Châu Âu được hậu thuẫn từ đồng minh của Nga

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án dẫn khí mới được kỳ vọng hỗ trợ hiệu quả cho châu Âu khi nguồn cung từ Nga giảm mạnh.

Lễ khởi công đường ống dẫn khí đốt mới chạy từ tỉnh Igdir, phía Đông Thổ Nhĩ Kỳ đến Sederek, phía Tây Azerbaijan vừa diễn ra hôm qua với sự tham dự của cả Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Nguồn: TASS
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Nguồn: TASS

Phát biểu trong cuộc họp báo, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lạc quan: “Dự án đường ống dẫn khí Igdir-Nakhichevan sẽ giúp chúng tôi tăng cường hơn hợp tác năng lượng với Azerbaijan, đồng thời góp phần đảm bảo nguồn cung cho châu Âu”.

Theo ông Erdogan, Nakhichevan là khu vực có tiềm năng lớn để phát triển tuyến vận chuyển năng lượng và vận tải đối với hành lang hậu cần từ Đông sang Tây.

Cũng trong cuộc gặp với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev, hai nước đã ký một số thỏa thuận về xây dựng tuyến đường sắt Kars-Nakhichevan, nhà ở và điện ở Nakhichevan. Đây cũng là tiền đề quan trọng thúc đẩy mối hợp tác trong lĩnh vực hậu cần, vận tải và năng lượng.

Khi xung đột quân sự tại Ukraine nổ ra, trong khi phương Tây cắt đứt phần lớn hoạt động kinh doanh với Nga, thì Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO, đã tăng cường thương mại với Moscow vì lý do chính trị và kinh tế.

Nga trở thành nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi nhiều công ty Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu hoạt động ở Nga.

Châu Âu nỗ lực giảm thiểu năng lượng Nga

Dữ liệu từ cơ quan thống kê Eurostat công bố 25/9 cho thấy nhập khẩu năng lượng của Liên minh châu Âu từ Nga tiếp tục giảm trong quý 2/2023, khi các quốc gia thành viên quyết giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung của Moscow.

Nhập khẩu năng lượng của EU trong quý 2/2023 giảm 39,4% về giá trị và 11,3% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái.

Nỗ lực của “lục địa già” đã thành công khi thị phần dầu mỏ của Nga tại khu vực này giảm từ 15,9% trong quý 2/2022 xuống 2,7% trong quý 2/2023. Theo Eurostat, từ vai trò nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất cho châu Âu, giờ đây Nga tụt xuống vị trí thứ 12.

Trong khi đó, thị phần của Na Uy, Kazakhstan, Mỹ và Ả Rập Saudi tại EU đã tăng lên đáng kể.

Thêm nữa, EU đã cấm nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển kể từ tháng 12/2022 và từ tháng 2/2023 ra lệnh cấm vận đối với các sản phẩm dầu đã tinh chế nhằm trừng phạt nước này liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine.