Chặt chẽ để kiểm soát tham nhũng

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kê khai tài sản là vấn đề không mới nhưng luôn thời sự, lần này lại đặc biệt được chú ý khi Chính phủ ban hành Nghị định mới về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Với những quy định cứng rắn hơn, Nghị định được kỳ vọng sẽ thực sự là một “vũ khí” hiệu quả trong công cuộc phòng chống tham nhũng.
Kê khai tài sản, kiểm soát thu nhập là biện pháp phòng ngừa tham nhũng rất quan trọng. Tuy nhiên, một thời gian dài, việc kê khai thu nhập, tài sản được nhận định vẫn mang nặng tính hình thức. Số lượng kê khai nhiều, đa số đúng mẫu mã, thời hạn, vào sổ sách đầy đủ... nhưng số lượng được xác minh lại quá khiêm tốn và xác minh phát hiện thiếu trung thực càng khiêm tốn hơn.
Thống kê hàng năm cho thấy, mỗi năm có đến hơn 1 triệu người kê khai tài sản, thu nhập, đạt tỷ lệ trên 95% số đối tượng phải kê khai nhưng con số xác minh chỉ dừng ở vài chục bản. Bởi thế, hiệu quả của công việc này mới đạt được mức việc kê khai tài sản đi vào nền nếp, đúng pháp luật, còn hiệu quả trong kiểm soát tài sản cũng như sự biến động về tài sản của cán bộ, công chức chưa đạt được. Do đó, việc phát hiện những dấu hiệu bất minh và có biện pháp ngăn chặn sự tẩu tán và cuối cùng là có thể thu hồi tài sản đó khi chứng minh được mối quan hệ của nó với hành vi tham nhũng rất hạn chế, vẫn là một bài toán không dễ giải trong những năm qua.

Với Nghị định mới lần này, những quy định mạnh mẽ hơn, phạm vi, tính tác động sâu rộng hơn. Đây là Nghị định được xây dựng nhằm cụ thể hóa những quy định của Luật Phòng chống tham nhũng 2018, trong đó có nhiều quy định mới. Đối tượng kê khai hàng năm được liệt kê chi tiết, cụ thể hóa các chức danh kê khai, các loại tài sản phải kê khai…
Đặc biệt, trong đó có quy định cụ thể về việc niêm yết bản kê khai ở nơi làm việc của từng chức danh cụ thể. Ví dụ như bản kê khai của Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND các cấp được niêm yết tại trụ sở HĐND, UBND hoặc công bố tại cuộc họp bao gồm toàn thể cán bộ, công chức, viên chức thuộc Văn phòng HĐND, UBND… Đồng thời trường hợp nếu người đứng đầu cơ quan, đơn vị không tổ chức việc kê khai, công khai các bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định thì sẽ bị kỷ luật…
Đáng chú ý hơn là tỷ lệ các các bản kê khai được xác minh ngẫu nhiên hàng năm cũng được quy định rõ. Chặt chẽ hơn, Nghị định này cũng quy định rõ, người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ bị xử lý theo Luật Phòng chống tham nhũng, thậm chí là giáng chức

Không phải đến Luật Phòng, chống tham nhũng lần này các quy định mới cấm kê khai không trung thực phải xử lý nhưng cũng do việc kiểm soát, công khai bản khai không thực chất nên đến nay rất hiếm trường hợp bị xử phạt. Đúng như nhiều ý kiến đã nhận định, muốn ngăn ngừa được tham nhũng thì phải kiểm soát được tài sản. Hay nói cách khác kiểm soát tài sản chính là bảo bối để phòng, chống tham nhũng.
Những quy định chặt chẽ, cụ thể trong Nghị định lần này đã phát đi một tín hiệu cảnh báo mạnh mẽ tới cán bộ, quan chức công quyền ở mọi ngành, lĩnh vực, từ T.Ư tới địa phương, để tới đây mỗi chức danh phải nghiêm khắc hơn, có trách nhiệm hơn với công tác kê khai tài sản, thu nhập. Từ đó, tránh được tính hình thức, tạo nên những hiệu quả mới, phát huy được kênh phòng chống tham nhũng quan trọng này.