Châu Á hối hả đón Xuân

Phương Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Như mọi năm, hiện là giai đoạn cao điểm người dân ở nhiều quốc gia châu Á trên thế giới nô nức trở về quê nhà để đón Tết âm lịch. Hành trình hồi hương và kế hoạch đón tết của các quốc gia phần nào phản ánh một năm kinh tế thế giới biến động và thay đổi khó lường.

  
 Người dân Trung Quốc thực hiện gần 3 tỷ chuyến đi hồi hương mùa Tết Nguyên đán năm nay.
Đợt "xuân vận" lớn nhất lịch sử
"Xuân vận" là từ chỉ cuộc di chuyển về quê ăn Tết của hàng triệu người Trung Quốc kéo dài 40 ngày, trong năm nay bắt đầu từ 13/1 tới 21/2, ước tính đạt 2,98 tỷ chuyến đi, đánh dấu đợt di cư lớn nhất trong lịch sử. Theo đó, sẽ có khoảng 2,5 tỷ chuyến đi được thực hiện bằng đường bộ, 356 triệu chuyến bằng đường sắt, 58 triệu chuyến bằng đường không và 43 triệu chuyến bằng đường biển. Năm ngoái, trung bình một người Trung Quốc di chuyển 410km trong đợt “xuân vận”. Quãng đường toàn bộ dân số nước này di chuyển ước đạt 1,2 tỷ ki lô mét, gấp 8 lần khoảng cách từ Trái đất tới Mặt trời. Năm nay, con số này dự kiến tăng 2,2%, theo ước tính của Chính phủ Trung Quốc. Như mọi năm, đây là chiến dịch giao thông lớn nhất thế giới khi hàng tỷ lượt phương tiện được huy động để đáp ứng nhu cầu khổng lồ của người Trung Quốc.
Gần đây, Trung Quốc mở rộng bán vé qua mạng nhưng cầu vượt quá cung nên chưa cải thiện được tình hình sốt vé. Tại hầu hết các bến tàu xe là cảnh chờ đợi trong cái rét đậm kỷ lục. Lực lượng cảnh sát điều khiển giao thông, lực lượng vũ trang được huy động tối đa tại các bến tàu, xe, cửa ngõ. Để có một vé về quê là vấn đề đau đầu của nhiều người nhưng ngành chức năng phải đối mặt với nhiều vấn đề hơn khi phải đảm bảo an toàn cho hàng trăm triệu người dân về quê đón Tết. Tại Trung Quốc, việc đi lại bằng máy bay vẫn còn ngoài tầm với của đa phần dân số. Nhu cầu đi lại dịp Tết tăng cao buộc Chính phủ nước này phải can thiệp. Theo đó, năm 2007, Chính phủ Trung Quốc đưa ra những quy định chặt chẽ về việc tăng giá vé tàu, còn năm 2012 thì miễn các khoản phí đường bộ trong dịp Tuần lễ Vàng.
Bài toán chi tiêu cuối năm
"Xuân vận" còn thể hiện sự thay đổi của xã hội Trung Quốc hiện đại. Hàng triệu sinh viên chen chúc trên tàu về quê, chứng tỏ việc cải cách giáo dục đã làm tăng đáng kể số lượng các trường đại học trong thập kỷ qua. Tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc đi nghỉ ở nước ngoài cho thấy tư tưởng truyền thống về quê ăn Tết trong xã hội nước này đã dần thay đổi. Năm ngoái, khoảng 6 triệu người đã quyết định đi du lịch nước ngoài trong dịp Tết, với mức chi tiêu bình quân cho một chuyến đi là 6.800 Nhân dân tệ (985 USD). Trong 7 ngày Tết, người Trung Quốc dự kiến chi khoảng 100 tỷ USD vào mua sắm, ăn uống (gấp đôi người Mỹ vào Lễ Tạ ơn). Qua đây có thể thấy sức tiêu dùng mạnh mẽ của thị trường nội địa Trung Quốc, cũng như cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài cung cấp dịch vụ và hàng hóa nhân dịp Tết.
 
Trong khu vực châu Á, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore… cũng có truyền thống đón Tết Âm lịch giống Việt Nam và Trung Quốc. Tại Quốc đảo Sư tử, gần 80% dân số của Singgapore là người Hoa hoặc liên quan đến gốc Hoa nên đất nước này rất coi trọng việc vui đón Tết Nguyên đán cổ truyền. Một khảo sát do tờ Straits Times đăng tải cho thấy, lượng chi tiêu của người Singapore dành cho Tết Nguyên đán năm nay sẽ giảm khoảng 11%, từ 2.805 USD/người xuốngcòn 2.503 USD/người. Trong bối cảnh, đồng đô la Singapore suy yếu khiến hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ. Tuy nhiên, có một số khoản chi, người Singapore nhất định duy trì bất chấp giá cả tăng cao, đó là phong bao lì xì và tiền biếu cha mẹ. Khoản tiền này khoảng 264 - 358 USD cho mỗi gia đình nội, ngoại.
Vui Tết không quên “chống tham nhũng” 
Vào dịp Tết cổ truyền, người dân Hàn Quốc thường gửi tặng những món quà đắt tiền như thịt bò, cá khô và trái cây… Tuy nhiên, tục lệ này năm nay phải thay đổi do đạo luật chống tham nhũng có hiệu lực từ tháng 9/2016. Theo luật mới, lãnh đạo các cơ quan nhà nước, phóng viên, giáo viên sẽ bị xử phạt nếu nhận quà tặng có trị giá trên 50.000 Won (khoảng gần 1 triệu đồng). Thức thời, hầu hết các cửa hàng bách hóa đều tung ra các gói quà có giá dưới 50.000 won. Bên cạnh đó, nhằm ngăn chặn giá mặt hàng trứng leo thang do thiếu hụt nguồn cung từ ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm lớn nhất từ trước tới nay tại nước này, Chính phủ Hàn Quốc đã nhập khẩu 1.500 tấn trứng tươi từ Mỹ và Tây Ban Nha để chuẩn bị nguồn cung cho đợt Tết cổ truyền sắp tới. Bởi, nhiều món ăn truyền thống của Hàn Quốc trong dịp Tết cổ truyền như bánh xèo đều cần sử dụng trứng.  Đại diện Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc cho biết, lượng trứng nhập khẩu sẽ bù đắp số trứng thiếu hụt do hậu quả của sự bùng phát dịch cúm gia cầm trên diện rộng tại nước này, khiến kỷ lục hơn 31 triệu gia cầm, chủ yếu là gà mái đẻ trứng, bị tiêu hủy. Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc nhập trứng tươi từ Mỹ và cũng là lần nhập khẩu trứng tươi đầu tiên kể từ năm 1999. Cùng với nhập trứng tươi, 695 tấn sản phẩm trứng như trứng khô nguyên quả và lòng đỏ trứng đông lạnh cũng sẽ được Hàn Quốc nhập khẩu trước và sau kỳ nghỉ Tết. 
 
Trong khi đó, truyền thống tặng quà của người Trung Quốc trong ngày lễ tết nay đã biến tướng thành việc tặng quà cho quan chức nhà nước và tệ quà cáp này được xem là một thách thức lớn cho công cuộc chống tham nhũng ở đất nước đông dân nhất thế giới này. Dù đã ban hành lệnh cấm nhận quà tết nhưng cơ quan kỷ luật đảng rất khó "bắt tận tay day tận trán" những quan chức nhận quà và cũng rất khó xác định liệu quà biếu dịp lễ tết có phải là tiền hối lộ hay không, bởi thông thường những người biếu quà không đặt mục tiêu thu hồi vốn ngay lập tức mà coi đó là những khoản đầu tư dài hạn! Đồng thời không khí lễ tết đã tạo cho các quan chức vỏ bọc hợp lý để nhận quà dưới bất kỳ hình thức nào.Lệnh cấm dùng công quỹ mua quà cáp đã có từ năm 2012 và đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc lại hồi cuối năm 2013. Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, sẽ có các cuộc thanh tra bí mật được tiến hành trong dịp Tết năm nay nhằm chống tham nhũng.
Theo Cục Bưu điện Nhà nước Trung Quốc, trong năm 2016, thương mại điện tử đang trở thành phân khúc quan trọng của ngành dịch vụ giao nhận. Cụ thể các đơn hàng trực tuyến chiếm từ 21 đến trên 30 tỷ bưu kiện mà những công ty vận chuyển đã thực hiện trong năm 2016. Lượng bưu kiện quốc tế vận chuyển từ Trung Quốc đã tăng 47,1% trong 3 quý đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ tính riêng với trang mua sắm trực tuyến lớn nhất Trung Quốc là Alibaba Group, trong năm 2016, hãng này đã đạt mức tăng trưởng 32% trong doanh số bán hàng, cụ thể là đạt 17,8 tỷ USD tăng cao so với năm 2015. Trang mua sắm Alibaba chiếm hơn 75% trong giao dịch thương mại điện tử của Trung Quốc. Để chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới, trang mua sắm trực tuyến Alibaba Group đã bắt đầu khởi động chương trình mua sắm cả ở khu vực đô thị và nông thôn. Chương trình sẽ giúp người tiêu dùng nhận được sản phẩm đã đặt qua mạng ngay cả trong dịp Tết Nguyên đán.