Bạo lực học đường từ vụ nữ sinh lớp 10 tự tử:

Cha mẹ, thầy cô hãy dạy trẻ cách yêu thương bản thân

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi– Khi có bạo lực học đường xảy ra, dư luận thường có chiều hướng cho rằng, trách nhiệm hoàn toàn thuộc về nhà trường. Theo các chuyên gia giáo dục, quan điểm trên là phiến diện bởi bên cạnh nhà trường, học sinh còn sống trong môi trường gia đình và môi trường xã hội.

Nhà trường không phải là ốc đảo

Liên tiếp các vụ bạo lực học đường (BLHĐ) xảy ra thời gian gần đây, đặc biệt là vụ việc nữ sinh lớp 10 Trường THPT chuyên ĐH Vinh tự tử nghi do bị BLHĐ kéo dài và mới đây là vụ nữ sinh Trường THCS Xuân Nộn, huyện Đông Anh bị đánh hội đồng khiến dư luận dậy sóng.

Nữ sinh GTC, Trường THCS Xuân Nộn, huyện Đông Anh- một nạn nhân của vụ bạo lực mới xảy ra (Ảnh: GĐCC)
Nữ sinh Trường THCS Xuân Nộn, huyện Đông Anh- một nạn nhân của vụ bạo lực mới xảy ra (Ảnh: GĐCC)

Vì sao BLHĐ xảy ra ngày càng nhiều và không có xu hướng dừng lại? Trả lời câu hỏi này, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) phân tích: Chúng ta không thể cho tất cả các vụ BLHĐ vào làm một mà cần phân biệt từng trường hợp, từng dạng khác nhau: Có loại bạo lực bằng nắm đấm, có loại bạo lực bằng lời nói, thái độ và cũng có loại bạo lực kết hợp cả hai yếu tố này.

“Dù xã hội phát triển và kinh tế đi lên nhưng hệ đạo đức lại đang đi xuống, bị suy thoái. Đây là thực trạng đáng buồn của cả hệ thống quản lý xã hội nói chung, không riêng gì giáo dục. Và rõ ràng, trường học không phải là ốc đảo. Khi tình trạng suy thoái đạo đức xảy ra ở khắp nơi thì dĩ nhiên, nó cũng lan vào trường học” - TS Lê Viết Khuyến cho hay.

Một ngày có 24 tiếng. Học sinh đến trường khoảng 8 tiếng, còn lại là ở nhà và sống trong môi trường xã hội. Vì vậy, xã hội bạo lực thì trường học sẽ có bạo lực. Gia đình có bạo lực bạo lực cũng xảy ra trong nhà trường.

Theo TS Lê Viết Khuyến, nhiều tình huống bạo lực xảy ra ngoài xã hội mà học sinh nhìn thấy như: Hai người lớn xảy ra va chạm giao thông, họ sẵn sàng giải quyết bằng bạo lực. Không ít gia đình, bố mẹ cãi vã, chửi bới, thậm chí là đánh nhau hay trong bữa cơm tối, chuyện đánh nhau, tiêu cực, bắt bớ nào đó được người lớn mang ra nói lại; chưa kể trên mạng xã hội đầy rầy các clip, phim ảnh bạo lực đẫm máu… Những điều đó ảnh hưởng rất nhanh chóng và sâu sắc đến với đứa trẻ.

Các chuyên gia đều cho rằng, khó có thể ngăn chặn bạo lực tràn vào nhà trường khi người lớn vẫn có bạo lực và có nơi, có lúc vẫn thờ ơ với bạo lực, thấy bạo lực thì lảng đi không can thiệp và dạy con không quan tâm, không can ngăn nếu bạn đánh nhau.

TS Lê Viết Khuyến nêu quan điểm: Muốn ngăn ngừa bạo lực trong nhà trường, phải có sự chấn chỉnh từ xã hội, có sự tham gia của nhiều tổ chức đoàn thể chứ không riêng ngành giáo dục và đó phải là một hành trình rất dài, rất nan giải, không thể nói suông mà phải hành động, phải thay đổi nhận thức, có quyết tâm phê phán, thậm chí phải đưa pháp luật vào giải quyết.

Quan trọng nhất là yêu thương bản thân

BLHĐ là tình huống bất ngờ, khó kiểm soát. Vụ việc đau xót của nữ sinh lớp 10 Trường THPT chuyên ĐH Vinh xảy ra, nguyên nhân có thể do bị chấn thương tâm lý do bạo hành; hay vụ nữ sinh Trường THCS Xuân Nộn, huyện Đông Anh bị đánh hội đồng do mâu thuẫn cho thấy, các em bị bạo lực không chỉ một lần, trong thời gian ngắn mà hành động bạo lực đã kéo dài, tái diễn nhiều lần trước đó. Điều này phần nào thể hiện thái độ yêu thương, trân trọng bản thân của các em vẫn còn khuyết thiếu.

Những tâm sự đầy sợ hãi của một nữ sinh bị bạo hành
Những tâm sự đầy sợ hãi của một nữ sinh bị bạo hành

Diễn giả Đỗ Thái Đăng, Giám đốc Công ty Giáo dục Nhân tài Đất Việt bày tỏ: “Điều quan trọng nhất được rút ra phía sau các vụ BLHĐ chính là văn hóa yêu thương bản thân. Các em cần biết lắng nghe cảm xúc của chính mình để nhìn sâu, hiểu thấu những trạng thái của nội tại gồm vui, buồn, thất vọng... thông qua thói quen tĩnh tâm, hòa mình thiên nhiên. Yêu thương bản thân cũng là quan sát toàn bộ điểm mạnh, điểm chưa mạnh, giá trị, mong muốn, nhu cầu, nỗi sợ hãi của mình để thực sự hiểu mình. Và khi thực sự hiểu thì mới thực sự yêu thương…”.

Ngoài ra, mỗi học sinh cũng cần tìm ra ý nghĩa tích cực của cuộc sống, của việc học tập; cần thiết lập gianh giới để bảo vệ bản thân, không hi sinh, không nhún nhường quá, không để người khác quyền chà đạp, xúc phạm mình mà cần quyết liệt khi cần.

Cùng với đó, các bậc cha mẹ và thầy cô giáo cũng cần trang bị cho mình năng lực thấu hiểu tâm lý con cái, tâm lý học trò và năng lực làm chủ cảm xúc để chuyển hóa cảm xúc tiêu cực; đồng thời có cẩm nang xử lý các tính huống trong bối cảnh xã hội mới.

Với các nhà trường cần có đội ngũ cố vấn tâm lý chuyên nghiệp; xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo tâm lý cho giáo viên (có kiểm tra, đánh giá), hướng tới việc coi kỹ năng phát hiện, xử lý tình huống học đường là yêu cầu bắt buộc của mỗi giáo viên khi đứng lớp. Ngoài chuyên môn thì việc quan tâm đến tâm lý học trò phải là tiêu chuẩn hàng đầu của thầy cô giáo.

Từ kinh nghiệm hơn 30 năm giảng dạy và làm quản lý tại các cơ sở giáo dục Hà Nội, nhà giáo Trần Anh cho biết: Một cá nhân không giải quyết được BLHĐ mà cả xã hội phải chung tay, vào cuộc. Trong phạm vi nhà trường, thầy cô cần tinh ý phát hiện vấn đề của học sinh; cần giáo dục các em kỹ năng bảo vệ bản thân, tìm người trợ giúp, tư vấn cách giải quyết với tình huống gặp phải, không nên lặng im hoặc giải quyết một mình.

“Tôi dạy học sinh của tôi rằng, khi gặp bất cứ vấn đề gì trong trường học, người đầu tiên các em tìm đến là thầy cô trong ban giám hiệu, tiếp đó là cô tổng phụ trách, giám thị, nội vụ, cô chủ nhiệm. Học sinh thường có tâm lý sợ bị mất mặt với bạn bè, vì vậy kỹ năng tư vấn, thái độ ứng xử của giáo viên rất quan trọng. Khi các em thấy mình được tôn trọng, được bảo vệ, các em mới tin tưởng để chia sẻ và mở lòng….”- nhà giáo Trần Anh nói.