầu tiên của nước ta, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, 10 cô gái hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc…
Bên cạnh đó, chương trình cũng quy tụ những nghệ sĩ tên tuổi như NSƯT Tấn Minh, ca sĩ Khánh Ly, Xuân Hảo, Phạm Thu Hà, nhóm FM Band, nhóm Bel Canto…
Bằng ngôn ngữ nghệ thuật và ký ức chân thật của các nhân chứng lịch sử, cầu truyền hình “Hồn thiêng sông núi” sẽ góp phần tiếp tục thắp lên ngọn lửa truyền thống yêu nước, truyền thống anh hùng trong mỗi người, tiếp tục tỏa sáng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Đúng 20 giờ, chương trình được mở đầu bằng đoạn phim tài liệu về hoàn cảnh ra đời ngày lễ kỉ niệm 27/7.
 Đoạn phim đề cập tới ca mổ lịch sử của bác sỹ Vũ Đình Tụng cho con trai và sau đó con trai của bác sĩ vì vết thương quá nặng đã không thể qua khỏi. 
 Tiết mục văn nghệ tại chương trình.
 Hoạt cảnh về liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi.
 Tiết mục ''Dáng đứng Việt Nam''
 
 
 Cùng với các đại biểu, chiến sĩ còn có hơn 1000 người dân Thủ đô tập trung tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám để theo dõi chương trình.
 Phim tư liệu về bức ảnh vụ hành quyết Sài Gòn từng đạt giải báo chí Pulitzer được trình chiếu. 
 Bức ảnh hành quyết chiến sĩ Nguyễn Văn Lém đã đi vào lịch sử.
20 giờ 58 phút, trời đổ mưa lớn nhưng chương trình vẫn tiếp tục. Nhiều người dân vẫn đứng từ xa để theo dõi chương trình.
 Ca khúc ''Cúc ơi'' tái hiện lại hình ảnh 10 cô gái thanh niên xung phong đã hi sinh tại Ngã ba Đồng Lộc
 Hoạt cảnh tái hiện hình ảnh của các mẹ Việt Nam Anh hùng tại điểm cầu Bảo tàng Chiếc gậy Trường Sơn, xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa.
 Hoạt cảnh cảm động về ba chiến sĩ Quyết,Chiến, Thắng.
 Nhạc sĩ Trương Quý Hải trình bày ca khúc do chính ông sáng tác ''Về đây đồng đội ơi''.

Sau khi thể hiện tác phẩm "Về đây đồng đội ơi" với một niềm tri ân sâu sắc, nhạc sĩ Trương Quý Hải xúc động chia sẻ: Trong một lần chôn người đồng đội của mình hy sinh thì thấy mảnh giấy trong túi áo của anh thẫm máu. Bên trong có dòng chữ: "Mẹ kính yêu!". Phía dưới chưa kịp viết chữ nào chỉ có màu mực nhòe đi vì máu. Đêm đó, tôi đã viết tiếp bức thư của người đồng đội bằng những câu hát… Tuy trận Vị Xuyên, Hà Giang đã qua đi nhưng đối với những người lính còn sống trở về như chúng tôi sẽ không bao giờ quên đồng đội của mình. Đó là thời sống đẹp nhất của chúng tôi khi được cống hiến tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Chia sẻ về ý tưởng sáng tác tác phẩm “Về đây đồng đội ơi!”, nhạc sỹ Trương Quý Hải cho biết: Bên cạnh những anh em đã được quy tập hài cốt yên nghỉ tại nghĩa trang, vẫn còn hơn 2000 anh em nằm lại nơi chiến trường, xương cốt của các anh đã hóa vào đất biên cương. Trong lễ lập đài hương 100 ngày cho các anh, tôi không thể có mặt ở đó. Tôi cảm thấy rất có lỗi với anh em. Tôi nghĩ rằng nếu đài hương đặt ở đó thì chúng tôi những người còn sống sẽ nói gì với anh em đã hy sinh. Và câu hát “Về đây đồng đội ơi” đã vang lên…sau đó bài hát được hoàn thành. Tôi hát bài này dành tặng cho những chiến sỹ ở trận Vị Xuyên nói riêng và với các anh em chiến sỹ biên giới nói chung...

Cầu truyền hình kết thúc lúc 10 giờ tối 22/7.