ChatGPT hữu ích đến đâu?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyên gia công nghệ thẳng thắn bày tỏ lo ngại về sự nguy hiểm của AI nhưng không khỏi lạc quan về tiềm năng của lĩnh vực này.

Giám đốc công nghệ của OpenAI - cha đẻ ChatGPT đang làm mưa làm gió hiện nay, chia sẻ thẳng thắn về sự nguy hiểm của AI nhưng vẫn thừa nhận nó rất hữu ích trong nhiều lĩnh vực. 

“Giống như các cuộc cách mạng khác, sẽ có những điều mới mẻ và một vài thứ có thể mất đi… Nhưng tôi vẫn rất tin tưởng vào tiềm năng của nó” - Bà Murati trả lời khi được hỏi về tác động của AI.

Mira Murati, giám đốc công nghệ của OpenAI. Nguồn: TIME
Mira Murati, giám đốc công nghệ của OpenAI. Nguồn: TIME

Chỉ mới phát hành vào cuối tháng 11, ChatGPT đã gây ấn tượng mạnh mẽ với công chúng. Bất chấp việc một số trường học cấm sử dụng và Google lo ngại ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của mình, Microsoft lại công bố khoản đầu tư 10 tỷ USD vào ứng dụng này.

Trong tháng 1, ChatGPT đã vượt qua Bitcoin trở thành cụm từ được tìm kiếm nhiều nhất trên Google. Đồng thời, ứng dụng này giúp công ty sáng tạo ra nó có mức định giá lên đến 30 tỷ USD.

Mới đây, bà Murati đã chia sẻ với TIME về những hạn chế lớn nhất của ChatGPT, tiềm năng chưa được khai thác và lý do tại sao đã đến lúc chuyển sang sử dụng AI.

Murati bày tỏ phấn khích khi OpenAI tạo ra ứng dụng này. Thật vậy, ChatGPT đã đạt điểm đậu trong kỳ thi cấp giấy phép y tế của Mỹ, kỳ thi MBA của Trường Kinh doanh Wharton và bốn kỳ thi của trường luật danh tiếng.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng bày tỏ lo lắng và tò mò về những lĩnh vực mà nó sẽ phục vụ bởi ứng dụng này vẫn còn một số hạn chế nhất định.

Theo bà Murati, Chat GPT về cơ bản là một mô hình đối thoại – giống như một mạng lưới thần kinh có thể dự đoán các từ ngữ tiếp theo. Do vậy, những thách thức mà nó gặp phải cũng tương tự các mô hình ngôn ngữ khác.

Vì đang trong giai đoạn nghiên cứu nên ngay cả cha đẻ sáng tạo ra nó cũng không chắc về những vấn đề mà ứng dụng có thể giải quyết được. Có thể nó thực sự giúp mọi người học tập hiệu quả hơn. Ví dụ, trong một lớp học 30 người, cùng một chương trình dạy nhưng mỗi người có những nền tảng kiến thức khác nhau thì ChatGPT sẽ giúp người đó nắm bắt kiến thức tùy vào mức độ hiểu biết của từng người.

Dù thừa nhận ứng dụng này đang thúc đẩy trí tuệ tổng quát với độ tin cậy cao và đảm bảo an toàn. Nhưng khi áp dụng cho nhiều người với lĩnh vực chuyên môn khác nhau, ứng dụng sẽ được sử dụng theo những cách khác nhau, cả mặt tích cực lẫn tiêu cực.

Trước phản ứng của nhiều người về sự nguy hiểm của AI, bà Murati cho rằng đây là thời điểm thích hợp để chúng ta có quyền quyết định cách AI định hình xã hội. Điều này có thể theo cả hai hướng: công nghệ định hình loài người và loài người định hình lại nó. Vấn đề nan giải là: Làm thế nào để vừa khiến ứng dụng thực hiện theo những gì mình muốn mà đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn phần đông và rộng hơn là phục vụ nhân loại? Ngoài ra còn có rất nhiều vấn đề liên quan đến xã hội, đạo đức và triết học mà chúng ta cần xem xét.

"Quá trình đó cần có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong những lĩnh vực khác nhau" - chuyên gia này chia sẻ.

Bày tỏ quan ngại về khía cạnh xã hội, bà Murati cho hay AI có thể bị lạm dụng hoặc bị kẻ xấu lợi dụng. Vì vậy, vấn đề cần thiết đặt ra là cách sử dụng ChatGPT trên toàn cầu cũng như đảm bảo sử dụng AI theo cách phù hợp với các giá trị của con người.

Vì lẽ đó, OpenAI cũng như các công ty khác cần phải có ý thức, trách nhiệm hơn nữa trong việc tạo ra các phần mềm và ứng dụng trong cộng đồng. Quá trình này đòi hỏi rất nhiều nguồn lực cả trong ngành cũng như ngoài ngành, như cơ quan quản lý, chính phủ và người dân.

Với những gì đã thể hiện, bà Murati cho rằng hơn bao giờ hết, mọi người nên bắt đầu tham gia vì những tác dụng to lớn mà ứng dụng này mang lại.