Chăn nuôi an toàn, bền vững lên ngôi

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, trên địa bàn Hà Nội đã hình thành và phát triển nhiều mô hình, trang trại chăn nuôi an toàn sinh học, có truy xuất nguồn gốc, cung cấp sản phẩm an toàn cho thị trường Thủ đô.

Sản phẩm an toàn, giá trị cao

Là một trong số hợp tác xã tiên phong trong áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) Nguyễn Đình Tường chia sẻ: từ năm 2014, hợp tác xã đã triển khai mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học.

Sơ chế, đóng gói thịt lợn sinh học tại Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai). Ảnh: Quang Linh
Sơ chế, đóng gói thịt lợn sinh học tại Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai). Ảnh: Quang Linh

Mặc dù chi phí sản xuất cao hơn 20% so với phương pháp truyền thống nhưng nuôi lợn an toàn sinh học ít xảy ra dịch bệnh và giá bán cao hơn. Đến nay, hợp tác xã thường xuyên duy trì tổng đàn khoảng 200 con lợn thương phẩm và đã xây dựng thành công thương hiệu “Thịt lợn sinh học Quốc Oai”. Nhờ có thương hiệu, tem nhãn truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, nên hợp tác xã ký kết được hợp đồng tiêu thụ với các siêu thị, cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể với sản lượng 4 - 5 tạ/ngày.

Hay như mô hình chăn nuôi gà sạch của Hợp tác xã Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Ba Vì (xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì) được thành lập với mục đích liên kết các hộ chăn nuôi, tạo chuỗi khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ. Quy trình chăn nuôi đều được các hộ thành viên thực hiện đúng kỹ thuật với nguyên liệu thức ăn cho gà tự phối trộn, có kiểm soát đầu vào. Nhờ đó, đàn gà luôn khỏe mạnh, chất lượng thịt bảo đảm. Hiện nay, tổng đàn gà của hợp tác xã đạt khoảng 20 vạn con, mang lại thu nhập ổn định cho người nuôi.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Ba Vì Trần Đình Thành, hiện nay, sản phẩm gà đồi Ba Vì đã có tem nhãn nhận diện nguồn gốc xuất xứ, tem kiểm soát giết mổ và đã được đưa vào tiêu thụ tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội. Khi giá gà xuống thấp, gà đồi Ba Vì vẫn bán được mức giá 90.000 - 110.000 đồng/kg.

Mô hinh chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học tại xã Thụy An, huyện Ba Vì
Mô hinh chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học tại xã Thụy An, huyện Ba Vì

Đó chỉ là 2 trong số nhiều hợp tác xã tiêu biểu của Hà Nội trong việc xây dựng và phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững. Số liệu thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, toàn thành phố hiện có hơn 6.380 trang trại chăn nuôi (130 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 1.593 trang trại quy mô vừa, còn lại là quy mô nhỏ), tập trung chủ yếu ở các huyện: Chương Mỹ, Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Phúc Thọ…

Chú trọng chuỗi liên kết và chế biến sâu

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội Tạ Văn Tường nhấn mạnh, việc đẩy mạnh xây dựng mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP, hữu cơ... giúp hình thành nhiều vùng nguyên liệu chất lượng tốt, cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy phát triển nông nghiệp thân thiện môi trường.

Hiện nay, các địa phương đang tập trung thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 275/KH-UBND ngày 25/10/2022 về hành động thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn thành phố. Kết quả thực hiện của chiến lược này nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản xuất chăn nuôi an toàn, hiệu quả lâu dài, mang lại thu nhập ổn định cho người chăn nuôi.

“Về lâu dài, Hà Nội sẽ nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao kết hợp với phát huy kiến thức bản địa; chăn nuôi hữu cơ gắn với chuỗi giá trị. Cùng với đó, đánh giá thực trạng các tiểu vùng sinh thái; xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho những giống vật nuôi bản địa, đặc hữu có lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng cao” - ông Tạ Văn Tường cho hay.

Đáng chú ý, ngành nông nghiệp Hà Nộ tham mưu thành phố tiếp tục có cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi xây dựng trang trại theo hướng khép kín.

Cùng với đó, Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết, gắn các cơ sở giết mổ với các hộ chăn nuôi quy mô lớn, tạo quy trình đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm cũng như xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu. Mặt khác, thành phố cũng chú trọng chế biến sâu các sản phẩm từ động vật, bảo đảm quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần đưa ngành chăn nuôi Hà Nội phát triển bền vững.

 

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, trên địa bàn thành phố có tổng đàn trâu, bò gần 159.000 con, đàn lợn gần 1,5 triệu con; đàn gia cầm 46,87 triệu con… Sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng ước tính trên 12.700 tấn; lợn hơi trên 253.900 tấn; gia cầm hơi trên 162.000 tấn; trứng gia cầm các loại hơn 2,8 triệu quả; sản lượng sữa tươi 44.100 tấn; diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 24.000ha, tổng sản lượng 127.355 tấn.