Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Số lượng vụ án tăng, áp lực với thẩm phán là có thật

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Ngày 5/11, giải trình, làm rõ thêm những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về hoạt động của ngành tư pháp năm 2019, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình chia sẻ, trung bình hàng năm số lượng công việc của Tòa án các cấp tăng lên khoảng 10%, đặc biệt năm 2019 tăng 12%, gần 70.000 vụ.

Liên quan đến vấn đề biên chế, áp lực và các điều kiện bảo đảm của Tòa án Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình chia sẻ, trung bình hàng năm số lượng công việc của Tòa án các cấp tăng lên khoảng 10%, đặc biệt năm 2019 tăng 12%, gần 70.000 vụ. Hiện nay, Tòa án đang thụ lý hơn 600.000 vụ năm 2019. Số lượng và quy mô các vụ án tăng tỷ lệ thuận với quy mô dân số và quy mô nền kinh tế, do đó trong tương lai có thể sẽ tăng nhiều hơn thế nữa. Đây là vấn đề đặt ra mà hệ thống tòa án phải đối mặt, phải có giải pháp để làm tốt các nhiệm vụ của mình.
 Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Thực tế hiện nay, như phần lớn các nền kinh tế khác thì vi phạm và tội phạm đều tăng tỷ lệ thuận với việc tăng của quy mô kinh tế và quy mô dân số. Điều này tạo ra áp lực với Thẩm phán là có thật và ngành Tòa án đang phải đối mặt với thực tế là rất nhiều các thẩm phán xin nghỉ việc. Điều này xảy ra ở tất cả các địa phương.
Trước thực trạng này, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị cần cân nhắc về biên chế và các chức danh tư pháp. Nếu như vấn đề nhà ở, giao thông, bệnh viện, trường học, điện, nước, rác thải đều có thể giải quyết bằng cơ chế thị trường, bằng xã hội hóa, nhưng riêng hoạt động tư pháp là bổn phận của nhà nước, không thể nhường cho ai được, cho nên giảm biên chế đều như các lĩnh vực khác là phải cân nhắc. Hai là việc giao chỉ tiêu như thế nào để bảo đảm khả thi.
Vấn đề về hướng dẫn áp dụng pháp luật, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay, hiện nay, một số văn bản hướng dẫn pháp luật đang bất cập như hướng dẫn đi cai nghiện, trình tự, thủ tục, hướng dẫn về giám định ma túy, giải quyết các vụ án ma túy, hướng dẫn về môi trường.. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết sẽ tiếp thu và thuộc trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao thì Tòa án nhân dân tối cao sẽ giải quyết, sẽ thực hiện, nhất là ban hành các nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Thời gian vừa qua, Tòa án nhân dân tối cao đã rất nỗ lực trong việc ban hành các nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao và hướng dẫn áp dụng án lệ. Đã có hơn 500 vụ án áp dụng án lệ, đây là một thành tựu rất đáng kể của nền tư pháp nước nhà.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng bày tỏ đồng tình với việc nếu Quốc hội quyết định giám sát tối cao một số vụ án và chia sẻ nếu đại biểu Quốc hội quan tâm đến các vụ án, Tòa án sẽ tổ chức cuộc làm việc để 3 cơ quan tiến hành tố tụng: điều tra, truy tố, xét xử có cuộc đối thoại để cung cấp tài liệu cho đại biểu Quốc hội.
 Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Trước đó, trong phiên thảo luận, nêu quan điểm về vấn đề tinh giản biên chế trong ngành tư pháp, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, một quy luật trong nhà nước pháp quyền là kinh tế càng phát triển thì tội phạm càng giảm. Ví dụ ở Hà Lan, tỷ lệ tội phạm giảm đến mức thừa nhà tù phải "nhập khẩu" tù nhân để nhân viên không bị thất nghiệp, cuối cùng phải đóng cửa bớt nhà tù. Ngoài ra, các nước trên thế giới bây giờ ngày càng sử dụng nhiều công nghệ thông minh trong hoạt động xét xử như xét xử trực tuyến, qua đó giúp giảm nhân lực. Trong khi đó, nghịch lý ở nước ta là tăng trưởng kinh tế ngày càng cao nhưng tỷ lệ tội phạm càng gia tăng. ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng, đây là điều không bình thường. Bày tỏ quan ngại về việc ngành tư pháp không có đủ nhân lực để phòng, chống tội phạm, đại biểu đề nghị, Chính phủ cần có giải pháp căn cơ nhằm giải quyết vấn đề này.