Chặn dịch sốt xuất huyết vào trường học

Trần Nga - Thu Anh - Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm học 2017 – 2018 bắt đầu khi dịch sốt xuất huyết (SXH) đang bùng phát tại Hà Nội.

Do vậy, việc phòng chống dịch trong trường học được lãnh đạo TP, chính quyền các cấp và ngành giáo dục đặc biệt quan tâm. Để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch trong khuôn viên học đường, UBND TP đã chỉ đạo gắn việc phòng dịch với trách nhiệm của Hiệu trưởng.
Nhà trường chủ động
Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp học sinh hay giáo viên nào mắc SXH, song trường Mầm non Đại Thành (huyện Quốc Oai) không dám lơi là công tác phòng chống dịch. Từ sân trường cho đến các phòng học luôn được vệ sinh sạch sẽ, không để đọng nước. Các bể nước được nhà trường che đậy cẩn thận, lọ hoa, bình thủy sinh ở quanh các lớp học được giáo viên chủ nhiệm thay nước hàng ngày. Hiệu trưởng nhà trường Tạ Thị Mai cho biết, để ngăn chặn và phòng dịch, trường đã thành lập một ban chuyên trách về vệ sinh trường lớp. Bên cạnh việc dọn dẹp vệ sinh lớp học hàng ngày, mỗi tuần trường tổ chức tổng vệ sinh toàn trường vào chiều thứ  Sáu hàng tuần. “Trước ngày khai giảng trường đã phun thuốc diệt muỗi, dọn vệ sinh trong lớp học, sân trường và khu vực ngoài cổng trường. Ngoài ra, trường liên tục tuyên truyền đến từng giáo viên, phụ huynh cách phòng chống dịch SXH” – bà Mai chia sẻ.

Phun thuốc diệt muỗi tại trường Tiểu học Chu Văn An, quận Tây Hồ. Ảnh: Khánh Chi

Đến đón cháu nội đang học lớp 5 tại trường Tiểu học Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây), ông Lê Viết Thành bày tỏ: “Nhà ngay cạnh trường nên tôi biết, mấy tuần nay cứ thứ Bảy và Chủ nhật các thầy cô và nhân viên trong trường lại vệ sinh dọn dẹp, lãnh đạo xã cũng đã xuống kiểm tra nên gia đình yên tâm khi cháu đến trường. Thế nhưng, bố mẹ cháu vẫn cẩn thận xoa thuốc chống muỗi đốt khắp người trước khi đi học”. Hiệu trưởng nhà trường Đỗ Thanh Xuân cho biết, nhà trường đã tuyên truyền đến tất cả học sinh về tình hình dịch SXH, hướng dẫn các em các biện pháp phòng tránh bệnh và dấu hiệu nhận biết khi mắc. “Chúng tôi khuyến khích học sinh tham gia diệt bọ gậy tại trường và tại gia đình, hy vọng mỗi em sẽ là một tuyên truyền viên nhí trong đợt này” – bà Xuân bày tỏ.
Tương tự, tại các trường Tiểu học Kim Liên, Mầm non Hoa Sữa (quận Đống Đa), THCS Xuân La (quận Tây Hồ), Tiểu học Nguyễn Du, Lê Lợi (quận Hà Đông)..., Ban Giám hiệu đã chủ động công tác phòng chống dịch SXH ngay từ những ngày trước khai giảng. Hàng tuần, các trường đều nhắn tin qua hệ thống tin nhắn điện tử nhắc nhở phụ huynh xịt, bôi thuốc phòng chống muỗi cho con em mình khi đến trường. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, từ giữa tháng Tám, Sở đã kết hợp với Sở Y tế phun thuốc diệt muỗi ít nhất 2 lần tại 100% các trường học trước khai trường. Lãnh đạo Sở cũng đã kiểm tra trực tiếp tại một số quận, huyện và nhà trường cho thấy, các phòng giáo dục, nhà trường làm khá tốt việc phòng chống dịch. 100% giáo viên nắm được cách phòng chống SXH và đã tuyên truyền tới tất cả học sinh, phụ huynh. “Sở đã quán triệt Hiệu trưởng các trường phải chịu trách nhiệm nếu kiểm tra phát hiện ổ bọ gậy trong trường để nâng cao tinh thần phòng dịch trong ngành giáo dục” – ông Tiến nhấn mạnh.
Chú trọng các ký túc xá, phòng trọ sinh viên
Là một trong những điểm “nóng” dễ bùng phát dịch SXH, khu vực ký túc xá (KTX) sinh viên của các trường cao đẳng, đại học được TP yêu cầu các địa phương và ngành giáo dục phải lưu ý. Tại khu KTX Đại học Bách Khoa, đại diện Ban quản lý cho biết, KTX có khoảng 1.000 sinh viên ở, được chia thành 8 tòa nhà, đến ngày 4/9, khu vực KTX đã phun hóa chất được 2 lần và chuẩn bị phun lần 3. Từ đầu năm, KTX trường có 22 sinh viên mắc SXH, hiện còn 3 sinh viên đang điều trị tại bệnh viện. Trường đã thành lập 8 đội xung kích hướng dẫn phòng dịch và một đội bảo đảm an ninh, vệ sinh môi trường gồm trên 60 sinh viên. Để phòng chống dịch, vào các buổi chiều hàng ngày, KTX đều phát loa tuyên truyền, phổ biến kiến thức về dịch bệnh và cách diệt bọ gậy để chống muỗi gây bệnh. Vào thứ Sáu hàng tuần, tất cả các khối nhà đều tiến hành tổng vệ sinh môi trường.
Tương tự, tại Đại học Kinh tế Quốc dân, 100% sinh viên trong trường đều được khuyến cáo về dịch SXH. Nguyễn Thúy Hạnh - sinh viên năm thứ hai chia sẻ: “Nhà trường không chỉ nhắc nhở chúng em phải phòng tránh muỗi đốt mà còn kêu gọi mỗi sinh viên chủ động diệt bọ gậy tại KTX, tại các phòng trọ của mình. Sống trong KTX còn có sự giám sát của Ban quản lý, chứ những bạn sống ở ngoài phòng trọ nếu không chủ động phòng bệnh thì sẽ rất dễ mắc. Vì thế chúng em cũng hay nhắc nhau phải cẩn thận”.
Ghi nhận 30 trường hợp sinh viên mắc SXH từ tháng 5/2017 đến nay, công tác phòng dịch của Đại học Thủy lợi càng được chú trọng. Bác sĩ Phạm Văn Phong – Trạm trưởng Trạm Y tế ĐH Thủy lợi cho biết, việc quan trọng nhất trong phòng chống dịch SXH ở trường là tuyên truyền cho mọi người hiểu nguyên nhân, hậu quả và các biện pháp phòng dịch. “Chúng tôi tuyên truyền bằng phát tờ rơi, nói chuyện, dán thông tin phòng, chống dịch SXH đến từng phòng trong ký túc xá. Quan điểm của trường, 100% sinh viên khi bị SXH phải được đưa đến trạm y tế, bệnh viện xét nghiệm để có phương pháp điều trị kịp thời. 30 sinh viên trong đội xung kích phòng dịch của trường đã được Trung tâm Y tế quận Đống Đa tập huấn bài bản các kỹ năng để phổ biến kiến thức và giúp đỡ các bạn sinh viên khác” – ông Phong chia sẻ.
Trước đó, tại cuộc họp giao ban về dịch SXH ngày 4/9, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh, ngành y tế và giáo dục phải chú trọng công tác phòng dịch trong các trường học. Đặc biệt, việc phun thuốc phải làm đi làm lại, có kiểm tra và tái kiểm tra, công tác diệt bọ gậy cũng phải được thực hiện thường xuyên.
Cuối tuần qua, Thành đoàn Hà Nội - Quận đoàn Hoàng Mai đã tổ chức đợt hoạt động cao điểm phòng chống dịch bệnh SXH trên địa bàn. Theo đó, 400 đoàn viên, học sinh, các đội thanh niên xung kích đã ra quân phát tờ rơi tuyên truyền, diệt bọ gậy, lăng quăng... tại các hộ gia đình. Đồng thời, hướng dẫn người dân thực hiện phòng dịch; kiểm tra các bể nước hở, chậu hoa cây cảnh có nước, trực tiếp xử lý vệ sinh các dụng cụ chứa nước có nguy cơ tồn tại bọ gậy, trứng muỗi... (Thanh Bình)

Công tác phòng, chống dịch SXH trong trường học luôn được ngành y tế ưu tiên hàng đầu. Đặc biệt, thời điểm này khi học sinh vừa mới bắt đầu năm học mới, sinh viên các trường cao đẳng, đại học cũng đang đổ về Hà Nội nhập học. Từ trước ngày 5/9, ngành y tế đã phối hợp với ngành giáo dục phun hóa chất diệt muỗi 100% các trường học trên địa bàn. Chúng tôi cũng đã chủ động làm việc với các trường đại học để phối hợp phun thuốc tại các giảng đường và KTX. Sở Y tế đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại các trường học, đồng thời phát phiếu điều tra bọ gậy tại hộ gia đình cho các học sinh THCS, THPT. Tuy nhiên, việc này còn chưa phát huy được hiệu quả vì nhiều học sinh còn điền phiếu chưa chính xác. Vì vậy, chúng tôi đã yêu cầu các trường phải làm sao để phiếu điều tra không phải là một bài kiểm tra phát ra và thu lại là xong, mà coi đây như những việc làm cụ thể để mỗi học sinh sẽ trở thành một chiến sỹ tích cực trong công tác phòng chống SXH.
   Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền
Mặc dù tình hình dịch SXH đang giảm nhưng có nguy cơ lan ra vùng ngoại thành, nên nhà trường vẫn đẩy mạnh tuyên truyền và duy trì tổng vệ sinh hàng ngày. Chúng tôi lưu ý bộ phận y tế kết hợp cùng các giáo viên chủ nhiệm kịp thời theo dõi, những sinh viên nào có triệu chứng SXH phải báo cáo ngay để được điều trị kịp thời. Đối với những sinh viên ở bên ngoài trường, đội ngũ Bí thư Đoàn Thanh niên và cố vấn học tập thường xuyên nhắc nhở về cách phòng, chống dịch để tránh trường hợp bị mắc.
Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội Hoàng Xuân Hiệp