Chăn nuôi an toàn sinh học để khống chế dịch tả lợn châu Phi

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 13/9, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị Phát triển chăn nuôi lợn an toàn sinh học và góp ý cho các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Chăn nuôi.

Thông tin tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng cho biết, ngành chăn nuôi nước ta đang phát triển trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến rất phức tạp trong cả nước.
Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương phát biểu tại Hội nghị.

Từ tháng 2/2019 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) lan rộng trên hầu hết các tỉnh, TP cả nước (63/63 tỉnh, thành), nhiều cơ sở chăn nuôi lợn phải đóng cửa, do đó số lượng đàn lợn giảm.
Theo Tổng cục thống kê, tính đến ngày 1/7/2019, tổng đàn lợn của cả nước còn lại là 22,2 triệu con giảm 18,5%, trong đó đàn nái là 3,2 triệu con giảm khoảng 20% và tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng là 2,1 triệu tấn, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng, dịch tả lợn châu Phi chưa có vaccine, chưa có thuốc chữa, tỷ lệ chết cao nên đã khiến tổng đàn lợn của nước ta đến nay giảm khoảng 7%. Tuy nhiên, việc đàn gia cầm phát triển tốt, đạt 409 triệu con, tăng trưởng mạnh nhất từ trước tới nay cũng đã góp phần bù đắp phần nào thiếu hụt từ sự sụt giảm của đàn lợn.
Trong đó, chăn nuôi lợn an toàn sinh học đóng vai trò rất quan trọng, mang tính bền vững đặc biệt trong bối cảnh bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến rất phức tạp trong phạm vi cả nước. Năm 2018, số trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học tăng lên trên 2.500 trang trại, tăng 0,8% so với năm 2017, chiếm tỷ lệ 25,6% số trang trại chăn nuôi lợn của cả nước.
Có thể nhận thấy, xu hướng số lượng trang trại chăn nuôi lợn và tổng đầu con lợn cũng như tỷ lệ so với tổng đàn lợn cả nước được áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học ngày càng gia tăng so với các năm trước. Thực tế cũng chỉ ra rằng, đối với những cơ sở trang trại chăn nuôi làm tốt công tác an toàn sinh học, đến nay cơ bản giữ được an toàn dịch bệnh đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng, số lượng hộ chăn nuôi lợn an toàn sinh học và tổng số đầu con năm 2017 và 2018 giảm so với năm 2016, song tỷ lệ hộ chăn nuôi và tỷ lệ tổng đàn lợn ổn định và có biểu hiện tăng nhẹ. Điều này phù hợp với xu thế là số lượng hộ chăn nuôi ngày càng thu hẹp và quy mô chăn nuôi ngày càng tăng lên.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, khi bệnh dịch tả lợn châu Phi lần đầu xuất hiện tại Việt Nam vào tháng 2/2019, chăn nuôi lợn vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu thịt và bữa ăn của người Việt, nếu không có giải pháp kịp thời, nguy cơ thiếu thịt là rất lớn, nhất là trong dịp cuối năm 2019 và năm 2020.
Nhưng có tín hiệu đáng mừng là trải qua 8 tháng dịch tả lợn Châu Phi xảy ra, từ thực tiễn đã xuất hiện rất nhiều mô hình chăn nuôi an toàn sinh học thích ứng, thích nghi được với dịch tả lợn Châu Phi, như mô hình chăn nuôi lợn của Tập đoàn Quế Lâm, Amavet, Phân viện Chăn nuôi phía Nam…
“Tổng kết tiêu hủy lợn do bệnh dịch tả lợn Châu Phi tháng 8 so với tháng 7 giảm 20%, so với tháng 5 tháng 6 giảm 35 - 40% là số liệu rất khả quan về việc đẩy mạnh chăn nuôi lợn an toàn sinh học thích ứng với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Dù gặp rất nhiều khó khăn, song Bộ NN&PTNT vẫn quyết tâm trước Chính phủ là sẽ giữ vững mục tiêu tăng trưởng và 12 chỉ tiêu Chính phủ giao và hội nghị chăn nuôi an toàn sinh học này chính là một giải pháp trong bộ giải pháp đồng bộ hoàn thành mục tiêu này” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần