CETA: Điểm sáng giữa làn sóng phản đối toàn cầu hóa

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quốc hội châu Âu đã thông qua Hiệp định Thương mại và Kinh tế toàn diện giữa Liên minh châu Âu (EU) và Canada (CETA).

Trong bối cảnh làn sóng phản đối toàn cầu hóa đang gia tăng, CETA là lựa chọn lý tưởng cho chính quyền Ottawa và Brussel để tiếp tục theo đuổi tự do thương mại và gây dựng uy tín trong khu vực.

Hôm 15/2, Nghị viện châu Âu (EP) bắt đầu bỏ phiếu thông qua CETA trong phiên họp toàn thể, bước quan trọng để hiệp định này đi vào hiệu lực. Thỏa thuận dự kiến sẽ giúp cắt giảm tới 90% hàng rào thuế quan đối với hàng hóa và dịch vụ của hai bên. Một ngoại lệ đáng chú ý là cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước (ISDS), theo đó quy định những phương thức để các DN có thể kiện ngược chính phủ khi quyết định của nhà nước ảnh hưởng tới khoản đầu tư của họ. Nhưng cơ chế này không có hiệu lực ngay lập tức, và có thể không bao giờ có hiệu lực. Giới quan sát EU cho rằng sẽ không quá khó khăn để CETA qua cửa nghị viện EP vì đã đủ số phiếu ủng hộ hiệp định này. 

 Thủ tướng Canada Justin Trudeau

Tuy nhiên, tiếp nối chuyến thăm mang tính thận trọng và thăm dò tới Mỹ, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng tiếp tục công du một loạt nước châu Âu, như động thái "rải đường" cho những khâu cuối cùng của CETA. Thủ tướng Trudeau đã rời Thủ đô Ottawa trưa 15/2 để bay sang TP Strasbourg của Pháp, nơi ông có bài phát biểu về tự do thương mại tại phiên họp của EP. Tiếp đó, trong 2 ngày 16 - 17/2, Thủ tướng Trudeau sẽ sang thăm Đức và có cuộc hội đàm với Thủ tướng Angela Merkel để thảo luận về “các ưu tiên thương mại và chính sách ngoại giao quan trọng”. Trong phát biểu trước đó, Đại sứ Đức tại Canada Werner Wnendt cho biết, cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo sẽ là sự khẳng định mang tính biểu tượng về những giá trị chung giữa hai bên trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy và có nhiều thay đổi đang diễn ra tại Mỹ kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền.

Trước đó, hôm 25/1, CETA đã vượt qua rào cản lớn khi các nghị sỹ của Ủy ban thương mại thuộc EP quyết định ủng hộ với 25 phiếu thuận, 15 phiếu chống. Nếu được thông qua ở phiên họp toàn thể EP, hiệp định có thể đi vào áp dụng tạm thời ngay từ tháng 4 tới và đem những cơ hội tại thị trường bên kia bờ Đại Tây Dương cho các DN châu Âu.

Trong bối cảnh Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) bị Tổng thống Trump phản đối mạnh mẽ và rút Mỹ khỏi hiệp định ngay trong ngày đầu nhậm chức, Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đứng trước nguy cơ tái đàm phán thì CETA trở thành "kế hoạch B" khả dĩ nhất của Canada. Đối với EU, việc đạt được hiệp định thương mại đầu tiên với một nền kinh tế trong nhóm G7 cũng có vai trò quan trọng, sau khi uy tín của khối này giảm sút vì sự kiện Brexit. Ý nghĩa không chỉ dừng lại ở một hiệp định với Canada, đối tác thương mại lớn thứ 12 của EU. Nếu CETA được EP thông qua và ký kết chính thức, khả năng ký kết các hiệp định tương tự với Mỹ hay Nhật của EU cũng sẽ lớn hơn, tạo động lực phát triển kinh tế cho Lục địa già.