Chấp nhận cuộc chơi

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành bảo dưỡng ô tô vừa được Thủ tướng ký ban hành.

Việc bổ sung một số quy định mới nhằm hạn chế ô tô nhập khẩu và thúc đẩy sản xuất trong nước được quy định trong Nghị định sẽ tạo môi trường sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu bình đẳng, khuyến khích DN đầu tư bài bản, siết chặt các quy định để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đáng ngạc nhiên là những người sẽ được hưởng lợi bởi các quy định này, trong đó có các nhà sản xuất ô tô trong nước nhưng Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) lại... phản đối. Thể hiện trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, VAMA cho rằng hoạt động kinh doanh của các thành viên sẽ bị ảnh hưởng mạnh bởi Nghị định 116. Cụ thể, VAMA cho rằng, việc cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu nguyên chiếc sẽ là rào cản hạn chế xe nhập khẩu vào Việt Nam từ năm 2018, vốn là mặt hàng cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm của các thành viên trong Hiệp hội này. Không chỉ phản ứng với nỗ lực hạn chế xe nhập khẩu của Chính phủ, VAMA còn kêu khó với yêu cầu về chiều dài đường thử tối thiểu 800m và 400m với đường thẳng; một quy định mới với mục tiêu gia tăng tiêu chí đánh giá chất lượng xe sản xuất tại Việt Nam và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Vậy, tại sao những người trong cuộc lẽ ra phải ủng hộ nỗ lực tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của một vài DN ô tô trong nước như VAMA lại phản đối chính những ưu đãi mà các thành viên của mình được hưởng? VAMA hiện có 17 thành viên, trong đó phần lớn là các liên doanh như Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, GM Việt Nam, Ford Việt Nam… Đây là các liên doanh đã có nhiều năm đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, sau nhiều năm đầu tư, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mới dừng ở lắp ráp giản đơn, tỷ lệ nội địa hóa đạt dưới 10%. Trước xu thế giảm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc trong khu vực, nhiều DN đã không còn ý định đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam, thậm chí nhiều DN đã chuyển hướng giảm bớt sản phẩm lắp ráp trong nước, chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc. Đây có thể là lý do khiến Hiệp hội này phản ứng với các quy định “siết” nhập khẩu. Ngoài ra, các quy định các DN phải đầu tư bài bản trong sản xuất cũng là điểm mà nhiều DN không muốn vì ngại đầu tư trong khi thuế nhập khẩu giảm. Như vậy, việc VAMA phản đối không phải vì chính sách làm khó DN mà vì DN ngại khó, ngại đầu tư.

Theo các chuyên gia, các quy định tại Nghị định này là phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế. Các chính sách của Chính phủ cho thấy quan điểm ủng hộ DN đầu tư vào sản xuất, tăng sản lượng, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và đưa ngành sản xuất kinh doanh ô tô, một mặt hàng ảnh hưởng đến tính mạng người tiêu dùng, vào ngành kinh doanh có điều kiện với những quy định chặt chẽ, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Và các DN, nếu muốn hoạt động trong lĩnh vực này, buộc phải chấp nhận “cuộc chơi” vì lợi ích chung chứ không phải ngại khó để thụt lùi.