Châu Á sẽ là đầu tàu chống bảo hộ thương mại?

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc chính phủ một số nước phương Tây ngả về xu hướng bảo hộ thương mại là cơ hội cho các nền kinh tế châu Á dẫn dắt cuộc chơi toàn cầu hóa.

Lãnh đạo kinh tế các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đã nhất trí chống “mọi hình thức” bảo hộ trong cuộc họp ba bên hôm 5/5. Cam kết được cho là mạnh mẽ hơn so với lập trường đi ngược lại xu hướng toàn cầu hóa từ hội nghị các Bộ trưởng tài chính G20 hồi tháng 3, mà Tổng thống Mỹ Donald Trump ưu tiên theo đuổi.

 

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), khẳng định sẽ xem xét lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), kỳ vọng thực thi tốt hơn một số quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và có thể tiến hành thương lượng lại những thỏa thuận cũ hơn. Trước việc này, Trung Quốc đã xác định sẵn sàng giành “ngôi vương” trên thị trường thương mại tự do một khi Washingon rút chân. Tuy nhiên sân chơi này ngoài Trung Quốc muốn tham gia, vẫn còn đối thủ mạnh là Nhật Bản. Hai “con rồng” Đông Bắc Á được coi là đang cố gắng giành thế thượng phong trên thị trường tiền tệ, nhất là sau khi Washington đang “lung lay” vì lập trường bảo hộ của ông chủ Nhà Trắng. Điều này thể hiện rõ trong cuộc gặp lãnh đạo tài chính ba bên (Trung Quốc – Hàn Quốc – Nhật Bản) diễn ra bên lề hội nghị thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Yokohama (Nhật Bản).

Trong một nỗ lực giảm sức ảnh hưởng của đồng USD lên khu vực, phía Nhật Bản đã đề xuất thiết lập những thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương với các quốc gia Đông Nam Á cho phép đồng Yên được tham gia vào các giao dịch tài chính với các nước này. Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ dự kiến lên tới 40 tỷ USD với các quốc gia Đông Nam Á được Tokyo khẳng định nhằm giúp các DN Nhật Bản đang hoạt động ở khu vực này tiếp cận nguồn vốn nội tệ dễ dàng hơn, hỗ trợ các nền kinh tế châu Á bớt lệ thuộc vào đồng bạc xanh.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, bước đi này mang ẩn ý đối trọng với một Trung Quốc với đồng Nhân dân tệ đang ngày càng mạnh lên sau khi gia nhập giỏ tiền tệ quốc tế. Hiện, Bắc Kinh cũng đã có thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương với gần 30 quốc gia để thúc đẩy tiến trình quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ. Dù vậy, Chủ tịch ADB, ông Takehiko Nakao, một nhà cựu ngoại giao Nhật Bản trong lĩnh vực tiền tệ, nhận định Tokyo và Bắc Kinh không hướng tới cạnh tranh mà nhằm hợp tác.

Dù là cạnh tranh hay hợp tác, những bước đi của hai nền kinh tế hàng đầu châu Á vẫn khả quan hơn cho viễn cảnh toàn cầu hóa. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và thống đốc Ngân hàng G20 hồi tháng 3 đã kết thúc mà không đưa ra được cam kết rõ ràng về thương mại tự do và chống bảo hộ thương mại. Việc này phá vỡ truyền thống kéo dài 1 thập kỷ qua của G20 về ủng hộ thương mại mở, chống bảo hộ thương mại. Giữa lúc các quốc gia châu Âu và Mỹ xoay vần trong các cuộc chuyển đổi chính quyền, gây nguy cơ đe dọa tới lập trường chống bảo hộ bấy lâu nay, việc châu Á nổi lên với làn sóng tự do thương mại là tất yếu.