Chất xám vẫn chảy trên “thảm đỏ”

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối tuần qua, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã có cuộc đối thoại thẳng thắn với hơn 400 học viên đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Từ cuộc đối thoại này, một lần nữa những băn khoăn quanh câu chuyện thu hút người tài lại “nóng” dư luận.

 Lãnh đạo TP Đà Nẵng tại cuộc đối thoại với hơn 400 học viên đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Không chỉ Đà Nẵng, mà rất nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, viện nghiên cứu… hiện đã có những hình thức trải thảm đỏ, đón người tài, nhưng rồi vẫn loay hoay đi tìm lời giải cho bài toán chảy máu chất xám.
Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chính là một đột phá cần thiết trong cách nghĩ, cách làm của Đà Nẵng từ những năm trước. Từ đó sẽ tạo thêm đội ngũ công chức, viên chức tiềm năng với trình độ ngoại ngữ và chuyên môn tốt. Đó chính là "vốn liếng quý giá" cho một TP đang phát triển. Thực tế, như nhiều địa phương khác, khi “thảm đỏ đón nhân tài” được trải ra rộng mở với ưu đãi về chế độ chính sách, học bổng… đã tạo cơ hội cho nhiều người trưởng thành và có triển vọng phát triển tốt, được kỳ vọng là nguồn nhân lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển của địa phương.

Nhưng đi cùng với đó, vẫn có những bước chân ngập ngừng, phân vân trước tấm thảm trải sẵn ấy. Cũng tại Đà Nẵng, 40 người đã xin rút khỏi Đề án. Ngay tại cuộc đối thoại, những người đi học từ nguồn ngân sách đã thể hiện sự trân trọng với việc TP tạo điều kiện cho họ được đi học nước ngoài. Nhưng họ cũng bày tỏ không ít trăn trở khi chưa được bố trí công việc hợp lý theo chuyên môn, nỗi lo biên chế… Đặc biệt, tiền lương thấp là một lý do quan trọng, trong khi khu vực tư nhân luôn có những ưu đãi hấp dẫn để hút nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.

Nhìn rộng ra các địa phương, đơn vị khác cũng có thực trạng, nhiều tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân tốt nghiệp loại giỏi sau khi được tuyển dụng theo chính sách thu hút nhân tài đã phải ngậm ngùi bởi bị bố trí công việc không hợp lý, không phát huy được tài năng, chính sách đãi ngộ quá thấp. Chán, họ ra đi! Nhưng nhìn ngược lại, cũng có không ít người tài đã mượn sự đãi ngộ làm bệ phóng để "vào cửa trước, bước ra cửa sau"... khi đã hoàn thành các khóa học sau đại học. Nhiều “nhân tài” làm việc với động cơ cầm chừng, không hăng hái, xốc vác, dấn thân; đứng núi này trông núi nọ, sẵn sàng thay đổi lập trường khi có cơ hội khác thay vì tôn trọng cam kết ban đầu.

Qua nhưng câu chuyện này mới thấy, không phải cứ trải thảm đỏ là người tài sẽ về và yên lòng cống hiến. Thế nên, trải thảm đỏ ra rồi, lại phải nghĩ tới chuyện nuôi dưỡng, thu hút, phát huy những tiềm năng của “nhân tài” về sau. Và chính những người được tôn vinh là “nhân tài” ấy cũng phải biết rõ con đường mà mình sẽ đi trong tương lai, vị trí mình cần có để cống hiến. Có quan điểm cho rằng, “đất lành chim đậu”, nếu môi trường làm việc không thuận lợi thì khó mà thu hút được người giỏi. Với những người có tài thực sự, quan trọng là điều kiện làm việc, sau đó mới tính đến chính sách đãi ngộ.

Như người đứng đầu chính quyền TP Đà Nẵng đã rất thẳng thắn khi phê bình những đơn vị sử dụng “nhân tài” vắng mặt trong cuộc đối thoại. Bởi chỉ có tránh việc hình thức, phải biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để kịp thời giải quyết mới tháo gỡ được những vướng mắc, tạo được sự tin tưởng và hình thành môi trường làm việc thực sự tốt cho nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thiết nghĩ, cùng với những ưu đãi về tài chính, vật chất, các đơn vị, địa phương cần chú trọng tạo môi trường làm việc dân chủ, tôn trọng sự sáng tạo, bình đẳng, tạo điều kiện cho người tài “có đất dụng võ”. Chính sách thu hút người tài thành công hay không phụ thuộc nhiều vào trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu đơn vị tuyển dụng, bố trí vị trí việc làm phù hợp với sở trường để phát huy tối đa tài năng của người được tuyển dụng.